Sóc Trăng là tỉnh có thế mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, chủ lực là cây lúa và con tôm. Năm 2022, xuất khẩu thủy sản của tỉnh vượt mốc 1 tỉ USD. Có kết quả đó một phần do tỉnh đã tăng cường đẩy mạnh nuôi thủy sản theo hướng công nghệ cao, nhất là nuôi tôm nước lợ.
Năm 2022, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh Sóc Trăng ước đạt 377.865 tấn, trong đó lượng thủy sản khai thác 66.293 tấn. Lượng thủy sản do nuôi trồng là 311.572 tấn.
Theo số liệu của ngành nông nghiệp Sóc Trăng, năm 2022, diện tích nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh đạt hơn 54.000ha với mô hình nuôi truyền thống và nuôi công nghệ cao. Trong đó, mô hình nuôi tôm công nghệ cao được đánh giá cho hiệu quả kinh tế cao.
Một lãnh đạo công ty nuôi tôm ở xã Liêu Tú (huyện Trần Đề) cho biết: "Mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã được công ty đưa vào vận dụng từ nhiều năm nay và mang lại hiệu quả cao khi quản lý tốt dịch bệnh trên tôm, tôm nuôi được nhiều vụ trong năm, đạt trọng lượng như mong muốn, tỷ lệ nuôi thành công cao, góp phần tăng lợi nhuận".
Theo vị lãnh đạo công ty, hiện công ty ông có 110 ao nuôi tôm công nghệ cao. Mỗi ao diện tích từ 2.000 - 3.000m2, mật độ thả nuôi từ 250 - 300 con tôm/m2 (tùy theo diện tích). Khi thu hoạch, tôm đạt tiêu chuẩn 40 con/kg, năng suất khoảng 12 tấn/ao. Điều đáng nói là tôm nuôi theo công nghệ cao luôn đạt tiêu chuẩn về chất lượng nên đảm bảo cho chế biến xuất khẩu.
Ông Tăng Văn Xúa ở xã Hòa Đông (thị xã Vĩnh Châu) cũng nuôi tôm công công nghệ cao từ mấy năm nay. Ông có 4 ao nuôi tôm công nghệ cao. Mỗi ao tôm của ông diện tích khoảng 500m2, ông thả nuôi với mật độ 150 - 200 con/m2. Mỗi năm ông nuôi 2 vụ, thu hoạch khoảng 8 - 9 tấn/ao/năm. Trừ chi phí, mỗi năm con tôm nuôi theo công nghệ cao đem về cho gia đình ông khoản lợi nhuận từ 2 - 3 tỉ đồng.
“Nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao ưu việt hơn nuôi tôm truyền thống trước đây. Cụ thể, lượng con giống thả nuôi nhiều hơn, tôm ít gặp dịch bệnh, người nuôi kiểm soát được diễn biến trong quá trình nuôi, cho sản lượng cao, chất lượng đảm bảo theo yêu cầu nên đầu ra luôn ổn định, giá bán hợp lý, cho lợi nhuận cao, người nuôi có lợi”, anh Nguyễn Duy Hà cho biết.
Theo số liệu của Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, hiện nay Sóc Trăng có 5.681ha nuôi tôm theo mô hình, tập trung chủ yếu ở các huyện Trần Đề, Long Phú, Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu. Diện tích nuôi tôm công nghệ cao ở tỉnh có xu hướng tăng dần vì người nuôi tôm nhận thấy đây là mô hình nuôi rất ưu việt, cho năng suất cao, hiệu quả cao.
Cũng nhằm đẩy mạnh phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thực hiện dự án "Phát triển thủy sản bền vững tỉnh Sóc Trăng” với tổng kinh phí hơn 992 tỉ đồng, bao gồm vốn WB, vốn đối ứng ngân sách tỉnh và vốn xã hội hóa.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp - PTNT Sóc Trăng đã tiến hành triển khai thủ tục đầu tư giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và đã hoàn thành việc đăng ký con dấu, xin cấp các mã số đơn vị có quan hệ ngân sách, cấp mã số thuế, tài khoản đấu thầu qua mạng. Sở cũng đã phê duyệt dự toán chi phí chuẩn bị dự án.
Với tiến độ nêu trên, Sở Nông nghiệp - PTNT dự kiến trong cuối quý 2/2023 sẽ trình sở chuyên ngành thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án. Theo đó, dự án Phát triển thủy sản bền vững tỉnh được Bộ Nông nghiệp - PTNT triển khai thực hiện tại 7 tỉnh, trong đó Sóc Trăng là một trong 3 tỉnh có tiến độ triển khai dự án nhanh nhất.
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh: "Dự án phát triển thủy sản bền vững tỉnh Sóc Trăng có ý nghĩa rất lớn trong việc góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, Sở Nông nghiệp - PTNT đã chủ động tham mưu đề xuất các bước triển khai dự án. Tỉnh yêu cầu sở sau khi UBND tỉnh phê duyệt kinh phí thì khẩn trương giải ngân vốn đạt 100% đến cuối năm".
Năm 2023, tỉnh Sóc Trăng đề ra kế hoạch diện tích nuôi thủy sản là 75.000ha. Trong đó, nuôi tôm nước lợ 51.000hha, nuôi thủy sản nước ngọt 21.600ha, nuôi thủy sản khác 2.400ha. Kế hoạch sản lượng nuôi thủy sản 300.000 tấn. Trong đó, tôm nước lợ 205.335 tấn (tôm sú 25.809 tấn, tôm thẻ chân trắng 179.526 tấn); thủy sản nước ngọt 92.665 tấn; thủy sản khác 2.000 tấn.