Từ trước đến nay, rất nhiều dự án vay vốn nước ngoài đều không có khả năng trả nợ và cuối cùng, Chính phủ lại là người đứng ra trả nợ thay...

Bất hợp lý khi ứng tiền ngân sách 'cứu' Đạm Ninh Bình

tuyetnhung | 04/07/2017, 15:39

Từ trước đến nay, rất nhiều dự án vay vốn nước ngoài đều không có khả năng trả nợ và cuối cùng, Chính phủ lại là người đứng ra trả nợ thay...

Bộ Công Thương vừa qua đã có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính khoanh, giãn nợ khoản vay 250 triệu USD từ Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) của Dự án Đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư.

Trong một văn bản gửi lên Thủ tướng mới đây, Bộ Tài chính cho biết khoản vay này có thời hạn 15 năm và tới cuối tháng 3.2017, Vinachem đã trả nợ gốc 87,5 triệu USD, hiện dư nợ vay là 162,5 triệu USD.

Do tình hình kinh doanh khó khăn, Bộ Tài chính cho biết trong một văn bản gửi Bộ hồi tháng 4.2017, Vinachem đề xuất loạt giải pháp xử lý khoản nợ này, trong đó tập đoàn kiến nghị sẽ chỉ trả nợ lãi, phí, không trả nợ gốc trong 5 năm (10 kỳ với số tiền 125 triệu USD). Như vậy, tổng số nợ gốc còn lại của khoản vay 162,5 triệu USD sẽ được chủ đầu tư tiếp tục trả từ năm 2022 đến hết năm 2028.

Đáng chú ý, theo phương án trả nợ Vinachem đề ra, từ năm 2017 đến 2022, ngân sách Nhà nước sẽ phải ứng vốn trả nợ cho tập đoàn khoảng 125 triệu USD.Như vậy, tổng cộng Chính phủ sẽ phải khoanh nợ và hỗ trợ trả khoản vay cho Vinachem tới 250 triệu USD cho China Eximbank.

Nếu Chính phủ tiếp tục đứng ra ứng tiền trả nợ thay cho Vinachem thì đây có thể được xem là kịch bản lặp lại từ câu chuyện của Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) hay Giấy Phương Nam... Đây đều là những doanh nghiệp, dự án khiến Chính phủ phải "còng lưng" gánh nợ thay khi không có khả năng trả nợ vay nước ngoài.

Trao đổi với phóng viên báo Một Thế Giới về vấn đề này, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Kinh tế (Học viện Tài chính) cho rằng về nguyên tắc, doanh nghiệp Nhà nước vay thì phải có nghĩa vụ trả. Tuy nhiên, với dự án Đạm Ninh Bình, Chính phủ đứng ra bảo lãnh thì Chính phủ sẽ là người trả nợ cuối cùng cho khoản vay này đúng hạn.

Nếu không trả nợ thì sẽ ảnh hướng rất xấu đến xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, hơn nữa sẽ ảnh hưởng xấu đến các hoạt động vay trả nợ nói chung trong thời gian tới, TS Thịnh cho hay

Song xét trên bình diện khác, theo ông Thịnh, việc ứng tiền ngân sách ra trả nợ cho Dự án Đạm Ninh Bình là hoàn toàn không hợp lýtrong bối cảnh nợ công, nợ xấu, nghĩa vụ trả nợ của nước ta đang rất cao.

Chỉ ra thực trạng đối với các dự án thuộc doanh nghiệp nhà nước hiện nay, ông Thịnh cho rằng thời gian qua, Việt Nam đã buông lỏng quản lý, cụ thể làkhâu thẩm định, cấp phép đầu tư công yếu kém, chưa chuẩn... khiến hiệu quả vay vốn thấp.

Đặc biệt đối với các khoản vay, chưa có khả năng trả nợ đúng thời hạn theoyêu cầu, dẫn đến tình trạng vay nợ tràn lan và ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế cũng như cơ quản lý của nhà nước như thời gian vừa qua.

