Từ khi thành lập đến nay, Tòa Trọng tài Thường trực đã thụ lý và giải quyết nhiều vụ kiện về tranh chấp trên biển. Sau khi tòa đưa ra phán quyết, nói chung các nước đều tuân thủ.

Bài 7: Các nước răm rắp tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài

16/07/2016, 07:53

Từ khi thành lập đến nay, Tòa Trọng tài Thường trực đã thụ lý và giải quyết nhiều vụ kiện về tranh chấp trên biển. Sau khi tòa đưa ra phán quyết, nói chung các nước đều tuân thủ.

Tháng 7.2015, phái đoàn Philippines điều trần tại Tòa Trọng tài trong vụ kiện trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc - Ảnh: PCA

Vụ tranh chấp chủ quyền đảo Palmas giữa Mỹ - Hà Lan (1925 - 1928)

Đảo Palmas (hay đảo Miangas) nằm giữa đảo Mindanao và quần đảo Nanusa. Lực lượng Tây Ban Nha đã chiếm đảo này vào năm 1606 nhưng đã phải bỏ đảo từ cuối thế kỷ XVII. Lúc này, Hà Lan đã tranh thủ thiết lập chủ quyền trên đảo bằng các hiệp định với các thủ lĩnh bản xứ.

Đến năm 1898, sau khi chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha kết thúc, hai bên ký Hiệp ước Paris và chuyển giao quyền cai trị Philippines (lúc này là thuộc địa của Tây Ban Nha) cho Mỹ. Theo căn cứ tọa độ ghi trong hiệp định này thì đảo Palmas nằm trong lãnh thổ Philippines nên thuộc quyền cai trị của Mỹ.

Năm 1906, tướng Mỹ Leonard Wood đến thăm đảo lần đầu thì phát hiện trên đảo có cắm cờ Hà Lan và đảo được tuyên bố thuộc lãnh thổ Đông Ấn Hà Lan.

Sau khi đã trao đổi mà không giải quyết được, ngày 25.1.1925, cả hai đã ký thỏa thuận nhất trí đưa vụ việc lên Tòa Trọng tài Thường trực.

Với Mỹ, căn cứ duy nhất Mỹ đưa ra trước tòa là hiệp ước đã ký với Tây Ban Nha năm 1898 nên Mỹ tìm mọi cách chứng minh chủ quyền của Tây Ban Nha đối với đảo Palmas. Trong khi đó, Hà Lan lấy việc mình đã liên tục chủ quyền với đảo này từ năm 1677 để làm cơ sở chứng minh chủ quyền.

Sau khi phân tích lập luận của hai bên, ngày 4.4.1928, Tòa Trọng tài thời điểm này với trọng tài viên duy nhất là luật gia Max Huber người Thụy Sĩ đã tuyên đảo Palmas thuộc chủ quyền Hà Lan. Phán quyết của tòa đã được hai nước nghiêm túc thi hành.

Ông Max Huber, trọng tài viên đã xử lý vụ tranh chấp đảo Palmas giữa Mỹ và Hà Lan- ảnh: Wikipedia.org
Ông Max Huber, trọng tài viên đã xử lý vụ tranh chấp đảo Palmas giữa Mỹ và Hà Lan - Ảnh: Wikipedia.org

Vụ phân định biên giới trên biển giữa Barbados - Trinidad và Tobago (2004 - 2006)

Năm 1990, giữa Venezuela với Trinidad và Tobago đã ký hiệp ước về biên giới trên biển. Tuy nhiên, trong hiệp ước này, phần lãnh thổ trên biển mà Trinidad và Tobago có được lại là phần mà đảo quốc Barbados tuyên bố chủ quyền.

Sau 14 năm đàm phán song phương về vấn đề biên giới trên biển lẫn đánh bắt thủy sản nhưng không đạt được thống nhất, năm 2004 Barbados đã khởi kiện lên Tòa Trọng tài Thường trực căn cứ Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Tòa đã nhận thụ lý vụ việc. Đây được xem là lần đầu tiên tòa công nhận quyền của quốc gia thưa kiện đơn phương đưa tranh chấp ra trọng tài cho dù quốc gia bị kiện phản đối. Thành phần hội đồng trọng tài lúc này gồm 5 thành viên: Stephen M. Schwebel (Chủ tịch hội đồng), Judges Vaughan Lowe, Ian Brownlie, Francisco Orrego Vicuna, Sir. Arthur Watts.

