Liên tục trong những ngày qua, tình trạng trẻ bị đuối nước đến bệnh viện cấp cứu tăng đột biến, đặc biệt nhiều trường hợp quá nặng khiến bác sĩ “bó tay”. Đây đang vào thời điểm nghỉ hè, nguy cơ trẻ bị đuối nước sẽ còn tăng cao, nếu các bậc phụ huynh không có những biện pháp bảo vệ an toàn cho trẻ.

Báo động tình trạng trẻ tử vong do đuối nước

Hồ Quang | 06/06/2016, 17:56

Liên tục trong những ngày qua, tình trạng trẻ bị đuối nước đến bệnh viện cấp cứu tăng đột biến, đặc biệt nhiều trường hợp quá nặng khiến bác sĩ “bó tay”. Đây đang vào thời điểm nghỉ hè, nguy cơ trẻ bị đuối nước sẽ còn tăng cao, nếu các bậc phụ huynh không có những biện pháp bảo vệ an toàn cho trẻ.

Tại bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM số trẻ bị đuối nước nhập viện trong những ngày qua tăng lên khá nhanh, trong đó có không ít trẻ phải chấm dứt sự sống.

Ngày 6.6, bác sĩ Đinh Tấn Phương – Phó khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, mới đây nhất, bệnh viện này tiếp nhận 2 trường hợp trẻ bị đuối nước nhưng do tình trạng quá nặng nên cả 2 đều tử vong, trong đó, có 1 bé ở TP.HCM và 1 bé ở Đồng Nai.

Trường hợp bé ở TP.HCM là bé trai P.T.T (22 tháng tuổi, ngụ ở quận 8). Do sơ ý của gia đình, không theo dõi để bé tự ý đi đến một ao nuôi tôm gần nhà và rơi xuống. Khi gia đình phát hiện thì bé đã nằm dưới ao nuôi tôm từ bao giờ, vớt lên, người bé tím tái, ngưng tim, ngưng thở. Bé được gia đình sốc nước và chuyển đến Bệnh viện quân 8. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành đặt nội khí quản cho bé và hồi sức tim, phổi rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM.

Các bác sĩ tiếp tục hồi sức tim, phổi và hỗ trợ oxy cho bệnh nhân. Sau đó, khoảng 30 phút, bé có dấu hiệu tim đập trở lại. Tuy nhiên do tình trạng thiếu oxy não của bé quá lâu nên bé vẫn mê sâu và trụy mạch. Các bác sĩ tiến hành hồi sức chống sốc và truyền tất cả các loại thuốc vận mạch nhưng chỉvài gờ sau đó, bé đã tử vong.

Trong khi đó, trường hợp còn lại đáng thương tâm hơn xảy ra đối với một bé gái chỉ mới 13 tháng tuổi. Bé gái này mới bập bẹ biết đi đã cắm đầu vào xô nước sâu khoảng 20cm để trong nhà. Khi gia đình phát hiện vớt lên thì bé cũng trong tình trạng tím tái và ngưng tim, ngưng thở. Sau khi được cấp cứu tại bệnh viện địa phương, bé gái được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giảm, đặc biệt bé bị gồng rất nhiều.

Dù các bác sĩ tích cực hồi sức ngưng tim,ngưng thở nhưng tình trạng của bé ngày càng xấu,bé bị sốc, phù não, trụy mạch và sau 2 ngày thi bé cũng đã tử vong.

Theo bác sĩ Phương, từ dầu năm đến nay bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 15 trường hợp trẻ bị đuối nước; đặc biệt trong những ngày gần đây trẻ đuối nước chuyển đến bệnh việnliên tục.

“Những trường hợp chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 đều là những trường hợp khá nặng. Như vậy sẽ còn rất nhiều trường hợp bị đuối nước khác nhẹ hơn được gia đình sơ cứu và các bệnh viện tuyến dưới điều trị qua khỏi. Do đó, có thể thấy tình trạng đuối nước đang có chiều hướng gia tăng. Điều này là do các bậc phụ huynhquản lý trẻ không chặt chẽ.”, bác sĩ Phương tỏ ra lo lắng.

Bác sĩ Phương cho rằng, đây mới chỉ là thời điểm đầu của kỳ nghỉhè nhưng tình trạng trẻ bị đuối nước tăng như thế, trong những tháng nghỉ hè tới tình trạng này sẽ còn đáng báo động hơn nữa.

“Khi bước vào hè, trẻ được đi chơi, đi du lịch đây đó… nếu không được quản lý và kiểm soát chặt chẽ thì trẻ bị đuối nước sẽ còn gia tăng hơn nữa”, bác sĩ Phương nói.

Trước thực tế trên, bác sĩ Phương khuyến cáo, các bậc phụ huynh ở trong nhà không để các vật dụng chứa nước có kích thước đủ lớn (xô, thau...), vì chỉ cần nước sâu hoảng hơn 10cm, bé ụp mặt vào cũng có thể gây đuối nước, nhất là trẻ mới chập chững biết đi, rất thích nước.

Nếu trẻ bị đuối nước phải kịp thời phát hiện sớm, không để quá 5 phút. Thời gian trẻ bị ngập đầu trong nước quá 5 phút sẽ bị rất nặng, gây thiếu ô xy não để lại di chứng khá lớn, nếu có cứu sống. “Việc phát hiện trẻ bị đuối nước sớm hay muộn sẽ quyết định đến sự sống còn và di chứng của bệnh nhân sau này”, bác sĩ Phương nhấn mạnh.

Cũng theo bác sĩ Phương khi vớt trẻ bị đuối nước lên, các bậc phụ huynh phải xem trẻ có cử động không, nếu không cử động thì bé đã bị ngưng tim, ngưng thở phải tiến hành hồi sức tim, phổi cho trẻ bằng cách ấn tim trước ngực. Sau khi ấn tim khoảng 15 cái xem trẻ có thở lại hay chưa, nếu bệnh nhân chưa thở(ngực không di động), người nhà phải tiến hành hà hơi thổi ngạt ngay tại hiện trường.

Cứ 30 lần ấn tim là 2 lần hà hơi thổi ngạt. Khi ấn tim, lực ấn phải chiếm từ 1/3 đến 1/2 bề dày của lồng ngực thì tim mới có tác dụnghoạt động, tống máu lên nuôi cơ thể. Việc làm này được thực hiện liên tục khoảng 5 đến 10 phút, nếu thấy bệnh nhân vẫn chưa thở phải liên hệ với cấp cứu ngoại viện hoặc chuyển đến bệnh việnnơi gần nhất.

“Trong quá trình chuyển đến bệnh viện hoặc chờ cấp cứu đến phải liên tục ấn tim và hà hơi thổi ngạt, nếu không trẻ sẽ bị thiếu ôxy không có máu tưới lên não. Đối với trẻ bị đuối nước, tuyệt đối không được xử lý bằng cách sốc nước hay lăn lu. Vì những điều trên sẽ làm kéo dài thời gian ngưng tim, ngưng thở và có thể xảy ra nhiều hiểm họa khôn lường khác”, bác sĩ Phương khuyến cáo.

Hồ Quang

Ảnh minh họa.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
11 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo động tình trạng trẻ tử vong do đuối nước