Tui nghĩ mình may mắn được ông trời ban tặng cho cái giếng đầy ắp nước ngọt quanh năm, nên lúc nào bà con cần dùng thì tui đều cho lấy miễn phí, như một cách làm phước để đức cho con cháu”, bà Bảy Hưởn nói.

Bến Tre: Cụ bà phân phát nước ngọt miễn phí giữa mùa hạn mặn khốc liệt

01/03/2020, 13:16

Tui nghĩ mình may mắn được ông trời ban tặng cho cái giếng đầy ắp nước ngọt quanh năm, nên lúc nào bà con cần dùng thì tui đều cho lấy miễn phí, như một cách làm phước để đức cho con cháu”, bà Bảy Hưởn nói.

Bà Bảy Hưởn đang bơm nước lên bồn chứa cung cấp miễn phí cho người dân - Ảnh: Thanh Anh

Giếng nước ngọt kỳ lạ

Cuối tháng 2, trời nắng chang chang như đổ lửa. Dưới cái nắng cháy da, đoạn đường trước nhà anh Hai Phước (Lê Văn Phước, 43 tuổi, ngụ ấp Phú Thành, xã Phú Hưng, TP.Bến Tre, tỉnh Bến Tre) dòng người, xe gắn máy, xe lôi máy, kể cả xe tải nhỏ với lỉnh kỉnh thùng 1.000 lít, can nhựa 20 lít, xếp hàng chờ lấy nước ngọt ngày càng đông.

Vừa tất bật lo bơm đầy nước cho 2 chiếc bồn nhựa loại 1.000 lít/bồn đặt trên giàn chân đế bằng sắt cao khoảng 5 mét để cung ứng cho mọi người, anh Hai Phước vừa phân bua: “Từ hôm nước mặn về tới TP.Bến Tre đến nay, ngày nào từ 2 giờ 30 sáng đến tận 23 giờ đêm đều có người đến lấy nước, nên cứ 15 phút phải bơm nước lên bồn một lần. Mệt mà vui vì giúp được nhiều người trong lúc khó khăn”. Định hỏi chuyện thì anh xua tay: “Chuyện cho nước ngọt miễn phí là ý nguyện của má tui, anh vô nhà gặp má nhé!”.

Trong căn nhà nhỏ đồng thời là xưởng sản xuất nhôm, sắt của anh Phước, 1 bà lão tóc bạc phơ nhưng còn nhanh nhẹn, tinh anh, đang loay hoay bên cái mô-tơ bơm nước đặt trước nhà. Bà lão cho biết bà thứ Bảy, tên Nguyễn Thị Hưởn, SN 1944, làm nghề bán giấm, anh Phước là con trai lớn của bà. Chỉ chiếc mô-tơ, bà Bảy nói giếng nước ngọt nằm ngay bên dưới.

“Hồi đó cái giếng nằm phía sau nhà. Nhưng từ khi TP.Bến Tre giải tỏa mở đường lớn thì căn nhà phải lùi vào trong, nên cái giếng được… ra mặt tiền”, bà Hưởn kể. Bà cụ Hưởn cho biết, hơn 20 năm trước vào những tháng mùa khô thì khu vực ấp Phú Thành rất khó khăn chuyện nước ngọt, vì chưa có nước máy. Trong lúc khó khăn, nhiều gia đình tự đào giếng để tìm nguồn nước ngọt, gia đình bà Hưởn cũng đào 1 cái.

Điều kỳ lạ là trong lúc giếng của những người khác đều bị nhiễm phèn hoặc nguồn nước bị mặn thì chiếc giếng của bà Hưởn chỉ sâu 8 mét mà nước ngọt đầy ắp quanh năm, hễ múc cạn thì khoảng 15 phút sau giếng đầy nước trở lại, nên bà Bảy cho rằng gia đình rất may mắn mới được ông Trời ban cho cái giếng lạ lùng như vậy.

Từ khi có cái giếng nước ngọt “Thạch Sanh”, cứ đến mùa hạn, mặn hàng năm dân trong vùng ai cần thì cứ đến múc nước về xài, nhưng sự việc chỉ quẩn quanh trong phạm vi xóm nhỏ miệt vườn ven đô Bến Tre. Đến mùa khô hạn, xâm nhập mặn khốc liệt năm 2016, thấy nhiều nơi người dân khốn khổ vì thiếu nước ngọt trầm trọng, bà Bảy Hưởn quyết định kêu anh Hai Phước treo tấm bảng “Cho nước ngọt miễn phí” trước cửa nhà.

