Trong công trình nghiên cứu mới nhất, hai nhà khoa học từ Đại học Oxford đã phân tích bộ dữ liệu bao gồm hơn 290.000 hóa thạch động vật không xương sống ở biển, với niên đại trải dài 485 triệu năm lịch sử gần đây nhất của Trái đất.
Kiến thức - Học thuật

Nghiên cứu mới xác định những loài dễ bị tuyệt chủng vì biến đổi khí hậu

Anh Tú 18:17 09/03/2024

Trong công trình nghiên cứu mới nhất, hai nhà khoa học từ Đại học Oxford đã phân tích bộ dữ liệu bao gồm hơn 290.000 hóa thạch động vật không xương sống ở biển, với niên đại trải dài 485 triệu năm lịch sử gần đây nhất của Trái đất.

gau.jpg
Chim cánh cụt và gấu trắng đều có nguy cơ tuyệt chủng cao

Nhiều chuyên gia tin rằng chúng ta có thể sớm phải đối mặt với sự kiện tuyệt chủng hàng loạt, với tỷ lệ lớn các loài trên Trái đất sẽ chết dần. Các dự báo cho thấy khí hậu sẽ tiếp tục thay đổi trong nhiều thế kỷ tới và đây là mối đe dọa đáng kể đối với đa dạng sinh học cũng như tác động đến nhiều loài.

Bất chấp mối đe dọa mà biến đổi khí hậu gây ra đối với đa dạng sinh học, chúng ta vẫn chưa hiểu đầy đủ về nguyên nhân khiến động vật bị tuyệt chủng. Trong công trình mới xuất bản trên tạp chí Science, Erin Saupe - Phó giáo sư Cổ sinh vật học, Đại học Oxford và Cooper Malanoski - Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Địa chất, Đại học Oxford đã sử dụng hồ sơ hóa thạch để đưa ra những ước tính chính xác hơn.

Hồ sơ địa chất hóa thạch cung cấp cái nhìn sâu sắc cơ bản về sự tuyệt chủng trong quá khứ do nhiều sự kiện biến đổi khí hậu gây ra. Do đó, hồ sơ hóa thạch mang lại cơ hội hiếm có để tìm hiểu cơ chế tuyệt chủng và điều tra xem sự thay đổi khí hậu đã dẫn đến sự tuyệt chủng như thế nào trong quá khứ.

Việc hiểu được lý do tại sao các loài bị tuyệt chủng trong điều kiện tự nhiên trước khi có tác động của con người là điều tối quan trọng, vì các động cơ dẫn đến tuyệt chủng do con người gây ra cũng đang tích lũy theo thời gian.

Bằng cách xác định những đặc điểm nào có liên quan đến sự tuyệt chủng, chúng ta có thể sử dụng kiến thức này để xác định các loài có nguy cơ tuyệt chủng cao hơn nhằm ưu tiên nỗ lực bảo tồn.

Trong công trình nghiên cứu mới nhất, hai nhà khoa học từ Đại học Oxford đã phân tích bộ dữ liệu bao gồm hơn 290.000 hóa thạch động vật không xương sống ở biển, với niên đại trải dài 485 triệu năm lịch sử gần đây nhất của Trái đất. Họ đã xem xét trực tiếp những đặc điểm quan trọng nhất giúp các loài tồn tại trong quá khứ địa chất.

Các nghiên cứu trước đây đã nhấn mạnh kích thước cơ thể và phạm vi địa lý (phạm vi không gian mà một loài phân bố) là những yếu tố dự báo chính về nguy cơ tuyệt chủng của một loài trong suốt lịch sử địa chất.

Vì vậy, hai nhà nghiên cứu từ Đại học Oxford đã tái tạo khí hậu cho 81 giai đoạn địa chất trong suốt Phanerozoic (liên đại Hiển sinh, bắt đầu từ 541 triệu năm trước kéo dài đến tận bây giờ). Và họ đã sử dụng các mô hình khí hậu để xác định phạm vi nhiệt độ mà mỗi loài có thể chịu đựng được.