Đến ngày 11.4.2006, Tòa Trọng tài đã ra phán quyết, theo đó vùng biển mà trước đó hai bên tranh chấp được chia đôi cho mỗi bên. Sáu đó, phán quyết đã được hai nước hoan nghênh và chấp hành nghiêm túc.

Biên giới trên biển (đường màu đỏ) giữa Barbados với Trinidad và Tobago được tòa phân xử- ảnh: trinidadandtobagonews.com
Biên giới trên biển (đường màu đỏ) giữa Barbados với Trinidad và Tobago được tòa phân xử - Ảnh:trinidadandtobagonews.com

Tranh chấp về biên giới trên biển giữa Bangladesh - Ấn Độ trong vịnh Bengal (2009 - 2014)

Vụ việc bắt đầu từ năm 1970 khi một hòn đảo nổi lên ở cửa sông Hariabhanga, đường biên giới tự nhiên giữa Ấn Độ và Bangladesh. Hai nước đều cho rằng có chủ quyền trên đảo này. Tranh cãi về lãnh thổ lẫn đường biên giới trên biển bắt đầu nổ ra.

Sau tám vòng đàm phán (từ năm 1974 đến 2009) nhưng đều thất bại, ngày 8.10.2009, Bangladesh đã đệ đơn kiện Ấn Độ căn cứ theo UNCLOS.

Tòa Trọng tài đã lập hội đồng trọng tài gồm Rudiger Wolfrum (chủ tịch), Jean Pierre-Cot, Thomas A.Mensah, Pemmaraju Sreenivasa Rao và Ivan Shearer.

Sau khi cân nhắc các bằng chứng lịch sử phức tạp và cả bản đồ, ngày 7.7.2014 Tòa Trọng tài đã ra phán quyết. Theo đó tòa đã xác định điểm cuối của ranh giới trên đất liền của hai nước, từ đó phân định ranh giới giữa hai nước về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong và ngoài 200 hải lý.

Bangladesh được trao 19.467 km2 trong tổng số 25.602 km2 vùng biển tranh chấp, còn Ấn Độ vẫn có được một khu vực thềm lục rộng lớn về phía nam của vịnh Bengal.

Tòa Trọng tài cũng đã giúp Ấn Độ và Bangladesh giải quyết tranh chấp về biên giới trên biển trong vịnh Bengal- ảnh: pcacase.com
Tòa Trọng tài đã giúp Ấn Độ và Bangladesh giải quyết tranh chấp về biên giới trên biển trong vịnh Bengal - Ảnh: pcacase.com

Sau phán quyết, Ấn Độ mặc dù là nước lớn nhưng vẫn chấp nhận phán quyết của tòa. Lúc đó, Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố việc giải quyết được vấn đề biên giới “sẽ giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thiện chí giữa Ấn Độ và Bangladesh bằng cách đóng lại một vấn đề đã bế tắc lâu nay”.

Ấn Độ và Bangladesh ký thỏa thuận biên giới vào năm 2015- ảnh: worldpoliticsreview.com
Ấn Độ và Bangladesh ký thỏa thuận biên giới vào năm 2015 - Ảnh: worldpoliticsreview.com

Cẩm Bình (theo pcacase.com, haguejusticeportal.net, nghiencuubiendong.net)

Bài 8: Thủ tục giải quyết tranh chấp của Tòa Trọng tài

Bài liên quan
Lập vườn ươm để cứu san hô ở Philippines
AFP thông tin, một nhóm gồm các chuyên gia và người đam mê lặn biển đang lập vườn ươm tại địa điểm lặn nổi tiếng ở phía nam thủ đô Manila, Philippines để góp phần nhân giống, phục hồi san hô bị hư hại.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 7: Các nước răm rắp tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài