Thời báo Hoàn Cầu, ấn phẩm phụ của Nhật báo Nhân dân - Cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, tuyên bố như vậy trong bài xã luận hôm nay.

Báo Trung Quốc: ‘Nếu Đài Loan và Mỹ tiếp tục khiêu khích, cuộc chiến sẽ nổ ra’

19/09/2020, 14:35

Thời báo Hoàn Cầu, ấn phẩm phụ của Nhật báo Nhân dân - Cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, tuyên bố như vậy trong bài xã luận hôm nay.

Nhà lãnh đạo Đài Loan - Thái Anh Văn (giữa), Thứ trưởng Kinh tế Mỹ - Keith Krach (trái) và nhà sáng lập Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) Morris Chang dự tiệc chiêu đãi phái đoàn Mỹ tại Đài Bắc ngày 18.9 - ảnh: Reuters

Theo Reuters, hôm 19.9 là ngày thứ hai liên tiếp, lực lượng không quân của Đài Loan phải huy động máy bay phản lực ứng phó với việc nhiều máy bay Trung Quốc tiếp cận hòn đảo và vượt qua đường trung tuyến nhạy cảm của eo biển Đài Loan.

Cơ quan quốc phòng Đài Loan cho biết hôm nay có 19 máy bay Trung Quốc tham gia, nhiều hơn một chiếc so với ngày trước. Trong đó, một số máy bay băng qua đường trung tuyến eo biển Đài Loan và những chiếc khác bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan ngoài khơi bờ biển phía tây nam hàn đảo này.

Theo cơ quan quốc phòng Đài Loan, Trung Quốc đã huy động 16 máy bay chiến đấu (12 chiếc J-16, 2 chiếc J-10, 2 chiếc J-11), 2 máy bay ném bom H-6 và 1 máy bay chống tàu ngầm Y-8. Theo bản đồ mà cơ quan quốc phòng Đài Loan cung cấp, không có máy bay nào đến gần Đài Loan hoặc bay qua hòn đảo này.

Lực lượng không quân Đài Loan huy động các máy bay chiến đấu và triển khai hệ thống tên lửa phòng không để giám sát các hoạt động đó”, cơ quan quốc phòng Đài Loan thông báo trong một tweet.

Chiến đấu cơ F-16 của Đài Loan bay bên trên hệ thống phóng rocket đa nòng Thunderbolt-2000 tại căn cứ không quân ở Cao Hùng

Đài Loan đã phàn nàn về việc máy bay Trung Quốc liên tục tiếp cận hòn đảo trong năm nay và thường xuyên phải điều chiếc F-16 cùng các máy bay phản lực khác để đánh chặn chúng.

Hôm 18.9, tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Trung Quốc tuyên bố về các nỗ lực gìn giữ hòa bình của nước này, các cuộc tập trận gần eo biển Đài Loan và cáo buộc hòn đảo này cấu kết với Mỹ.

Trước đó 1 ngày, Thứ trưởng Kinh tế Mỹ - Keith Krach đã đến Đài Bắc trong chuyến thăm ba ngày. Quan chức cấp cao nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ đến Đài Loan trong 4 thập kỷ qua khiến Trung Quốc tức giận.

Trong một tuyên bố riêng, cơ quan quốc phòng Đài Loan nói Trung Quốc đang thực hiện các hoạt động khiêu khích, gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định: Chúng tôi nghiêm khắc lên án điều này và kêu gọi chính quyền đại lục kiểm soát bản thân, rút lui khỏi khu vực này”.

Thời báo Hoàn Cầu, ấn phẩm phụ của Nhật báo Nhân dân - Cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, tuyên bố trong một bài xã luận ngày 19.9 rằng cuộc tập trận hôm qua là cuộc diễn tập để tiếp quản Đài Loan.

Mỹ và Đài Loan không được đánh giá sai tình hình hoặc tin rằng cuộc tập trận là một trò lừa bịp. Nếu họ tiếp tục thực hiện các hành động khiêu khích, một cuộc chiến chắc chắn sẽ nổ ra. Những ai đánh giá thấp quyết tâm của Trung Quốc gần đây đều đã phải trả giá”, Thời báo Hoàn Cầu viết.

Cuộc sống vẫn diễn ra bình thường ở Đài Loan và không có dấu hiệu hoảng sợ. Người dân hòn đảo này từ lâu đã quen với việc sống trước những mối đe dọa từ Trung Quốc.

