“Nhưng dù có cẩn thận đến mấy thì tai họa vẫn bất ngờ ập đến, khiến tui không thể nào quên”, ông Tám nói.

Bài cuối: Những chuyện buồn vui đời thợ lặn

Hùng Anh | 11/04/2019, 08:47

“Nhưng dù có cẩn thận đến mấy thì tai họa vẫn bất ngờ ập đến, khiến tui không thể nào quên”, ông Tám nói.

Trong lúc men rượu ngà ngà, ông Tám Chậu tiết lộgần 40 năm trong nghề “lặn xuống đáy sông kiếm tiền”, điều ông sợ nhất là tai nạn xảy ra bất ngờ, mất lính. Vì vậy mà trước mỗi đợt lặn trục vớt phương tiện hay thi công công trình, ông Tám đều kiểm tra gắt gao tình trạng sức khỏe của thợ lặn và các loại máy móc hỗ trợ. Nếu phát hiện máy móc vận hành không tốt thì có thể chậm 1-2 ngày để sửa chữa, nhưng nếu tình hình sức khỏe của thợ lặn không ổn, ông Tám cương quyết không cho xuống đáy sông làm việc.

Chuyện mất lính bất ngờ và vụ thoát nạn trong gang tấc

Ông Tám Chậu kể, lần xảy ra tai nạn mất lính mà ông nhớ nhất là vào tháng 9.2015, khi nhóm thợ lặn của ông được thuê thực hiện các phần việc ngầm dưới đáy sông tại công trình xây dựng cầu mới An Thạnh trên tỉnh lộ 830, nối liền xã An Thạnh và TT.Bến Lức (Long An). “Cây cầu này không lớn, sông nhỏ và không sâu lắm, nhưng anh em tụi tui vẫn không dám chủ quan, chuẩn bị rất tốt các loại máy móc, các thợ lặn đều mạnh khỏe, không có biểu hiện gì bất thường”, ông Tám nhớ lại.

Khi đến lượtthợ lặn tên X. xuống đáy sông làm việc, lúc đầu mọi việc vẫn suôn sẻ. Khoảng 30 phút sau, bất ngờ những người trên ghe mất liên lạc với thợ lặn X., trong khi máy móc phục vụ công việc của người thợ này vẫn hoạt động bình thường. Khi được anh em trong nhóm báo tin, ông Tám Chậu lập tức cử 2 thợ lặn khác xuống đáy sông xem đã xảy ra sự cố gì. Một lúc sau, 2 người thợ lặn đưa anh X. lên khỏi mặt nước trong tình trạng bất tỉnh.

Biết có chuyện chẳng lành, ông Tám Chậu và cả nhóm lập tức xúm vào cứu chữa, nhưng không kịp, vì anh X. đã tử nạn trước khi được đưa lên khỏi đáy sông. “Lúc đó tui rất bối rối, vì hệ thống cung cấp dưỡng khí cho anh X. làm việc vẫn hoạt động bình thường, nơi anh làm việc có độ sâu không đến 10m, trong khi bình thường anh này có thể lặn sâu đến gần 20m, làm việc cả giờ đồng hồ dưới đáy sông vẫn chẳng sao, nên không thể có chuyện anh bị sức ép của nước làm tử vong. Tình trạng chạm chập điện dưới sông cũng không xảy ra, nên tui hoàn toàn không biết lý do vì sao anh X. chết đột ngột như vậy”, ông Tám nhớ lại.

Vụ tai nạn lao động chết người lập tức được thông báo đến các cơ quan hữu trách của huyện Bến Lức và tỉnh Long An, công việc của nhóm thợ lặn bị tạm đình chỉ để các cơ quan chuyên môn khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi tìm nguyên nhân xảy ra sự cố. Sau khi xác định điều kiện làm việc của nhóm thợ lặn đều an toàn, đến lúc khám nghiệm tử thi nạn nhân thì cơ quan chuyên môn kết luận: anh X. tử vong vì bất ngờ bị đột quỵ trong lúc đang làm việc dưới đáy sông.

“Sau đó nhóm thợ lặn tụi tui đưa anh X. về quê lo ma chay an táng xong xuôi mới quay lại làm việc. Dù tai nạn xảy ra ngoài ý muốn, nhưng tui và các thợ lặn ai cũng buồn lòng, từ đó về sau tụi tui bảo nhau phải đi khám sức khỏe định kỳ để biết bản thân có bệnh gì hay không, tránh những tai nạn đáng tiếc như vậy”, ông Tám nói.

Cầu Rạch Miễu trên sông Tiền, nơi ông Tám Chậu và cả nhóm thợ lặn suýt rơi vào vòng lao lý - Ảnh: Thanh Anh

Ngoài chuyện tai nạn, ông Tám Chậu còn kể rằng có lần ông và cả nhóm thợ lặn sông Soài Rạp suýt bị… xộ khám. Ông Tám nhớ lại: “Lúc đó là đầu tháng 5.2005, khi cây cầu Rạch Miễu bắc qua sông Tiền nối liền 2 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre đang thi công. Tui đang ở nhà thì nhận được cú điện thoại của mộtngười giọng miền Bắc, nói muốn thuê tui và nhóm thợ lặn làm việc ở cầu Rạch Miễu”. Chưa biết việc gì nên ông Tám khăn gói đến TP.Mỹ Tho tìm gặp người đã điện thoại cho ông, trước khi đi còn dặn nhóm thợ lặn chuẩn bị sẵn sàng tàu ghe, máy móc, khi ông thương thảo hợp đồng xong thì sẽ gọi điện kêu cả nhóm lên cầu Rạch Miễu làm việc.

