Năm 2019 là năm thứ hai thị trường và các doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn do nhiều rủi ro từ pháp lý.

Bất động sản TP.HCM kết thúc năm khó khăn vì rủi ro pháp lý

14/01/2020, 15:20

Năm 2019 là năm thứ hai thị trường và các doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn do nhiều rủi ro từ pháp lý.

Thị trường bất động sản TP.HCM kết thúc một năm khó khăn - Ảnh: Phan Diệu

Thị trường bất động sản sụt giảm

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), năm 2019, quy mô thị trường và nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở tại TP.HCM bị sụt giảm mạnh, nhất là phân khúc nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.

Trong khi đó, giá nhà tăng cao, trong đó căn hộ chung cư tăng giá khoảng 15-20%. Cá biệt, có dự án nhà ở tại quận 9 có mức giá bán căn hộ tăng đến 39% so với năm 2018. Do vậy, số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ, mới lập nghiệp khó tạo lập nhà ở hơn, giấc mơ có nhà ở ngày càng xa vời.

Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản cũng đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ bị phá sản.

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, tổng số giao dịch nhà đất thành công trong cả nước năm 2019 là 83.136 giao dịch, giảm 26,1% so với năm 2018. Trong đó, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng chỉ có 6.280 giao dịch, giảm 20% so với năm 2018.

Số liệu của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cũng cho biết, năm 2019, lĩnh vực bất động sản có số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc bị giải thể cao nhất, với 598 doanh nghiệp bất động sản đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 36,8% và 686 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 39,4%, so với năm 2018.

Tại TP.HCM, từ tháng 10.2015 đến hết năm 2018, có đến 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng và 158 dự án bất động sản có nguồn gốc quỹ đất thuộc Nhà nước quản lý phải rà soát lại thủ tục pháp lý, một số trường hợp thuộc diện phải thanh tra, điều tra.

Tháng 3.2019, lãnh đạo thành phố và cơ quan có thẩm quyền của Trung ương đã quyết định cho 124 dự án được vận hành trở lại bình thường, nhưng trên thực tế hầu hết các dự án này vẫn chưa hoạt động trở lại bình thường.

“HoREA nhận thấy việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện rà soát, chấn chỉnh lại các quy trình, thủ tục về đầu tư xây dựng đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại là rất cần thiết, nhằm mục tiêu phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh và bền vững. Đây cũng là đợt sàng lọc để loại bỏ những doanh nghiệp bất động sản bất lương, làm ăn chụp giật, thậm chí lừa đảo”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định.

Nguồn thu từ nhà đất giảm mạnh

Đáng chú ý, việc thị trường sụt giảm mạnh đã khiến nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất của TP.HCM năm 2019 bị sụt giảm đáng kể so với năm 2018 và nhất là so với năm 2017 do thị trường bất động sản gặp khó khăn. Thu tiền sử dụng đất 2019 chỉ đạt 14.650 tỉ đồng, giảm 11,2% so với năm 2018 và giảm 18,2% so với năm 2017. Thu tiền thuê đất đạt 6.031 tỉ đồng, tăng 11,9% so với năm 2018.

Năm 2019, số nợ tiền sử dụng đất là 974 tỉ đồng, tăng 33,4% so với năm 2018. Số nợ tiền thuê đất là 2.837 tỉ đồng, tăng đến 85,9% so với năm 2018. Bên cạnh đó, nhiều dự án nhà ở chưa được UBND TP.HCM ban hành quyết định thu tiền sử dụng đất. Nguyên nhân là do vướng mắc về cách tính tiền sử dụng đất đối với các thửa đất công xen kẹt trong dự án và cả các phương pháp xác định giá đất, nên các chủ đầu tư không thể thực hiện được nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước.

Do đó, dự án không hội đủ điều kiện để được huy động vốn từ khách hàng, làm tăng chi phí doanh nghiệp, nhất là chi phí tài chính và làm tăng giá bán nhà, mà cuối cùng người mua nhà phải gánh chịu.

Năm 2019, các doanh nghiệp xây dựng cũng bị sụt giảm trên dưới 50% số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp, dẫn đến bị sụt giảm mạnh doanh thu và lợi nhuận. Các nhà cung cấp thiết bị, vật tư bị sụt giảm doanh thu bán hàng. Các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, vật liệu xây dựng gặp khó khăn trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập. Các ngân hàng thương mại đứng trước rủi ro trong việc thu hồi nợ.

“Hiệp hội nhận thấy thị trường bất động sản thành phố hiện nay về bản chất không xấu, chưa có nguy cơ bị khủng hoảng, tính thanh khoản vẫn tốt và vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng sau giai đoạn bị khủng hoảng đóng băng 2011-2013. Thị trường bất động sản thành phố rơi vào tình thế khó khăn hiện nay chỉ có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường, mà nguyên nhân là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật.

Tuy nhiên, do thị trường bất động sản có độ trễ nên nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay, thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, dẫn đến một số doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể có nguy cơ phá sản”, ông Châu nói thêm.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bất động sản TP.HCM kết thúc năm khó khăn vì rủi ro pháp lý