Đạm Ninh Bình là một trong những minh chứng rõ nét cho sự buông lỏng này, dự án thua lỗ triền miên từ nhiều năm nay. Thậm chí, mức lỗ năm sau còn cao hơn nhiều so với năm trước.

"Vì vậy, nếu bảo dự án này hoạt động có lãi để trả được nợ thì chỉ là nói cho vui thôi. Tôi chắc chắn không thể tự thân trả được vì bản thân dự án còn lỗ, ôm nợ nghìn tỉ", ông Thịnh cho hay.

Trong khi đó, quan điểm của Bộ Tài chính là Vinachem phải tập trung mọi nguồn lực để ưu tiên trả nợ cho khoản vay này, trả nợ đầy đủ ngay từ kỳ ngày 21.7.2017 để không làm ảnh hưởng tới uy tín của Chính phủ.

Ngoài ra, tiếp tục chủ động làm việc với các tổ chức tín dụng để hoãn giãn nợ vay trong nước, tiếp tục thoái vốn ngoài ngành và sử dụng các nguồn lực này để cân đối nguồn trả nợ cho dự án.

Bộ Tài chính cho biết nguồn thu Quỹ tích luỹ trả nợ hiện rất hạn chế và đang phải trả cho nhiều dự án khó khăn khác, như Giấy Phương Nam, Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam...

Qua câu chuyện của Đạm Ninh Bình, PGS.TS Thịnh kiến nghị với các dự án đầu tư bằng vốn vay nhà nước, các khoản đầu tư công, vay nợ có bảo lãnh hoặc là các tập đoàn, doanh nghiệp vay nợ cần phải được tính toán thật kỹ. Trong đó đặc biệt phải siết chặt khâu thẩm định, cấp phép trong bối cảnh hiện nay, cơ chế vay bằng nguồn vốn ODA của nước ta đang trở nên khó khăn.

Dự án Đạm Ninh Bình

Dự án Đạm Ninh Bình có công suất 560.000 tấn/năm, vốn đầu tư khoảng 667 triệu USD (tương đương 12.000 tỉ đồng) do Vinachem sở hữu 100% vốn. Để có tiền đầu tư, Vinachem đã vay Eximbank Trung Quốc 250 triệu USD, lãi suất ưu đãi 4%/năm, cố định trong vòng 15 năm, với điều kiện phải ký hợp đồng với nhà thầu HQC của Trung Quốc. Tính đến ngày 31.3.2017, dư nợ của khoản vay là 162,5 triệu USD, trong đó Vinachem đã trả nợ gốc 7 kỳ với tổng số tiền 87,5 triệu USD.

Nhà máy đạm Ninh Bình hoạt động từ năm 2012 đến nay nhưng liên tục thua lỗ và chưa trả hết nợ. Kết quả sản xuất kinh doanh của Đạm Ninh Bình liên tục lỗ từ năm 2012 đến năm 2015. Năm 2012 lỗ 75 tỉ đồng, năm 2013 lỗ trên 759 tỉ đồng, năm 2014 ước lỗ trên 500 tỉ đồng, năm 2015 lỗ trên 592 tỉ đồng. Lỗ lũy kế tới nay lên tới trên 3.058 tỉ đồng

Hiện, đánh giá của Vinachem cho thấy, trong 5 năm tới dòng tiền của Công ty Đạm Ninh Bình vẫn âm và phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Vinachem để trả nợ. Khả năng trả nợ của Đạm Ninh Bình, theo đánh giá là hạn chế, lỗ luỹ kế lớn. Kết quả kinh doanh năm 2016 lỗ 1.132 tỉ đồng.

Ngoài vay nợ nước ngoài, dự án Đạm Ninh Bình cũng là “con nợ” của nhiều ngân hàng trong nước như Ngân hàng phát triển VDB, Vietcombank Ninh Bình, BIDV Tây Hồ, ngân hàng Vietinbank.

Tuyết nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
7 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bất hợp lý khi ứng tiền ngân sách 'cứu' Đạm Ninh Bình