Khái niệm LGBT (Lesbian – đồng tính nữ, Gay – đồng tính nam, Bisexual – song tính và Transgender – chuyển giới) không còn quá mới mẻ vào lúc này, nhưng có thể, chúng ta vẫn chưa thực sự hiểu và cảm thông cho họ.
Nếu bạn làm việc trong ngành giải trí, truyền thông, quảng cáo, thời trang, làm đẹp… thì có lẽ bạn không còn quá ngạc nhiên khi thấy hai người đàn ông/phụ nữ chọn yêu nhau. Tuy nhiên, với phần lớn mọi người, vấn đề LGBT vẫn là một câu chuyện khá xa lạ.
Cách đây vài tháng, nhiều tờ báo tại Việt Nam đã phát động phong trào “Tôi đồng ý” để kêu gọi luật pháp chấp nhận hôn nhân đồng tính. Tuy nhiên, phong trào này chỉ dừng lại ở kết quả “chấp nhận đám cưới đồng tính”, điều mà hầu hết những người kêu gọi vẫn không vừa lòng.
Vậy còn chính bạn, bạn nghĩ gì về vấn đề tình yêu và hôn nhân đồng tính hay những người song tính, chuyển giới? Trước khi bạn đến câu trả lời, có lẽ chúng ta nên nhìn vào một vài con số để thấy thế giới nhìn nhận thế nào về vấn đề này.
Từ cộng đồng...
Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất tranh cãi về vấn đề này. Luật pháp nước Nga còn công khai chống lại người đồng tính, không cho phép họ được công khai thể hiện bản thân, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình gay gắt và gây không ít thương vong. Tuy nhiên, nếu nhìn vào điều tra của Pew Global (Mỹ) về thái độ người dân các quốc gia trước vấn đề đồng tính, bạn sẽ thấy tình hình tại một số nước khác trước vấn đề này còn căng thẳng hơn nhiều.
Kết quả khảo sát của Pew Global cho thấy phần lớn người dân châu Phi và châu Á vẫn không chấp nhận hôn nhân đồng giới. Trong khi 74% người tham gia khảo sát tại Nga nói không với người đồng giới, thì tại Indonesia hay Pakistan, con số ấy lên tới 87% và 93%. Ở những quốc gia mà đời sống tinh thần của người dân càng gắn chặt với tôn giáo thì thái độ trước vấn đề đồng tính càng khắc nghiệt.
Tại sao thái độ của cộng đồng lại quan trọng đến như vậy? Đó là vì thái độ trước người đồng tính, song tính, chuyển giới… không đơn giản như việc bạn thích chọn đầm màu xanh hay màu đỏ, mà kéo theo rất nhiều vấn đề nghiêm trọng khác. Tại Nga hay Ukraine, chuyện những người đồng tính bị xúc phạm và đánh đập diễn ra như cơm bữa. Tại 8 quốc gia bao gồm (Iran, Sudan, Yemen…), hành động quan hệ tình dục với người đồng giới có thể bị kết tội tử hình trước pháp luật hoặc đối mặt với nguy cơ bị giết chết.
Đây là một vấn đề xảy ra liên tục trên khắp thế giới từ nhiều thập kỷ nay. Một cuộc điều tra từ cuối thập niên 1980 với 2.000 người đồng tính ở một số khu vực đô thị tại quốc gia được cho là tự do nhất - Mỹ - cho thấy, hơn 90% trong số họ từng bị sỉ nhục vì giới tính của mình, 50% người đồng tính nam và hơn 30% người đồng tính nữ thừa nhận từng bị tấn công bởi những người tẩy chay đồng tính. Cho đến nay, con số này không còn đến mức độ ấy, nhưng mới ngày tháng 5.2013, một người đàn ông đồng tính đã bị bắn chết trên phố bởi những kẻ tẩy chay.
|
Hình ảnh chỉ có tính minh họa |
Thái độ chống lại, khinh bỉ, sợ hãi người đồng tính thậm chí đã phát triển thành một căn bệnh có tên gọi Homophobia (chứng sợ người đồng tính). Và dù Việt Nam không hẳn là một quốc gia quá gay gắt với những vấn đề trên và cũng chưa có một con số khảo sát đáng tin cậy nào cho thấy sự chống đối người đồng tính sẽ dẫn đến những hành động gì, nhưng bạn sẽ không khó gặp được những người cho rằng đồng tính là một biểu hiện bệnh hoạn, suy đồi đạo đức và có thái độ tẩy chay ra mặt. Và điều này dẫn đến một vấn đề nghiêm trọng hơn.
Khi đồng tính được xem là một biểu hiện của đạo đức suy đồi, nhiều người (đặc biệt là đàn ông) phải giấu giếm nhu cầu sinh lý bình thường của mình. Nhiều người đã tìm cách giải quyết nhu cầu tình dục của mình bằng con đường mại dâm thiếu an toàn. Đây là một trong những lý do khiến số lượng người mắc HIV tại Việt Nam tăng cao.
… Đến các cá nhân
Cách đây ít lâu, một nữ thạc sĩ đã bị lên án khi cô cho rằng “đồng tính là một căn bệnh và có thể chữa được”. Trong khi đó, từ những năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã khẳng định rằng đồng tính không phải là một căn bệnh tâm lý. Những người đồng tính đơn giản là những người có xu hướng tình dục riêng, là phần thiểu số so với phần đa số là dị tính. Tuy nhiên, thông tin này không phải ai cũng biết, vì rất nhiều người vẫn có thái độ không đúng mực với những người đồng tính.
Một số người coi đồng tính là một vấn đề lệch lạc của xã hội, dù không phản đối nó một cách gay gắt, họ vẫn không thoải mái khi bàn về câu chuyện này.
Khi tôi đề cập đến vấn đề đồng tính trong một bữa ăn tối, một vị trưởng phòng kinh doanh của một công ty xây dựng ngay lập tức phẩy tay: “Ai muốn làm gì thì mặc kệ, nhưng con gái tôi thì tuyệt đối không được chơi với những người đồng tính, nhân viên của tôi cũng vậy!”. Điều này dẫn tôi đến câu hỏi: Trong cuộc sống có bao nhiêu người suy nghĩ như vậy?
|
Hình ảnh chỉ có tính minh họa |
Một khảo sát của Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường vào năm 2009 với sự tham gia của hơn 3.000 người đồng tính nam cho thấy có tới 64,25% phải hoàn toàn giấu kín (trong khi chỉ có 2,49% người hoàn toàn công khai). Lý do của những người phải giấu kín là: sợ xã hội kỳ thị (40,77%), sợ gia đình không chấp nhận (39,40%), sợ bị trêu chọc, bắt nạt (28,50%), sợ mất việc (9,79%). Đó là những con số cho thấy người đồng tính tại Việt Nam không quá sợ hãi chuyện bị trêu chọc hay tấn công, nhưng họ sợ sự ghẻ lạnh của xã hội và gia đình.
Nếu bạn truy cập vào trang taoxanh.net, một diễn đàn dành cho người đồng tính khá có tiếng tại Việt Nam, bạn sẽ thấy có không ít người thừa nhận rằng sau khi công khai, họ đã bị bạn bè bỏ rơi và gia đình phản đối gay gắt.
(Còn tiếp)
Theo ELLE Việt Nam
Bạn biết và nghĩ gì về LGBT? (Phần cuối)