Chiều ngày 26.2.2022, tàu du lịch mang biển số QNa 1152, chở 39 khách, trên đường từ Cù Lào Chàm (Quảng Nam) về lại đất liền, bị chìm ở biển Cửa Đại, cách bờ chừng 3 km, làm 17 người chết.

Bao giờ hết điệp khúc ‘tổng kiểm tra, rà soát…’ sau tại nạn chết người?

Nguyễn Văn Mỹ | 02/03/2022, 12:00

Chiều ngày 26.2.2022, tàu du lịch mang biển số QNa 1152, chở 39 khách, trên đường từ Cù Lào Chàm (Quảng Nam) về lại đất liền, bị chìm ở biển Cửa Đại, cách bờ chừng 3 km, làm 17 người chết.

Tai nạn thương tâm như vệt xám trên bầu trời vui vì du lịch Xuân 2022 vừa khởi sắc sau hơn 2 năm đóng băng.

Biết rằng, làm dịch vụ không thể an toàn tuyệt đối nhưng có thể hạn chế tối đa, nếu quản lý chặt chẽ và nghiêm nhặt. Nếu người dân và du khách tuân thủ các quy định về an toàn. Du khách sẽ từ chối xuống tàu nếu chưa đảm bảo an toàn, thiếu các phương tiện cứu sinh và không được hướng dẫn thoát hiểm. Các cấp quản lý phải chịu trách nhiệm liên đới khi xảy ra tai nạn.

Thông tin từ báo chí, bước đầu, chủ tịch TP Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết “Ngày 26.2 có sóng to, gió lớn nhưng chưa tới mức cấm tàu xuất bến. Tàu chạy đúng tốc độ, chở đúng số lượng qui định” và dĩ nhiên, được đăng kiểm hoạt động hợp pháp. Nguyên nhân ban đầu là “Tàu đụng cồn cát mới nổi, mắc cạn, bị sóng đánh lật úp. Hành khách bị kẹt không ra được…”.

Thông tin có một số điều vô lý.

Thứ nhất, chỉ ghe thuyền không mui, mới có thể lật úp (lật ngược). Các tàu thuyền có mui đều bị lật nghiêng và chìm dần. Hình ảnh hiện trường cũng cho thấy tàu bị lật nghiêng, chứ không lật úp.

Thứ hai là “Cồn cát mới nổi”. Mới tức thì hay mấy ngày, mấy tuần, mấy tháng? Các tài công có biết để tránh không? Nhà nước có biết để cảnh báo? Nếu đụng cồn cát, mực nước chỉ còn khoảng 1m2, tàu mới mắc cạn.

cnao2.jpg
Tàu đang tìm kiếm người mất tích trong vụ lật ca nô ở Hội An 

Thứ ba, nhiều người nghi ngờ “Tất cả hành khách đều mặc áo phao”. Quan trọng nữa, là mặc như thế nào. Nếu áo phao vừa size, được cài nút đúng cách, thì xuống nước không sợ chìm. Ngược lại, mặc không đúng cách, không cài nút… áo phao không chừng thành vật cản sinh. Thông tin không cho biết, khi tàu lật nghiêng, thuyền viên trên tàu và tài công xử lý thế nào?

Cần xác minh việc trên tàu có búa cứu sinh ở các ô cửa không? Việc này đang rất bị xem thường. Không chỉ ở tàu thuyền mà các xe chở khách, nhất là xe giường nằm hầu như không có búa phá cửa kính để khách thoát thân khi gặp nạn. Gần như không có việc hướng dẫn và kiểm tra an toàn cho du khách trước khi tàu, xe xuất bến.

Khi gặp nạn, cả tài xế, phụ xế lẫn tài công, thuyền viên phải là nhân viên cứu hộ. Tổ lái và thủy thủ đoàn là những người rời phương tiện sau cùng, chứ không phải thoát thân đầu tiên khi gặp nạn. Nếu được huấn luyện và có bản lĩnh, thuyền viên sẽ bình tĩnh hướng dẫn, giúp mọi người phá cửa thoát thân, trước khi tàu chìm hẳn. Làm được vậy, thương vong sẽ hạn chế tối đa…

Ngay sau sự cố chìm tàu nghiêm trọng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ Công an; Cục Cảnh sát giao thông chỉ đạo các địa phương “Yêu cầu rà soát, kiểm tra thực trạng hoạt động vận tải hành khách liên quan đến phương tiện thủy nội địa gồm các tuyến cố định, ngang sông, dọc sông, du lịch, lễ hội…” (TTXVN 27.2.2022).

Việc này đã trở thành điệp khúc thường xuyên: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, từ nhiều năm nay. Tại sao cứ chờ có tai nạn thương tâm, có người chết mới chỉ đạo “Tổng kiểm tra, rà soát…”. Vậy những những ngày bình thường thì làm gì? Việc kiểm tra, rà soát phải được thực hiện thường xuyên và cả đột xuất, không cần phải nhắc nhở.

Hình ảnh báo chí cho biết, tàu bị sóng đánh vỡ toác phần thân dưới, nơi có các thiết bị điều khiển tàu, cứ tưởng tàu va vào đá hoặc đụng tàu khác. Thân tàu có dấu hiệu mục, hệ thống đèn báo hư hỏng. Tàu được hoán cải, chứ không phải đóng mới. các tiêu chí về ghế ngồi, không gian, lối thoát hiểm, độ an toàn… đều chưa đảm bảo.

Nếu trước khi các dịch vụ tái hoạt động sau dịch, có chỉ đạo “Tổng kiểm tra, rà soát…” chặt chẽ, có lẽ đã tránh được tai nạn thương tâm. Sau hơn hai năm du lịch "đứng hình", các cơ sở lưu trú, dịch vụ đều xuống cấp; nặng nhất là tàu xe. Việc kiểm tra, rà soát đáng lẽ phải làm thật nghiêm túc đã bị xem thương, từ chủ phương tiện, cấp quản lý đến du khách. Nhiệm vụ của quản lý là đảm bảo an toàn tính mạng cho du khách, người tham gia giao thông lẫn phương tiện, tài sản; chưa thật sự được xem trọng.

Cách đây gần 20 năm, trong lần Famtrip Brunei, đoàn khảo sát rừng ngập mặn bằng ca nô. Trước lúc xuất bến, cảnh sát giao thông đường thủy xuống kiểm tra mỗi người, từ cách mặc đến từng nút gài, xong mới ký vào lệnh để ca nô xuất bến. Ở Việt Nam, việc mặc áo phao khi đi ghe thuyền vẫn được chăng hay chớ, chưa có biện pháp chế tài nghiêm khắc.

Đại dịch COVID-19 làm đảo lộn trật tự thế giới và thay đổi mọi thứ. Bớt dịch rồi, các hoạt động đang từng bước trở lại bình thường và tăng tốc trong điều kiện bình thường mới. Các cấp quản lý lẫn người người dân đều phải thay đổi để thích nghi. Không thể suốt đời rút kinh nghiệm, kéo dài bất tận điệp khúc “Tổng kiểm tra, rà soát…” sau mỗi tai nạn chết người.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
13 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bao giờ hết điệp khúc ‘tổng kiểm tra, rà soát…’ sau tại nạn chết người?