Thời gian tới thành phố Hà Nội sẽ phát triển mạnh mẽ ở khu vực phía bắc sông Hồng, đặc biệt là dọc hai bên đường Võ Nguyên Giáp (trục Nhật Tân – Nội Bài). Sau đó là khu vực nằm giữa đường 5 cũ và đường 5 mới ở huyện Gia Lâm. Tiếp theo là huyện Mê Linh.

Bất động sản 2017: Hà Nội sẽ ưu tiên phát triển khu vực nào?

Trí Lâm | 13/01/2017, 06:09

Thời gian tới thành phố Hà Nội sẽ phát triển mạnh mẽ ở khu vực phía bắc sông Hồng, đặc biệt là dọc hai bên đường Võ Nguyên Giáp (trục Nhật Tân – Nội Bài). Sau đó là khu vực nằm giữa đường 5 cũ và đường 5 mới ở huyện Gia Lâm. Tiếp theo là huyện Mê Linh.

Năm bản lề cho thị trường nhà ở

Tại Hội nghị “Thị trường bất động sản Hà Nội hướng tới năm 2017” tổ chức sáng 12.1 tại Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, năm 2017 thị trườngsẽ không có những cú “bứt tốc” như cácnăm trước. Thay vào đó, thị trường sẽ phát triển theo chiều sâu và sinh lời bền vững.

Các chuyên gia đánh giá, nhà ở sẽ là phân khúc quan trọng nhất của thị trường bất động sản năm tới bởi vì dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh, tình hình kinh tế - xã hội ổn định đã tạo tiền đề cho thị trường nhà ở phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng tốt.

Cụ thể, quy mô hộ gia đình giảm từ 4,7 người/hộ năm 1995 xuống 3,4 người/hộ trong năm 2015; dân số Hà Nội tăng nhanh, ước đạt 7-8,2 triệu người vào năm 2020 và 9,3 triệu người năm 2030; tốc độ đô thị hóa thuộc nhóm nhanh nhất châu Á với mức 35%; tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng, đạt 44 triệu người vào năm 2020 và năm 2030 sẽ có 21 triệu hộ có thu nhập trên 7.500 USD…

Bên cạnh đó, Luật Nhà ở sửa đổi với việc nới lỏng điều kiện về sở hữu nhà ở cho người nước ngoài đã thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản Việt Nam. Hơn nữa, pháp luật về đất đai, thuế, đấu thầu, nhà ở, xây dựng… đang tiếp tục được hoàn thiện. Điều này tạo ra sự chuyển biến tích cực cho tất cả các phân khúc, đặc biệt là nhà ở.

Một lý do nữa, kế hoạch phát triển hạ tầng đô thị ngày càng đồng bộ, hệ thống đường cao tốc, tuyến giao thông liên vùng, tuyến Metro… đang được hoàn thiện. Giao thông thông thoáng hứa hẹn sẽ tạo ra cơ hội rất lớn để đầu tư và phát triển thị trường bất động sản cả trong trung và dài hạn.

Ông Nguyễn Mạnh Hà chỉ ra rằng, những phân khúc có cơ hội phát triển mạnh là nhà ở thương mại có giá bán trung bình và thấp. Đối với phân khúc nhà ở cao cấp sẽ tiếp tục phát triển, song có sự phân hóa mạnh giữa những dự án của các chủ đầu tư có uy tín, tiềm lực với những dự án “gắn mác” cao cấp trong khi tiềm lực tài chính và quản trị không thực sự tốt.

“Phân khúc nhà phố, biệt thự cũng sẽ được hưởng lợi từ sự cải thiện của cơ sở hạ tầng nội đô Hà Nội. Hơn nữa, tâm lý người Việt Nam phần lớn vẫn mong muốn có một căn nhà độc lập hơn là sống trong chung cư cao tầng”, ông Hà nói.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng đồng tình với nhận định này. Ông Nam cho rằngThủ tướng có một chiến lược riêng về phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Theo chiến lược này, năm 2020, diện tích nhà ở đô thị đạt 29m2 sàn/người; năm 2030 diện tích nhà ở bình quân đầu người cả nước khoảng 30m2 sàn/người. Tỷ lệ nhà ở chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại các đô thị loại đặc biệt đạt trên 90% tổng số đơn vị xây dựng mới.

Hà Nội sẽ phát triển trục Nhật Tân – Nội Bài

Tại hội nghị, ông Lã Hồng Sơn (Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội) cho biết, UBND thành phố Hà Nội vừa giao nhiệm vụ cho Sở Quy hoạch Kiến trúc tổ chức lập và thẩm định các chương trình phát triển đô thị toàn thành phố.

Theo đó, chương trình này bao quát tất cả các vùng đô thị trên địa bàn Hà Nội gồm: khu trung tâm (vành đai 4 trở vào), 5 đô thị vệ tinh, 14 thị trấn. Tuy nhiên, trọng tâm trong năm 2017 là tập trung xây dựng chương trình phát triển đô thị chung cho toàn thành phố và cho đô thị khu trung tâm.

5 khu đô thị vệ tinh là Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn và Hòa Lạc đang được thẩm định. Sóc Sơn sẽ phát triển khu công nghiệp sạch, trung tâm y tế, khu đại học tập trung; Hòa Lạc sẽ là đô thị dịch vụ - công nghiệp, đào tạo đại học, cao đẳng; Phú Xuyên sẽ xây dựng các cụm công nghiệp để di dời cơ sở công nghiệp từ nội đô ra. Đồng thời đây sẽ hình thành trung tầm dịch vụ trung chuyển hàng hóa, đào tạo nghề…

Đối với khu đô thị trung tâm, khó khăn lớn nhất là việc di dời và sử dụng quỹ đất sau khi di dời các cơ sở công nghiệp, bệnh viện, giáo dục, cơ quan hành chính… bởi đây là quá trình rất phức tạp.

“Quỹ đất sau khi di dời phải ưu tiên phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe… chứ không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch. Phải đấu giá công khai để tạo kinh phí tái đầu tư cho đơn vị di dời” – ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, thời gian tới thành phố Hà Nội sẽ phát triển mạnh mẽ ở khu vực phía bắc sông Hồng, đặc biệt là dọc hai bên đường Võ Nguyên Giáp (trục Nhật Tân – Nội Bài). Sau đó là khu vực nằm giữa đường 5 cũ và đường 5 mới ở huyện Gia Lâm. Tiếp theo là huyện Mê Linh.

“Đối với khu vực phía đông đường vành đai 4, thứ tự ưu tiên lần lượt là: hai bên Đại lộ Thăng Long, hai bên đường 32 và hai bên đường 70 - phía đông nam quận Long Biên” – ông Sơn nói.

Theo vị này, mỗi khu vực chọn 3 điểm ưu tiên vìquy hoạch phải khắc phục tình trạng dàn trải trong phát triển, gây ra lãng phí, tránh cho chủ đầu tư phải bỏ vốn lớn để đầu tư hạ tầng.

Như vậy, đa số các ý kiến tại hội thảo đều bày tỏ sự lạc quan đối với sự phát triển của bất động sản Việt Nam trong năm 2017.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi làm 6 người chết ở Đồng Nai
10 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi làm 6 người chết, 5 người bị thương tại Đồng Nai.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bất động sản 2017: Hà Nội sẽ ưu tiên phát triển khu vực nào?