Sau ba ngày (16 - 18.5) làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và bế mạc sáng nay 18.5.
Sự kiện

Bế mạc Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13

TTXVN 18/05/2024 11:06

Sau ba ngày (16 - 18.5) làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và bế mạc sáng nay 18.5.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điều hành phiên bế mạc.

Thống nhất cao về tư tưởng chỉ đạo, định hướng

Trung ương đã xem xét, cho ý kiến và quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí cao thông qua nghị quyết của hội nghị.

Đánh giá cao sự chuẩn bị của các tiểu ban, Ban Chấp hành Trung ương nhất trí về cơ bản với dự thảo Đề cương các báo cáo và cho nhiều ý kiến chỉ đạo quan trọng đối với các đề xuất, kiến nghị của các tiểu ban.

Trung ương yêu cầu các tiểu ban cần khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của hội nghị, hoàn thiện các đề cương, bảo đảm sự thống nhất giữa các báo cáo, nhất là về chủ đề, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và mục tiêu tổng quát; trên cơ sở đó sớm bắt tay xây dựng dự thảo các văn kiện theo kế hoạch đã đề ra; trình bày ngắn gọn, súc tích, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ trung ương đặc biệt nhấn mạnh: Dự thảo các văn kiện phải thực sự xứng tầm trình đại hội, thể hiện được ý chí và sức mạnh vươn lên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong thời kỳ phát triển mới với khí thế mới, động lực mới, cũng như những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới đan xen, quyết tâm xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội; xác định đúng đắn những chủ trương, định hướng và các quyết sách lớn bảo đảm thực hiện thành công sự nghiệp tiếp tục đẩy mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong 5 năm tới, đến năm 2030 (100 năm thành lập Đảng) và tầm nhìn đến năm 2045 (100 năm thành lập nước).

Trong quá trình chuẩn bị các văn kiện, phải căn cứ vào kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội 13, các nghị quyết của Trung ương, tổng kết 40 năm đổi mới, 15 năm thực hiện Điều lệ và Cương lĩnh của Đảng (bổ sung, phát triển năm 2011); đồng thời bám sát vào cương lĩnh, Nghị quyết Đại hội 13, các nghị quyết Trung ương khóa 13 và thực tiễn của đất nước để đánh giá một cách khách quan, khoa học toàn diện các vấn đề, nhất là những vấn đề phức tạp mới phát sinh; phân tích sâu sắc các nguyên nhân; dự báo có cơ sở khoa học tình hình đất nước, khu vực và thế giới, để từ đó xác định đúng đắn các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược cho nhiệm kỳ tới.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý: “Phải chăng sau 40 năm đổi mới chúng ta đã thực sự hình thành được lý luận về đường lối đổi mới ở Việt Nam; trong nhiệm kỳ này, cần phải tập trung ưu tiên thực hiện thật tốt 12 định hướng phát triển đất nước và 6 nhiệm vụ trọng tâm như trong Đề cương báo cáo chính trị đã nêu? Và đặc biệt là, nên chăng, trong giai đoạn phát triển mới vẫn cần tiếp tục triển khai thực hiện 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội 13 đề ra; tuy nhiên cần tập trung vào những nội dung rất then chốt, cụ thể hơn, như: xây dựng và thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khuyến khích tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá phát triển; đổi mới căn bản, toàn diện công tác cán bộ, thu hút, bồi dưỡng, phát triển, trọng dụng nhân tài; và xây dựng kết cấu hạ tầng cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, để thực sự tạo ra đột phá phát triển?”.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu cần đi sâu phân tích, đánh giá việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm 2021 - 2025, khẳng định những kết quả, thành tựu đã đạt được; chỉ rõ những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; làm rõ những nội dung đổi mới, những nhân tố mới tốt hơn, tích cực hơn của nhiệm kỳ khóa 13 so với các nhiệm kỳ trước; dự báo khả năng thực hiện cương lĩnh, mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chú trọng làm rõ những vấn đề lớn, quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhanh và bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Định hướng cho toàn Đảng chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ 14 của Đảng

Hội nghị đã thảo luận dân chủ, cho ý kiến chỉ đạo đối với việc chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ 14 của Đảng.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Trung ương đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, xác đáng vào tờ trình và dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị; tập trung thảo luận, phân tích, tạo sự đồng thuận cao những nội dung Bộ Chính trị xin ý kiến, bao gồm: Những nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW còn phù hợp; những nội dung cần kế thừa nhưng phải có điều chỉnh, bổ sung; những nội dung cụ thể hóa các nghị quyết, quy chế, quy định của Trung ương khóa 13; những nội dung không kế thừa Chỉ thị số 35-CT/TW, cần được lược bỏ cho phù hợp với thực tiễn.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ đây là công việc hệ trọng, cần sớm được triển khai thực hiện với tinh thần tiếp tục đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả; phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng; bảo đảm tăng cường đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên.

Các cấp ủy đảng cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thảo luận, góp ý vào các dự thảo văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 14 và đại hội đảng bộ cấp trên; đồng thời chuẩn bị thật tốt các báo cáo của cấp ủy cấp mình. Báo cáo của ban chấp hành đảng bộ cần quán triệt định hướng chuẩn bị văn kiện trình Đại hội 14; bám sát tình hình thực tế của địa phương, đơn vị; đánh giá đúng tình hình thực hiện nghị quyết của nhiệm kỳ qua; chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; từ đó đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp có tính khả thi cao cho nhiệm kỳ tới và tầm nhìn xa hơn. Việc chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp phải gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, bảo đảm hiệu quả cao. Chú ý phát hiện, giải quyết những vấn đề thực tế đang đặt ra, nhất là những vấn đề gây bức xúc trong nhân dân.

Công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy phải thực hiện theo đúng điều lệ, quy chế, quy định của Đảng; rà soát thật kỹ để lựa chọn, giới thiệu và bầu được những người thật sự xứng đáng, đủ tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; chú ý phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có triển vọng, bảo đảm tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc.

Ban Chấp hành Trung ương giao cho Bộ Chính trị, sau hội nghị này, khẩn trương chỉ đạo sớm hoàn chỉnh và ban hành chỉ thị để định hướng cho toàn Đảng chuẩn bị và tiến hành thành công đại hội các cấp, góp phần cho thành công Đại hội 14 của Đảng.

Xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng về công tác cán bộ

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Ban Chấp hành Trung ương đã dân chủ thảo luận, kỹ lưỡng xem xét và thống nhất cao về phương án kiện toàn chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội để Đảng đoàn Quốc hội giới thiệu với Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15, dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 20.5.2024; và với tỷ lệ số phiếu tín nhiệm cao bầu bổ sung vào Bộ Chính trị các đồng chí: Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Chánh văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định để đồng chí Trương Thị Mai thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 để nghỉ công tác vì đã có vi phạm về các điều đảng viên không được làm.

Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với các đồng chí: Dương Văn Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Giang; Mai Tiến Dũng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; và cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM vì đã vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu ngay sau hội nghị này cần phải nghiêm túc, khẩn trương nghiên cứu, hoàn chỉnh các đề cương và xây dựng dự thảo các văn kiện đại hội trình Hội nghị Trung ương 10 xem xét, quyết định vào cuối năm nay để gửi xin ý kiến của đại hội đảng bộ các cấp; chỉ đạo thật tốt việc thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ 14 của Đảng. Đồng thời, cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch đã đề ra cho các năm 2024 - 2025 với kết quả cao nhất, phấn đấu hoàn thành thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
10 giờ trước Sự kiện
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bế mạc Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13