Những yếu tố này sau đó được so sánh với phạm vi địa lý và kích thước cơ thể để đánh giá tầm quan trọng tương đối của hai thông số. Sau đó, họ ước tính đến yếu tố bên ngoài có thể tác động đến nguy cơ tuyệt chủng: mức độ biến đổi khí hậu mà mỗi loài phải trải qua.

Họ đã đánh giá các đặc điểm nội tại, chẳng hạn như khả năng chịu nhiệt độ và kích thước cơ thể, so với biến đổi khí hậu trong việc ảnh hưởng đến nguy cơ tuyệt chủng của một loài như thế nào. Đây là nghiên cứu đầu tiên so sánh trực tiếp các đặc điểm nội tại của động vật với yếu tố bên ngoài để xác định nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng.

Phát hiện từ nghiên cứu mới cho thấy các loài sống ở vùng khí hậu khắc nghiệt, chẳng hạn như vùng cực hoặc xích đạo, đặc biệt dễ bị tuyệt chủng. Các loài có khả năng chịu dao động nhiệt ở dải hẹp khoảng dưới 15°C phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao hơn đáng kể. Hai nhà khoa học từ Đại học Oxford cũng phát hiện ra rằng hóa ra các loài có thân hình nhỏ hơn dễ bị tuyệt chủng hơn do những thay đổi về khí hậu và những thay đổi khác.

Tuy nhiên, yếu tố dự báo quan trọng nhất về nguy cơ tuyệt chủng là quy mô phạm vi địa lý. Các loài có phạm vi phân bố nhỏ, bị hạn chế về mặt địa lý, có khả năng tuyệt chủng cao hơn.

Cần sớm có ý thức bảo tồn

Điều đáng báo động là, lần đầu tiên, nghiên cứu của 2 nhà khoa học từ Đại học Oxford đã xác định biến đổi khí hậu là một yếu tố dự báo đáng kể về sự tuyệt chủng, bên cạnh các đặc điểm của mỗi loài.

Họ quan sát thấy các loài chịu sự thay đổi khí hậu cục bộ từ 7°C trở lên qua các giai đoạn địa chất có nhiều khả năng bị tuyệt chủng hơn. Điều này cho thấy rằng việc vượt qua ngưỡng biến đổi khí hậu này sẽ làm tăng khả năng tuyệt chủng của một loài, bất kể các đặc điểm khác của nó.

Điều đó cho thấy có tác động tích lũy của các biến số đối với nguy cơ tuyệt chủng, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xem xét một loạt các yếu tố bên ngoài khi đánh giá tính dễ bị tổn thương trước nguy cơ tuyệt chủng.

Ví dụ, một loài cư trú ở các vùng cực, có phạm vi địa lý và kích thước cơ thể nhỏ, đồng thời chịu sự thay đổi khí hậu đáng kể, sẽ phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao hơn nhiều. Cách tiếp cận toàn diện này cho thấy sự tương tác giữa các yếu tố sinh học và môi trường khác nhau trong việc xác định khả năng tồn tại của mỗi loài trong khoảng thời gian địa chất.

Vẫn còn nhiều điều không chắc chắn khi nói đến nguy cơ tuyệt chủng, đặc biệt là xung quanh lý do tại sao một số loài lại có khả năng chống lại mối họa tuyệt chủng và cách các đặc điểm tương tác dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng. Nhưng dù thế nào, chúng ta vẫn cần giảm thiểu biến đổi khí hậu, đồng thời thực hiện nhiều nghiên cứu hơn để củng cố hiểu biết về những tác động đối với các loài dễ bị tổn thương.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Tổng thống đắc cử Indonesia
một giờ trước Sự kiện
Chiều 13.9, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto thăm làm việc tới Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghiên cứu mới xác định những loài dễ bị tuyệt chủng vì biến đổi khí hậu