Khi mà Việt Nam đang đứng trước làn sóng đổ bộ lớn chưa từng có của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và khối tư nhân đang ngày càng bị lấn lướt mạnh hơn, thì người ta đang buộc phải đặt ra câu hỏi: Bao giờ thì kinh tế tư nhân mới trở thành động lực?

Bao giờ thì kinh tế tư nhân trở thành động lực?

Một Thế Giới | 29/02/2016, 10:26

Khi mà Việt Nam đang đứng trước làn sóng đổ bộ lớn chưa từng có của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và khối tư nhân đang ngày càng bị lấn lướt mạnh hơn, thì người ta đang buộc phải đặt ra câu hỏi: Bao giờ thì kinh tế tư nhân mới trở thành động lực?

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý và quan trọng nhất trong Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 cách đây ít lâu là việc kinh tế tư nhân được xác định là động lực quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Đây có thể được xem như một điều đã được kỳ vọng từ lâu, khi mà sự xác định rõ ràng trong Nghị quyết đại hội Đảng sẽ đồng nghĩa với việc mở ra cánh cửa phát triển lớn nhất từng có với khối doanh nghiệp tư nhân (DNTN).
Tuy nhiên, giữa một sự công nhận chính thức về mặt văn bản với một sự triển khai trên thực tế luôn có một khoảng cách nhất định, và khi mà Việt Nam đang đứng trước làn sóng đổ bộ lớn chưa từng có của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và khối tư nhân đang ngày càng bị lấn lướt mạnh hơn, thì người ta đang buộc phải đặt ra câu hỏi: Bao giờ thì kinh tế tư nhân mới trở thành động lực?
Có thể coi việc Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong sự phát triển của đất nước, là giải pháp cần thiết để đối phó với thực trạng nền kinh tế Việt Nam dù đang có tốc độ phát triển mạnh nhưng ngày càng phụ thuộc vào khối FDI. Tính đến cuối năm 2015, khối FDI đã chiếm tới hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và là khu vực có mức xuất siêu lớn nhất trong nền kinh tế, lên tới gần 14 tỉ USD. Một nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI là một nền kinh tế không an toàn, và khi mà khối doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam đang có xu hướng cải tổ và thu nhỏ quy mô hoạt động thì rõ ràng việc lựa chọn khối DNTN làm động lực của nền kinh tế để cân bằng ảnh hưởng của khối FDI là một quyết định hợp lý.
Tuy nhiên, từ việc xác định vai trò và tầm quan trọng của khối DNTN trên giấy tờ với việc triển khai nó trên thực tế luôn có một khoảng cách rất xa. Khi mà các quyết định và chỉ thị để hiện thực hóa Nghị quyết của đại hội Đảng lần thứ 12 dường như vẫn chưa được đưa ra, thì làn sóng đổ bộ vào thị trường Việt Nam của khối FDI đang ngày càng gia tăng, và đe dọa lấn lướt các doanh nghiệp nội địa ngày càng lớn.
Cụ thể, theo thống kê của Bộ Công thương, lượng vốn FDI đổ vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2016 đã có mức tăng chóng mặt. Tính đến thời điểm 20.2.2016 thì lượng vốn FDI đổ vào trong các dự án cấp phép mới lên tới 1,9 tỉ USD trong 291 dự án, tăng 96,6% về số dự án và tăng 167,5% về số vốn so với cùng kỳ năm 2015. Ngoài ra, có 137 dự án FDI đã được cấp phép từ các năm trước được cấp bổ sung vốn với tổng giá trị lên tới 898,3 triệu USD. Tổng cộng lượng vốn được đổ vào các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung FDI trong 2 tháng đầu năm đã lên tới 2,8 tỉ USD, tăng 135% so với cùng kỳ năm 2015.
Kết quả này đã được dự báo từ trước đây khá lâu, khi mà các hiệp định thương mại lớn mà Việt Nam đã ký kết như TPP hay các FTA với EU và Hàn Quốc, được xem là sẽ tạo ra làn sóng đầu tư nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam lớn chưa từng có trong năm 2016 để đón đầu cơ hội. Tuy nhiên, trong khi số vốn và số dự án FDI vào Việt Nam tăng lên với tốc độ chóng mặt, thì dường như khối doanh nghiệp nội lại đang lạc nhịp với xu hướng tăng cường đầu tư đó, khi mà số doanh nghiệp giải thể và tạm dừng hoạt động lại đang có xu hướng gia tăng.
Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2016, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động lên tới 16.471 doanh nghiệp, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2015. Ngoài ra, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh trong 2 tháng đầu năm cũng lên tới 2.195 doanh nghiệp, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, số doanh nghiệp mới được thành lập trong 2 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 13.904 doanh nghiệp, chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm 2015. Điều lạc quan duy nhất là tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp mới lên đến 113.000 tỉ đồng, tăng 45,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.
Điều này có nghĩa là, môi trường kinh doanh và sự hỗ trợ các doanh nghiệp từ phía Nhà nước trong 2 tháng đầu năm 2016 vẫn chưa có những tiến bộ rõ rệt. Số doanh nghiệp phải giải thể và tạm ngừng hoạt động vẫn rất cao và tiếp tục có xu hướng gia tăng chứ không giảm. Ngoài việc thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước, thì một nguyên nhân khác dẫn đến sự gia tăng tình trạng các doanh nghiệp nội gặp khó khăn là sức ép cạnh tranh từ các đối thủ nước ngoài ngày càng lớn. Vì trong luồng vốn FDI đổ vào thị trường Việt Nam, thì một bộ phận hướng tới việc cạnh tranh giành thị phần ngay trong thị trường nội địa chứ không hướng đến xuất khẩu như các doanh nghiệp FDI khác. Điển hình là các tập đoàn đến từ Hàn Quốc và đặc biệt là Thái Lan, khi hầu hết mọi nỗ lực của người Thái ở thị trường Việt Nam không phải là hướng đến sản xuất hàng xuất khẩu, mà là hướng tới chiếm lĩnh thị phần trong nước.
Xu hướng ngày càng bành trướng về quy mô của khối FDI trong khi của khối doanh nghiệp nội ngày càng thu hẹp lại, đang được biểu thị rõ nét trong bảng thống kê xuất khẩu Việt Nam trong 2 tháng đầu năm. Theo thống kê, trong 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lên tới 23,7 tỉ USD trong đó khối FDI chiếm 16,6 tỉ USD, chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch.
Trong bối cảnh mà dòng vốn FDI đổ vào ngày càng nhiều hơn và số dự án mới cũng tăng lên chóng mặt, trong khi số doanh nghiệp nội ngày càng giảm do ngừng hoạt động và giải thể, thì không khó để dự đoán được xu hướng trong tương lai là khối FDI sẽ ngày càng chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn hơn nữa. Theo dự báo, tỷ trọng xuất khẩu của khối FDI đến hết năm 2016 có thể lên tới gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, và sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm sau đó. Có vẻ như, thời điểm mà khối FDI cán mốc chiếm tới 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cũng không còn ở quá xa nữa.
Điểm lạc quan duy nhất trong bảng thống kê ảm đạm này, là việc số vốn đầu tư trong các dự án đăng ký mới của các doanh nghiệp nội địa mới thành lập đã tăng lên đáng kể. Đúng là số doanh nghiệp mới thành lập chỉ hơn 1% so với cùng kỳ, trong khi số ngưng hoạt động và giải thể lên tới hơn 17%, nhưng tổng số vốn mới đăng ký thì lại tăng tới 45,8%. Điều này có nghĩa là, số doanh nghiệp nội địa đang có xu hướng giảm đi, nhưng quy mô kinh doanh và số vốn đầu tư thì lại đang có xu hướng tăng lên đáng kể.
Đây có thể là dấu hiệu đầu tiên cho lời giải về tình trạng quy mô kinh doanh nhỏ lẻ cố hữu của các doanh nghiệp Việt Nam trước đây. Theo thống kê, có tới 93,4% các doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động trong 2 tháng đầu năm 2016 là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và có vốn đăng ký dưới 10 tỉ đồng. Việc các doanh nghiệp nhỏ yếu ngưng hoạt động và giải thể, để nhường chỗ cho các doanh nghiệp mới có số lượng ít hơn nhưng có quy mô lớn hơn, có thể được xem là một dấu hiệu đáng mừng trong giai đoạn hội nhập của nền kinh tế đất nước vốn cần những doanh nghiệp đủ sức chèo chống trước khó khăn.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, CafeF, Cafebiz)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi làm 6 người chết ở Đồng Nai
9 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi làm 6 người chết, 5 người bị thương tại Đồng Nai.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bao giờ thì kinh tế tư nhân trở thành động lực?