Đến Mỹ Tho, ông Tám Chậu gặp Lê Xuân Trường, Đội phó Đội Cầu số 5 của Công ty Xây dựng cầu 14 thuộc Cienco 1 (đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông vận tải) là người điện thoại cho ông. Gặp nhau, Trường đề nghị ông Tám Chậu ký hợp đồng thi công cắt toàn bộ các ống vách bằng thép của 20 cọc khoan nhồi thuộc trụ T18 phía bờ Tiền Giang do đơn vị của Trường thi công. Mỗi ống thép có đường kính 2m, dày 16mm, cao 10m, trị giá hợp đồng là 300 triệu đồng.

Trường còn cho biết, nếu ông Tám Chậu nhận thực hiện hợp đồng thì anh tasẽ cho cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn nhóm thợ lặn của ông Tám kỹ thuật cắt ống vách thép, cụ thể là chờ nước thủy triều xuống thấp sẽ dùng que hàn cắt ngang 1 đường phía trên và 1 đường sát đáy sông của ống thép, sau đó cắt 2 đường dọc, tách ống thép ra khỏi cọc khoan nhồi như… tách vỏ cây quế.

Sau khi xem hiện trường, thấy “ngon ăn” ông Tám Chậu đã định đặt bút ký hợp đồng với Trường. Nhưng khi nghe Trường yêu cầu tất cả mọi công việc phải thực hiện vào ban đêm thì ông Tám giật mình, dừng lại. Dò la tìm hiểu, ông Tám Chậu biết nhóm của Trường cắt các ống vách thép để… bán, nên ông rút lui, không ký hợp đồng vì nghĩ đó là việc làm sai trái. Đến ngày 17.5.2005, ông Tám giật mình khi hay tin Công an tỉnh Tiền Giang đã bắt quả tang nhóm thợ lặn chuyên nghiệp từ tỉnh Bình Định vào đang thực hiện hợp đồng cắt ống vách thép cầu Rạch Miễu.

“Hôm đó nếu tui không tỉnh táo, ký hợp đồng với Trường rồi kéo cả nhóm thợ lặn của tui lên đó cắt ống vách thép cây cầu thì tất cả đã xộ khám như đám thợ lặn ngoài Bình Định. Bây giờ mỗi khi đi ngang cầu Rạch Miễu, nhớ chuyện cũ vẫn còn hú hồn”, ông Tám Chậu nói.

Yên tâm đi lặn nhờ có “hậu phương lớn”

Trong lúc các thợ lặn đang cùng nhau kể chuyện nghề thì bà Tám Chậu bất ngờ xuất hiện. Đang cao hứng vì men rượu, mấy tay thợ lặn châm chọc: “Ông Tám kể chuyện làm ăn, chẳng có bồ bịch trai gái gì đâu mà bà nghe để… ghen với ổng”. Nghe vậy bà Tám phân bua: “Hơi đâu mà ghen với ổng, vợ chồng sống với nhau đã 30 năm, mấy mặt con, tui còn lạ gì tính tình của ổng mà ghen. Chỉ nhắc ổng đừng uống nhiều quá”. Nghe vợ nói vậy, ông Tám cũng phân trần: “Từ ngày cưới nhau tới giờ vợ tui giữ chân nội tướng lo việc nhà, nuôi dạy con cái. Còn tui đi lặn khắp nơi kiếm tiền, có khi cả tháng mới về nhà, nên vợ luôn luôn là số 1”.

Bà Tám Chậu cho biết, quê gốc của bà ở xã Bình Thắng (H.Bình Đại, tỉnh Bến Tre). Hồi đó ông Tám Chậu quen với chú của bà, hay qua Bình Thắng chơi, nhiều lần nhậu lai rai với cha bà. Nhậu nhiều lần, cha bà mến tính tình ông Tám Chậu, nên chú của bà đứng ra làm mai mối cho 2 người cưới nhau vào năm 1989. “Lúc đó có biết ổng là ai. Đến khi gặp mặt, thấy ổng hiền lành chất phác, hay cười, ăn nói đàng hoàng, có cái… lỗ mũi lớn chắc biết lo làm ăn, nên nhận lời cưới. Cưới xong mới biết ổng chuyên… làm việc dưới đáy sông”, bà Tám kể.

Theo bà Tám, dù ông Tám Chậu đi lặn thuê khắp các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ, làm có tiền nên nhiều người nói coi chừng bà bị… mất chồng. Nhưng bà Tám nghĩ “cái gì của mình thì luôn luôn là của mình, chẳng sợ mất”, nên chẳng thèm ghen. Theo bà Tám, không riêng bà mà hầu hết những người vợ của anh em thợ lặn sông Soài Rạp đều ở nhà nội trợ nuôi con. Ai cũng hiểu rõ chồng mình đang dấn thân trong cái nghề hết sức hiểm nguy, cực khổ, nên chuyện ghen tuông bóng gió chưa hề xảy ra ở xóm thợ lặn này.

“Nói thiệt, nếu có điều kiện thì tui sẽ không cho ổng tiếp tục đi lặn vì đã lớn tuổi, sức khỏe không còn như xưa. Mỗi lần ổng cùng anh em đi lặn là tui đứng ngồi không yên, ngủ không ngon giấc. Bây giờ thêm thằng con lớn nối nghiệp ổng, tui càng lo cho 2 cha con. Đêm nào tui cũng cầu Trời khấn Phật, xin Bà Cậu phù hộ cho cha con ổng cùng anh em mạnh giỏi, chỉ mong cha con ổng sớm xong công việc trở về nhà”, bà Tám Chậu bày tỏ.

Thanh Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
8 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài cuối: Những chuyện buồn vui đời thợ lặn