Phía sau thành công vang dội của Manchester City (MC) là sự “chủ động của giới chủ” khi xác định được ước muốn của mình rồi họ mới chọn những con người thích hợp và giao quyền điều hành. Điều đó mang lại bài học gì cho bóng đá Việt Nam?

Bản sắc bóng đá Việt Nam: Bài học từ thành công của Manchester City

Đặng Hoàng | 02/06/2023, 20:00

Phía sau thành công vang dội của Manchester City (MC) là sự “chủ động của giới chủ” khi xác định được ước muốn của mình rồi họ mới chọn những con người thích hợp và giao quyền điều hành. Điều đó mang lại bài học gì cho bóng đá Việt Nam?

tbn-1.jpg
GĐĐH Soriano, HLV Guardiola, GĐTT Begiristain (từ trái qua)

Nói đến thành công của Manchester City, người hâm mộ bóng đá thế giới đều nghĩ ngay đến HLV Pep Guardiola. Nhưng Pep không thể đưa MC lên đỉnh cao như hôm nay, nếu Pep không được làm việc trong “môi trường Tây Ban Nha” ở câu lạc bộ bóng đá Anh theo ý tưởng của ông chủ Sheikh Mansour - Hoàng thân của Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất (UAE), thành viên Hoàng gia Al Nahyan của Tiểu vương quốc Abu Dhabi

Manchester City: Thân thể Anh quốc, bộ não Tây Ban Nha

Sheikh Mansour là người con thứ 5, và có tên trong danh sách kế thừa tổng tài sản trị giá khoảng 650 tỷ USD của Hoàng gia Abu Dhabi - đế chế hùng mạnh nhất trong 7 quốc gia thuộc UAE. Ông cũng giữ chức Bộ trưởng các vấn đề lãnh đạo UAE, và là Chủ tịch Công ty Đầu tư Dầu mỏ quốc tế của Abu Dhabi.

Đam mê bóng đá lại có tiềm lực tài chính và thời sinh viên học ở Anh, nên ông đã biến giấc mơ thành hiện thực khi năm 2008, ông mua lại MC với giá 210 triệu bảng từ cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra.

Sau mùa đầu tiên quản lý, MC bị tụt xuống hạng 10 nên Mansour đã thay HLV Mark Hughes (Xứ Wales) bởi Roberto Mancini (Ý). Trong 4 mùa bóng, dưới triều đại HLV Mancini, MC đã tiến bộ qua từng năm với vị trí thứ 5 (2010), rồi 3 (2011) và vô địch Premier League 2012, xen giữa là đoạt cúp FA 2011, Cúp Liên đoàn 2012. Nhưng bấy nhiêu là quá ít so với sự đầu tư cùng khát vọng của Sheikh Mansour. Vì thế ngay trong năm 2012, Sheikh Mansour quyết định thực hiện một cuộc “cách mạng Barcelona”, khi mời bộ đôi Ferran Soriano - Phó Chủ tịch kinh tế Barcelona và Txiki Begiristain - Giám đốc thể thao Barcelona đảm nhận vị trí giám đốc điều hành và giám đốc thể thao MC.

Ferran Soriano và Txiki Begiristain là hai nhân vật quan trọng trong ban lãnh đạo Barcelona thời đỉnh cao. Chiến lược của Sheikh Mansour là xây dựng MC theo công thức thành công của Barcelona, và thông qua Ferran Soriano và Txiki Begiristain, MC sẽ mời được Pep Guardiola, một trong những HLV được đánh giá là xuất sắc nhất thế giới.

Thế nhưng Pep Guardiola lại chọn Bayern Munich là bến đỗ vào mùa bóng 2013. MC vẫn kiên nhẫn chờ và họ đã mời Manuel Pellegrini thay Mancini vào năm 2013, vì Pellegrini đã là HLV các CLB Tây Ban Nha từ 2004.

Có nghĩa là MC vẫn trung thành với quan điểm “chất Tây Ban Nha” trong guồng máy điều hành MC của Sheikh Mansour.

Đối với một CLB MC đang trên đà phát triển mạnh và lại có ông chủ đầy tham vọng như Sheikh Mansour thì 3 năm là quãng thời gian dài để chờ đợi một HLV. Nhưng sự kiên nhẫn, kiên trì với chiến lược của MC đã được đền đáp xứng đáng. Kể từ khi Pep đến vào mùa hè 2016, MC đã vươn mình trở thành người khổng lồ. Trong 6 năm sau đó, MC đã 5 lần vô địch Preimer League và đang đứng trước cơ hội ăn ba danh hiệu mùa 2023 nếu đoạt Cúp FA và vô địch Champions League.

Với Pep, MC trình diễn thứ bóng đá thường được biết đến dưới tên gọi "Juego de Posicion" trong tiếng Tây Ban Nha, hay "Positional Play" trong tiếng Anh tạm dịch tiếng Việt là "định hướng vị trí".

