Trong đại dịch COVID-19, chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã mang lại giá trị to lớn cho người lao động trong thời gian gặp khó khăn, mất việc làm.

Bảo hiểm thất nghiệp cứu người lao động trong dịch COVID-19 thế nào?

Tuyết Nhung | 16/11/2020, 18:30

Trong đại dịch COVID-19, chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã mang lại giá trị to lớn cho người lao động trong thời gian gặp khó khăn, mất việc làm.

Gần 13.000 tỉ đồng được chi trả

Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã và đang ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, thu hẹp các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong các ngành dệt may và da giày, ngành nông sản, dịch vụ du lịch và bán lẻ… dẫn đến nhiều người lao động bị mất việc làm.

bhtn_20201112054347pm(1).jpg
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ người lao động chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 - Ảnh: T.N

Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết trong quý 1/2020 có 132.320 người trợ cấp thất nghiệp, tăng 10% so với quý 1/2019. Tổng chi 3 tháng đầu năm từ Quỹ BHTN là 2.744 tỉ đồng, trong đó chi riêng cho trợ cấp thất nghiệp là 2.590 tỉ đồng, với mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân là 3,7 triệu đồng/người/tháng... Chỉ riêng tháng 3 (tháng cao điểm do ảnh hưởng của đại dịch), cả nước đã có 59.276 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 31% so cùng kỳ năm 2019.

Báo cáo của BHXH Việt Nam cũng cho thấy, trong quý 1/2020, số người tham gia BHTN đã giảm 149.000 người so thời điểm cuối năm 2019. Tính đến cuối tháng 4, cả nước đã có hơn 380.000 người thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm. Trong đó, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lên tới gần 200.000 người; số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 181.382 và hơn 6.500 người thất nghiệp có quyết định hỗ trợ học nghề.

Những con số này tiếp tục gia tăng trong những tháng tiếp theo. Số liệu của Cục Việc làm cho thấy tính đến hết tháng 6 vừa qua, cả nước có tổng số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 565.000 người (tăng 32% so với cùng kỳ năm 2019). Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp gần 7.000 tỉ đồng, tăng gần 40% so với năm 2019.

Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết ngày 31.10 vừa qua, toàn quốc đã giải quyết chế độ BHTN cho 881.895 người với số tiền chi trả 12.988 tỉ đồng, tăng 26,9% so với cùng kỳ 2019. Những con số này vẫn đang tiếp tục gia tăng hàng ngày do tác động tiêu cực, sâu rộng của đại dịch COVID-19 đến thị trường lao động.

Trong bối cảnh đó, BHTN đã thật sự trở thành “chỗ dựa” của cả triệu người lao động, giúp họ có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì cuộc sống; giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính, vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc cho người lao động và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, vì không phải cấp một khoản kinh phí cũng như thời gian để xây dựng chính sách, trình tự, thủ tục để tổ chức thực hiện hỗ trợ cho đối tượng này.

4 chế độ hỗ trợ người lao động

Từ ngày 1.1.2015, chính sách BHTN được thực hiện theo quy định của Luật Việc làm với những sửa đổi về mặt chính sách. Nhờ đó mà từ gần 6 triệu người tham gia BHTN vào năm 2009 thì đến ngày 31.12.2019 đã có trên 13 triệu người tham gia, tổng số người được chi trả trợ cấp thất nghiệp hàng tháng gần 5,7 triệu người với số tiền chi trả trên 52.000 tỉ đồng.

Tổng số người hưởng hỗ trợ học nghề trên 200.000 người với số tiền hỗ trợ 408 tỉ đồng. Ngoài ra, Quỹ BHTN còn chi trả tiền đóng BHYT cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền xấp xỉ 2.400 tỉ đồng.

Số đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp trong những năm đầu thực hiện chính sách còn tương đối thấp, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp ngắn, được phản ánh số chi các chế độ BHTN so với số thu Quỹ BHTN trong những năm đầu chỉ dao động khoảng dưới 30%.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây tỷ lệ này bắt đầu gia tăng, năm 2015 là trên 52% và đến năm 2019 tỷ lệ này là 70%. Đặc biệt, trong 10 tháng đầu năm 2020 tỷ lệ này là khoảng 90%.

Chính sách BHTN được triển khai, thực hiện đồng bộ từ cơ quan liên quan, trong đó vai trò chính là ngành BHXH và ngành LĐ-TB&XH. Đối với những người đã mất việc làm, chính sách BHTN hỗ trợ đối với những đối tượng này theo điều 42 của Luật Việc làm, trong đó có 4 chế độ hỗ trợ người lao động gồm: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Trong đó, người lao động mất việc được giới thiệu việc làm miễn phí, từ đó chọn được những việc làm tốt, không phải mất phí giới thiệu.

Bài liên quan
Bảo hiểm thất nghiệp - 'lưới đỡ' cho người lao động trong dịch COVID-19
Bảo hiểm thất nghiệp là loại bảo hiểm ngắn hạn, có vai trò như "lưới đỡ", giúp cho người lao động khi không có việc làm...

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo hiểm thất nghiệp cứu người lao động trong dịch COVID-19 thế nào?