Trang The Financial Times cho biết các tin tặc có liên hệ với giới tình báo Trung Quốc vẫn đăng thông tin tuyển người tiến hành nhiệm vụ gián điệp, bất chấp Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) thời gian qua nỗ lực ngăn chặn hoạt động của tin tặc.

Bất chấp Mỹ, tin tặc Trung Quốc tiếp tục tuyển người làm gián điệp

Cẩm Bình | 04/07/2022, 17:23

Trang The Financial Times cho biết các tin tặc có liên hệ với giới tình báo Trung Quốc vẫn đăng thông tin tuyển người tiến hành nhiệm vụ gián điệp, bất chấp Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) thời gian qua nỗ lực ngăn chặn hoạt động của tin tặc.

Vào tháng 3, công ty công nghệ Đằng Viễn (tỉnh Hải Nam, Trung Quốc) tích cực tuyển dụng phiên dịch tiếng Anh, 9 tháng sau khi giới chức thực thi pháp luật Mỹ cáo buộc một loạt doanh nghiệp Trung Quốc là “bình phong” cho hoạt động gián điệp nhắm vào phương Tây.

Đằng Viễn nằm trong một mạng lưới rộng lớn liên kết với công ty công nghệ Tiên Thuẫn (Hải Nam) bị FBI chỉ mặt đóng vai trò vỏ bọc của nhóm tin tặc APT40.

APT40 nổi tiếng chuyên đánh cắp nghiên cứu khoa học về vi rút Ebola, HIV, MERS cũng như tài liệu ngành công nghiệp hàng hải và tài liệu của nhà thầu hải quân. Phương Tây còn xác định nhóm này từng thực hiện một vụ tấn công nhắm vào một số nghị sĩ đối lập, tổ chức chính trị, tổ chức phi chính phủ tại Campuchia trước lúc quốc gia Đông Nam Á này tổ chức bầu cử năm 2018.

tichina.jpg
Nhiều công ty là "bình phong" của tin tặc Trung Quốc - Ảnh: The Financial Times

Đồng sáng lập công ty an ninh mạng CrowdStrike Dmitri Alperovitch nhận xét việc công ty “bình phong” tiếp tục tuyển người bất chấp FBI phanh phui hoạt động là minh chứng cho thấy biện pháp đưa ra cáo buộc với phía Trung Quốc đang trở nên kém hiệu quả.

Theo ông Alperovitch, dù đợt cáo buộc đầu tiên với các đơn vị hoạt động mạng thuộc quân đội Trung Quốc năm 2014 gây chấn động cho phía đối thủ châu Á, tính răn đe của cách làm này không cao vì chẳng gây ra hậu quả lớn cho đội ngũ quan chức Trung Quốc cấp cao.

Cơ quan tình báo Mỹ và Anh thường tuyển người ở trường đại học hoặc đăng thông tin tuyển công khai. Cách thức dùng công ty làm bình phong như Trung Quốc có thể khiến một số người vô tình bị lôi kéo vào cuộc sống gián điệp.

Điều tra do The Financial Times thực hiện vừa công bố tuần trước cho thấy công ty Tiên Thuẫn muốn tuyển dụng sinh viên ngành ngoại ngữ từ nhiều trường đại học công lập trên khắp Trung Quốc phục vụ hoạt động xác định mục tiêu tình báo và dịch tài liệu nhạy cảm. Hầu hết ứng viên là nữ sinh tại Hải Nam, tìm kiếm việc làm sau tốt nghiệp.

Tin tuyển dụng của Tiên Thuẫn không tiết lộ bản chất công việc, cố tìm kiếm nhân sự phiên dịch giá rẻ. Tin tuyển dụng của công ty Đằng Viễn đăng vào tháng 3 muốn tìm nhân sự có kinh nghiệm làm phiên dịch ít nhất 5 năm, trả lương khoảng 2.000 USD/tháng cũng giữ kín hoạt động gián điệp.

Một quan chức an ninh cho biết các nhóm tin tặc Trung Quốc không chỉ tuyển nhân sự dịch thuật mà còn tìm cả sinh viên ngành khoa học máy tính: “Họ thông qua công ty bình phong đăng tin tuyển dụng và tài trợ học bổng tại đại học địa phương, khuyến khích sinh viên tham gia hoạt động tấn công mạng lấy danh nghĩa các cuộc thi”.

Cựu nhân viên FBI Nicholas Eftimiades đánh giá tuyển người qua công ty bình phong tạo thêm một lớp vỏ che giấu cho cơ quan tình báo, đem lại nhân sự giá rẻ mà không cần đến biện pháp bảo mật.

Quan hệ giữa 2 công ty Đằng Viễn với Tiên Thuẫn bị phanh phui 2 năm trước bởi một nhóm ẩn danh tên Intrusion Truth. Nhóm rà soát tin tuyển dụng đăng bởi hàng loạt công ty ở Hải Nam phát hiện 5 công ty đáng ngờ, trùng lặp nội dung giới thiệu doanh nghiệp, địa chỉ bưu điện, thông tin liên hệ, đội ngũ nhân viên.

Phương Tây vài năm gần đây đã cảnh giác hơn với hoạt động mạng quy mô lớn của Trung Quốc hòng đánh cắp dữ liệu và tài sản sở hữu trí tuệ. Giám đốc FBI Christopher Wray gần đây cho biết cơ quan này sẽ mở chiến dịch điều tra phản tình báo tập trung vào Trung Quốc, ông nhận định Trung Quốc có hoạt động tấn công mạng lớn hơn mọi quốc gia khác cộng lại.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
7 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bất chấp Mỹ, tin tặc Trung Quốc tiếp tục tuyển người làm gián điệp