Trước đó, các đội bóng thường áp dụng lối chơi pressing, gây áp lực, không cho cầu thủ đối phương có đủ không gian và thời gian kiểm soát bóng và xử lý bóng. Nhưng "Positional Play" là cầu thủ chiếm không gian trước từ đó mới có thời gian để hành động theo ý muốn. Có nghĩa là phải tận dụng thời gian để chiếm không gian và "Positional Play" là thời gian đi trước không gian.

Nhưng MC đâu chỉ có bộ ba Pep, Ferran Soriano và Txiki Begiristain mà các vị trí Giám đốc phụ trách các hoạt động thể thao, các trợ lý của Pep trong ban huấn luyện, chuyên gia thể lực, chuyên gia phân tích, chuyên gia tình huống cố định, HLV thủ môn, người phụ trách truyền thông, tiếp thị, bác sỹ, đầu bếp… cũng là người Tây Ban Nha.

Ngay như Joan Patsy, người chịu trách nhiệm đàm phán hợp đồng để mang cầu thủ về cho MC cũng là cựu nhà báo từng có mối mối quan hệ rất thân thiết với Johan Cruyff, cố danh thủ và HLV của Barcelona.

Tóm lại, thành công của MC là từ “cái đầu” Sheikh Mansour vừa là chủ, vừa là người đầu tư, vừa là người đưa ra tầm nhìn Tây Ban Nha rồi tin tưởng giao quyền quản trị cũng như huấn luyện cho “cộng đồng Tây Ban Nha” để tạo nên “bộ não bóng đá” hùng mạnh!

Bóng đá Việt Nam từ bị động nên chủ động

MC thành công vì họ có ông chủ xác định để MC có được lối chơi đẹp, hiệu quả thì phải mời cho bằng được HLV Pep cùng bộ máy Tây Ban Nha hỗ trợ. Nói đơn giản là MC chủ động mọi mặt đễ đạt mục tiêu đặt ra.

Còn VFF có xác định đâu là bản sắc cho bóng đá Việt Nam?

Gần 30 năm qua, tính từ khi đội tuyển Việt Nam có HLV ngoại vào năm 1995 là Tavares rồi Weigang, Murphy, Riedl, Dido, Letard, Calisto, Gotz, Park Hang-seo cho đến bây giờ là Philippe Troussier, nhìn lại, VFF chưa bao giờ chủ động tìm HLV cho đội tuyển Việt Nam, ngoại trừ một lần duy nhất là Bầu Đức thân chinh qua Hàn Quốc mời HLV Park Hang-seo.

Thế nhưng dù có chủ động mời HLV Park Hang-seo, nhưng chưa bao giờ VFF xác định được lối chơi của đội tuyển Việt Nam rồi mới chọn HLV phù hợp. Thay vào đó lối chơi đội tuyển VN luôn hay đổi theo quan điểm của từng HLV. Rõ nhất là bóng đá Việt Nam chọn HLV Troussier có triết lý hoàn toàn khác với HLV Park Hang-seo, nên lối chơi của đội tuyển Việt Nam giờ đây phải làm lại từ đầu, thay vì có tính kế thừa, tiếp nối liên tục để phát triển như cách làm của các nền bóng đá hàng đầu của châu lục cũng như là thế giới.

Quy trình chọn HLV cho đội tuyển quốc gia là như thế nào?

Giám đốc kỹ thuật Liên đoàn quốc gia là tổng công trình sư là người định hướng, vạch ra chiến lược, định hình bản sắc cho nền bóng đá quốc gia. Sau đó sẽ trình bày với hội đồng HLV quốc gia và sau khi Liên đoàn quốc gia thống nhất thông qua, khi đó mới tuyển chọn HLV cho đội tuyển quốc gia.

Bóng đá Việt Nam cũng có giám đốc kỹ thuật VFF, cũng có Hội đồng HLV quốc gia, cũng có Phó chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn, thế nhưng tất cả chưa bao giờ làm đúng chức năng và hoàn thành vai trò, trách nhiệm của mình khi để quy trình ngược không hiệu quả, không khoa học tồn tại mấy chục năm qua: có HLV rồi HLV đó toàn quyền quyết định xây dựng lối chơi đội tuyển!

***

VFF cũng vừa bổ nhiệm Giám đốc kỹ thuật VFF người Nhật Bản Koshida Takeshi. Ông Takeshi cũng có khát vọng như HLV Troussier là muốn đưa đội tuyển bóng đá Việt Nam sớm có mặt ở vòng chung kết World Cup.

Nói thì dễ, nhưng làm thế nào để biến lời nói thành hiện thực?

Thành công của MC, xác định được mục tiêu, chủ động vạch ra chiến lược để đạt được kết quả tốt nhất là bài học “chủ động” mà VFF nên học hỏi, nên xác định được đâu là bản sắc của bóng đá Việt Nam rồi chọn HLV cho đội tuyển quốc gia, thay vì VFF luôn ở thế “bị động”!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bản sắc bóng đá Việt Nam: Bài học từ thành công của Manchester City