Từ đầu năm 2014 đến nay đã xảy ra một số vụ bắt cóc trẻ em ngay tại các bệnh viện mà không một ai phát hiện. Thực tế cho thấy, việc bắt cóc trẻ em hiện nay ở các bệnh viện là khá dễ dàng.

Bắt cóc trẻ em ở các bệnh viện quá dễ?

20/03/2014, 08:14

Từ đầu năm 2014 đến nay đã xảy ra một số vụ bắt cóc trẻ em ngay tại các bệnh viện mà không một ai phát hiện. Thực tế cho thấy, việc bắt cóc trẻ em hiện nay ở các bệnh viện là khá dễ dàng.

Vụ việc đầu tiên trong năm xảy ra vào sáng ngày 9.1 tại Bệnh viện quận 7, TP.HCM. Khi sản phụ đi súc bình sữa, người “bạn mới quen”, xin nghỉ qua đêm cùng với sản phụ Nguyễn Thị Thanh Tâm, đã rinh con trai 1 ngày tuổi của chị ra đi lúc nào không ai phát hiện.

Hay mới đây nhất, vào tối 17.3 tại Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, TP.HCM, trong lúc mẹ sản phụ Nguyễn Thị Phương Thảo đi mua cơm, chỉ còn một mình sản phụ ở phòng hậu sản (do sản phụ này còn mệt mỏi và mắc bệnh thiểu năng) thì một người khách mới quen vào buổi trưa cùng ngày đã “tuồn” bé trai 1 ngày tuổi, con của sản phụ này ra ngoài một cách khá đơn giản.

Nếu nhìn vào điểm chung của 2 vụ "bắt cóc" trẻ con trên, có thể thấy, nghi can bắt cóc đều là những người lạ đến “thăm” phòng sản phụ và làm quen một cách khá tự nhiên mà bệnh viện không hề biết họ là ai? Có thân quen gì với bệnh nhân hay không? Đến đây để làm gì?...

Một bệnh viện như phụ sản Hùng Vương được xem là có quy trình khá nghiêm ngặt trong việc sinh đẻ, cũng như đưa trẻ ra khỏi bệnh viện nhưng trẻ vẫn bị bắc cóc một cách ngang nhiên mà không ai phát hiện.

Điều này đang dấy lên mối lo ngại lớn trong xã hội, nhất là các phụ nữ chuẩn bị sinh con và tiếp tục sinh con.

Theo lãnh đạo của một bệnh viện ở TP.HCM, các bệnh viện ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, phần lớn chỉ quy định giờ vào thăm bệnh nhân, còn việc người thăm bệnh đó là ai, có phải là người thân quen hay không, bao nhiêu người đến thăm bệnh nhân thì các bệnh viện đều không biết.

Do đó có thể nói rằng, việc bắt cóc trẻ em hiện nay ở các bệnh viện là quá dễ dàng. Bởi thực tế, các sản phụ sau khi sinh thường rất mệt, nằm ngủ li bì... Đội ngũ hộ sinh, hộ lý thì túc trực ở phòng làm việc, chỉ có người nuôi bệnh, thường là người lớn tuổi, chỉ cần họ đi vệ sinh hay mua đồ dùng gì đó là đối tượng có thể ra tay bắt cóc mà không một ai phát hiện.

“Chính sự bỏ ngỏ này đã tạo cơ hội cho những kẻ xấu có ý định chiếm đoạt trẻ em trà trộn vào bệnh viện để làm quen với các sản phụ, hoặc người nhà sản phụ, tranh thủ lúc họ sơ hở là bắt cóc trẻ đem đi”, vị lãnh đạo này kết luận.

Cũng theo vị lãnh đạo bệnh viện này, ở một số bệnh viện trên thế giới, ngay cả một số nước trong khu vực Đông Nam Á như: Singapore, Malaysia, Thái Lan… không có chuyện người thăm bệnh quá dễ dãi như vậy.

Ở đây, người muốn thăm bệnh phải gọi điện thoại trước đến bệnh viện để đăng ký. Nội dung đăng ký thăm bệnh phải khai báo rõ họ tên, chứng minh nhân dân, ngày thăm bệnh, thăm bệnh nhân nào, ở phòng, khoa nào….

Tất nhiên, người đến thăm bệnh phải đăng ký thăm vào đúng giờ quy định của bệnh viện, nhưng nếu vào ngày đó đã đủ số lượng người thăm bệnh nhân, thì người thăm bệnh buộc phải chuyển sang ngày khác.

Giờ thăm bệnh ở những bệnh viện này, mỗi ngày chỉ có một lần, và một lần chỉ có 1 tiếng, mỗi người thăm bệnh cũng chỉ được thăm trong thời gian rất ngắn.

Ở một số bệnh viện trên thế giới, ngay cả một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Sigapore, Malaixia , Thái Lan… không có chuyện người thăm bệnh quá dễ dãi như vậy.

Khi vào đến bệnh viện, người thăm bệnh phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân ở phòng bảo vệ và khoa mà bệnh nhân đang điều trị để họ đối chiếu xem có đúng với thông tin đã được đăng ký trước đó hay không. Nếu xét duyệt đúng với thông tin đăng ký trước đó, thì người thăm bệnh mới được phép vào phòng thăm bệnh nhân.

Vị lãnh đạo này cho rằng, việc giới hạn người thăm bệnh và thời gian thăm bệnh ngắn là để không phải mất thời gian của người thăm bệnh, tránh ảnh hưởng sức khỏe của bệnh nhân, nhất là đảm bảo được an ninh ở bệnh viện.

“Đây là cách làm mà các bệnh viện ở Việt Nam cần phải học tập. Chứ để việc thăm bệnh nhân một cách vô tội vạ tại không ít bệnh viện ở Việt Nam hiện nay thì khó có bảo vệ nào phát hiện được đối tượng bắt cóc trẻ em”, vị bác sĩ này đề nghị.

Thế nhưng tại sao các bệnh viện ở Việt Nam chưa làm được điều này? Một lãnh đạo Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM cho rằng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực của các bệnh viện và cả tập tính thói quen của người Việt Nam của chúng ta hiện nay chưa cho phép thực hiện được điều này.

“Trước tình trạng liên tục xảy ra những vụ bắt cóc trẻ em, đã đến lúc ngành y tế và các bệnh viện phải nghĩ đến một phương pháp có thể giám sát chặt chẽ người vào bệnh viện, nhằm tránh kẻ xấu thực hiện hành vi bắt cóc. Và cách làm ở các bệnh viện trên thế giới cũng là một nội dung cần tham khảo, để đưa ra một cách làm phù hợp nhất trong tình hình kinh tế ở Việt Nam”, vị lãnh đạo Bệnh viện Nguyễn Tri Phương chia sẻ.

Hồ Quang

Chú thích ảnh: Sản phụ Nguyễn Thị Phương Thảo bị mất con vào tối 17.3 tại Bệnh viện phụ sản Hùng Vương TP.HCM - Ảnh: MH

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyên gia nói gì về dự thảo nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu?
Chuyên gia đồng tình việc ghi nhận sản lượng điện giá 0 đồng khi chưa tính toán được toàn bộ lợi ích-chi phí và những hệ lụy của việc các hộ điện mặt trời tự sản, tự tiêu bán điện vào lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, cần tính toán cụ thể về lợi và hại của lượng điện này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bắt cóc trẻ em ở các bệnh viện quá dễ?