Các chuyến bay mới nhất của Trung Quốc đến vào ngày Đài Loan tổ chức lễ tưởng niệm cựu lãnh đạo Lý Đăng Huy qua đời hôm 30.7 vừa qua ở tuổi 97.

Hôm 16.9, người đứng đầu cơ quan đối ngoại Đài Loan - Ngô Chiêu Tiếp kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ trước mối đe dọa từ Trung Quốc.

Ông Ngô Chiêu Tiếp nói với đài truyền hình France 24 rằng Đài Loan lo ngại trước sức mạnh quân sự Trung Quốc và cần sự giúp đỡ từ các nước khác.

Đài Loan cho biết Trung Quốc "đã tăng cường đe dọa quân sự chống lại Đài Loan trong những năm gần đây và tăng cường các cuộc tập trận quân sự trong khu vực”.

Theo ông Ngô Chiêu Tiếp, hơn 30 máy bay quân sự của Trung Quốc gần đây đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan và mô tả điều này là "rất đe dọa".

Bắc Kinh đã gia tăng sức ép ngoại giao, kinh tế và quân sự lên Đài Loan kể từ cuộc bầu cử năm 2016 mà nhà lãnh đạo Thái Anh Văn thắng cử, người từ chối thừa nhận hòn đảo này là một phần của Trung Quốc.

Ông Ngô Chiêu Tiếp cho biết một cuộc chiến với Trung Quốc "có thể xảy ra nếu bạn nhìn vào cách Trung Quốc uy hiếp Đài Loan".

Bên cạnh đó, người đứng đầu cơ quan đối ngoại của Đài Bắc chỉ ra các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, trên biên giới với Ấn Độ và ở Hồng Kông là những ví dụ về mối đe dọa với sự ổn định khu vực và chủ quyền của các quốc gia.

Lãnh đạo cơ quan đối ngoại Đài Loan, Ngô Chiêu Tiếp kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ trước mối đe dọa từ Trung Quốc​ - ảnh: Reuters

Ông Ngô Chiêu Tiếp cũng đánh giá cao việc Mỹ “tiếp tục thể hiện sự hiện diện của mình ở khu vực này", tiến hành các hoạt động tự do hàng hải trên eo biển Đài Loan hoặc thậm chí các khu vực gần với Đài Loan.

"Tôi nghĩ rằng đây là một sự thể hiện cho phía Trung Quốc rằng mối đe dọa quân sự của họ với các nước yêu chuộng hòa bình khác sẽ không được dung thứ", ông Ngô Chiêu Tiếp nhấn mạnh.

Ông Ngô Chiêu Tiếp nói thêm rằng Đài Loan lo sợ rằng sau khi áp luật an ninh quốc gia với Hồng Kông thì Trung Quốc sẽ tập trung đối phó Đài Loan.

"Sau Hồng Kồng, chúng tôi rất lo ngại rằng Đài Loan có thể là bước tiếp theo và do đó chúng tôi đang tích cực chuẩn bị phòng vệ", ông Ngô Chiêu Tiếp thừa nhận.

Hôm 16.9, Reuters đưa tin Mỹ có kế hoạch bán đến 7 hệ thống vũ khí quan trọng cho Đài Loan, trong đó có mìn sát thương, tên lửa hành trình và máy bay không người lái, khi chính quyền Trump gia tăng áp lực lên Trung Quốc.

Mong muốn mua vũ khí của Đài Loan tăng lên sau khi nhà lãnh đạo Thái Anh Văn tái đắc cử vào đầu năm nay, khiến việc tăng cường khả năng phòng thủ của hòn đảo này trở thành ưu tiên hàng đầu.

Nhân Hoàng

Bài liên quan
Sự khác biệt lớn giữa Thung lũng Silicon ở Mỹ và 'đảo Silicon' Đài Loan
Nữ phóng viên Jane Lanhee Lee của hãng tin Bloomberg đã đặt chân đến Đài Loan, nơi sản xuất ra thế hệ chip tiếp theo, và nhận thấy có sự khác biệt lớn so với Thung lũng Silicon ở Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo Trung Quốc: ‘Nếu Đài Loan và Mỹ tiếp tục khiêu khích, cuộc chiến sẽ nổ ra’