Trong thành ngữ cổ có câu “bài binh bố trận”, thường được dùng khi nói tới nội dung quân sự. Xét về mặt ngôn ngữ, thành ngữ này hoàn toàn từ Hán Việt (bài, binh, bố, trận), không có từ thuần Việt chen vào.
Sau trận thắng của đội U.23 Việt Nam trước đối thủ to khỏe Phi Luật Tân trên sân nhà Mỹ Đình, một không khí cuồng nhiệt, phấn khởi tràn ngập trong đời thực lẫn trên mặt báo. Sẽ còn đá 2 trận chung kết với đội Mã Lai để giành vòng nguyệt quế, tức là còn phải thử sức thử tài, mưu mẹo nhiều nữa. Vậy nên rất nhiều báo đã nhanh nhảu làm công việc dự báo, tiên đoán, hình dung, cầm đèn chạy trước ô tô, với cái tít “Thầy phù thủy Park sẽ bày binh bố trận sắp tới như thế nào?”.
Đang máu bóng đá, người đọc rất dễ bỏ qua cái sai của từ ngữ trên tít và trong bài. Sai ở từ “bày binh”, một lỗi nhầm lẫn, dùng tùy tiện từ Hán Việt và thuần Việt.
Trong thành ngữ cổ có câu “bài binh bố trận”, thường được dùng khi nói tới nội dung quân sự. Xét về mặt ngôn ngữ, thành ngữ này hoàn toàn từ Hán Việt (bài, binh, bố, trận), không có từ thuần Việt chen vào. Từ “bài” và từ “bố” đều có nghĩa là sắp xếp, sắp đặt, bày ra, bày đặt, dàn xếp, bố trí, xếp đặt… Người cầm quân (binh) khi tổ chức trận đánh (trận) thường có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là về địa hình, lực lượng, thời gian, tìm hiểu đối phương… để tránh mọi sai sót, nắm chắc phần thắng. Công việc ấy là bài và bố. Thuật ngữ quân sự gọi đó là “bài binh bố trận”. Cũng có trường hợp người ta ra trận, đi đánh nhau mà không cần bài binh bố trận, chẳng hạn dân binh nghĩa sĩ trong tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của cụ Đồ Chiểu: “Mười tám ban võ nghệ, nào đợi tập rèn/Chín chục trận binh thư, không chờ bài bố”, tuy nhiên đánh kiểu “lấy tinh thần làm sức mạnh” như vậy thì rất dễ thua, nhất là trong những cuộc chiến tranh hiện đại.
Nói như trên để thấy rằng nhà báo dùng từ Hán Việt thì nên dùng cho thuần nhất, chính xác, đừng tùy tiện lắp ghép Hán Việt với thuần. “Bày” là từ hoàn toàn thuần Việt, ta thường thấy nghĩa của nó trong phô bày, trưng bày, bày biện, tức là làm lộ ra những thứ vật chất chi đó. Cụ Tam nguyên Nguyễn Khuyến khi “Đi chợ trời Hương Tích” đã sửng sốt trước vẻ đẹp thiên nhiên “Yến oanh chào khách nhà mây tỏa/Hoa quả bày hàng điếm cỏ che”. Còn thi sĩ nghèo Tú Xương trong bài thơ “Sắm tết” nói về sự nghèo có câu “Tết nhất năm nay khéo thật là/Một mâm mứt rận mới bày ra”, người ta bày biện trong ngày tết bánh trái hoa quả thịt thà, còn ông tú nghèo rớt mùng tơi chỉ có đám rận từ quần áo, như được bày ra vậy.
Rõ ràng, trong tiếng Việt từ “bày” tuy cũng có phần nào mang nghĩa sắp xếp, bày biện (chẳng hạn bày gian hàng triển lãm) nhưng nghĩa chính của nó là phô ra, phô bày, trưng bày nên không thể viết (hoặc nói) là “bày binh bố trận” mà phải “bài binh bố trận”. Nơi trận địa, người cầm quân chỉ bố trí quân cho có lợi nhất chứ có ai dại dột phơi bày tênh hênh đội quân của mình ra trước đối phương bao giờ.
Chỉ mong sao ông huấn luyện viên Park Hang-seo tài giỏi, nhiều mưu mẹo sẽ tiếp tục có những bố trí, sắp xếp đội hình cho thật hợp lý, tạo sự bất ngờ, khiến đối phương bị động, lúng túng, khó chống đỡ, không kịp trở tay, chứ đừng nhẹ dạ nghe theo các nhà báo phô hết tất cả lực lượng, quân binh ra, chẳng khác gì “lạy ông tôi ở bụi này”. Cứ “bày” như thế, còn gì là sức mạnh và bí mật nữa. Nói thế thôi, chứ ông Park vốn tướng cầm quân đầy kinh nghiệm rồi, “bài binh bố trận” nhiều phen nổi danh rồi, chúng ta chỉ còn mỗi việc chờ chiến thắng từ thầy trò ổng thôi.
Nguyễn Thông