Sáu tập đoàn kinh tế lớn thuộc Bộ Công Thương đã chính thức được bàn giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bàn giao 6 tập đoàn kinh tế của Bộ Công Thương về 'siêu ủy ban'

11/11/2018, 00:12

Sáu tập đoàn kinh tế lớn thuộc Bộ Công Thương đã chính thức được bàn giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng về siêu ủy ban - Ảnh minh họa từ Internet

Sáng ngày 10.11, tại trụ sở Bộ Công Thương đã diễn ra lễ bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu các tập đoàn, tổng công ty do Bộ Công Thương làm chủ sở hữu vốn nhà nước sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Lễ bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu các tập đoàn, tổng công ty do Bộ Công Thương làm chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Nội dung bàn giao gồm các tài liệu pháp lý của doanh nghiệp như: quyết định thành lập doanh nghiệp; điều lệ tổ chức và hoạt động; quyết định phê duyệt kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm và kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp; quyết định phê duyệt quy chế tài chính, vốn điều lệ; quyết định bổ nhiệm các chức danh; báo cáo tài chính hợp nhất...

Bộ Công Thương cho biết cơ quan này có 6 doanh nghiệp thuộc diện bàn giao sang Ủy ban, bao gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba).

Đây đều là những doanh nghiệp có vốn hóa cao, tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ hiện tại trên 555.000 tỉ đồng (bằng ½ tổng số vốn nhà nước mà Ủy ban nắm giữ trên tổng 19 doanh nghiệp chuyển về Ủy ban). Sáu doanh nghiệp do Bộ Công Thương nắm quyền đại diện chủ sở hữu đều được xem là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty mạnh trong lĩnh vực và có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế và đóng góp cho ngân sách nhà nước như: điện, than, dầu khí, xăng dầu, thuốc lá, hóa chất.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: "Việc tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp ra khỏi các cơ quan quản lý hành chính nhà nước là cần thiết để kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước tập trung năng lực vào thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước ngày càng phức tạp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Đây là một sự thay đổi lớn, thể chế hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 12 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp; qua đó khắc phục những tồn tại, hạn chế của mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước hiện nay bằng việc hình thành một cơ quan đại diện chủ sở hữu chuyên trách, chuyên nghiệp và có trách nhiệm giải trình đầy đủ".

Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là mô hình được Bộ KH&ĐT đưa ra lấy ý kiến trong dự thảo Nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước. Đây được xem là cơ quan chuyên trách quản lý doanh nghiệp nhà nước có sự tách bạch quyền sở hữu với quyền điều hành chính sách, có quy mô vốn và tài sản tại các doanh nghiệp .

Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của "siêu ủy ban" này là chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý doanh nghiệp cho phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới. Bên cạnh đó là việc tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ việc vay nợ và sử dụng vốn vay DNNN, nhất là vay nợ nước ngoài, thực hiện công bố, minh bạch báo cáo tài chính, thông tin tài chính, kinh doanh, điều hành của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước...

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bàn giao 6 tập đoàn kinh tế của Bộ Công Thương về 'siêu ủy ban'