Ai cũng có phần nước của mình - Ảnh: Thanh Anh

Tiếng lành đồn xa, mỗi ngày có hàng trăm người từ Giồng Trôm, Châu Thành, TP.Bến Tre lỉnh kỉnh thùng nhựa đến nhà bà Bảy lấy nước. Do người lấy nước quá đông nên anh Hai Phước phải gắn cái mô-tơ điện để bơm nước trực tiếp từ giếng vào thùng nhựa cho bà con.

Sau một thời gian, 1 nhà hảo tâm từ Hà Nội nghe tin bay vào tận nơi để xem thực hư thế nào, cuối cùng quyết định tặng cho bà Bảy 2 chiếc bồn chứa nước bằng nhựa dung tích mỗi bồn 1.000 lít sử dụng cho đến ngày nay. Còn phần chân đế bằng sắt thì anh Hai Phước trực tiếp thi công. Từ khi có 2 chiếc bồn trữ nước trên cao, cứ đến mùa khô hạn, xâm nhập mặn thì người dân khắp nơi kéo về nhà bà Bảy lấy nước ngọt, lúc không xảy ra hạn, mặn có ai cần thì cứ đến lấy nước bình thường.

“Từ đầu mùa khô hạn, xâm nhập mặn năm nay, mỗi ngày có khoảng 20 xe lôi máy, xe tải nhỏ chở bồn nhựa loại 1.000 lít đến lấy nước ngọt, khoảng hơn trăm người đi xe gắn máy lấy nước, mỗi người 2 can nhựa loại 20 lít/can. Do số lượng người đến lấy nước quá đông nên tui gần như phải bỏ việc làm nhôm, sắt để ngồi canh mô- tơ bơm nước, 15 phút bơm 1 lần được khoảng 400 lít nước, 1 ngày bơm được khoảng 27m3 phục vụ bà con. Tính ra mỗi tháng tốn khoảng 1 triệu đồng tiền điện bơm nước”, anh Hai Phước cho biết.

Anh Phước đang tính toán sẽ lắp thêm các bồn chứa nước có dung tích lớn hơn, chỉ với mục đích không để bà con đến lấy nước phải đứng chờ đợi quá lâu dưới trời nắng gắt.

Ai cần cứ lấy, không phân biệt dùng vào việc gì

Hầu như những người đến lấy nước ngọt đều cảm kích trước tấm lòng nhân hậu của bà Bảy Hưởn. Ông Nguyễn Văn Trí (TP.Bến Tre) cho biết mỗi ngày ông lấy 2.000 lít nước về phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho gia đình và chăn nuôi gia cầm. “Nhiều người hàng xóm kêu tui đến nhà bà Bảy lấy nước về bán lại cho họ xài để kiếm lời, nhưng tui không làm vì bà Bảy cho nước xài miễn phí mà mình đem bán lại kiếm tiền thì thấy… kỳ cục quá”, ông Trí nói.

Người dân sử dụng can nhựa, bồn nhựa dung tích 1.000 lít để lấy nước - Ảnh: Thanh Anh

Còn ông Trần Văn Tuấn (H.Châu Thành) cho biết nhờ nguồn nước ngọt từ “giếng bà Bảy” mà gần 5.000m2 vườn bưởi da xanh của ông thoát chết vì khô hạn. Còn chị Lê Thị Chi ở Giồng Trôm bày tỏ, nhờ nguồn nước ngọt miễn phí của bà Bảy Hưởn mà gia đình chị giảm bớt gánh nặng mỗi ngày phải tốn 150.000 đồng mua 1m3 nước phục vụ nhu cầu ăn uống, tắm giặt.

Nhưng trên thực tế cũng có rất nhiều người đem xe đến “giếng bà Bảy” lấy nước ngọt đem về bán lại kiếm lời hoặc… tưới cây cảnh, trong khi vẫn còn rất nhiều người cần nước ngọt để ăn uống, tắm giặt giữa lúc nước mặn bủa vây.

Hỏi bà Bảy Hưởn, trong lúc nước ngọt khan hiếm, giá lên đến 150.000 - 200.000 đồng/m3, sao bà không kinh doanh để cải thiện thu nhập, đời sống so với việc bán vài ba lít giấm mỗi ngày, bà lão cười hiền từ, đáp: “Tui nghĩ mình may mắn được ông Trời ban tặng cho cái giếng đầy ắp nước ngọt quanh năm, không chia sẻ ra cho bà con thì cái giếng cũng không có ích lợi, nên lúc nào bà con cần dùng thì tui đều cho lấy miễn phí, như một cách làm phước để đức cho con cháu”.

Hỏi bà Bảy có cảm thấy buồn phiền chuyện nhiều người đem xe đến lấy nước mang về bán lại kiếm tiền, sử dụng không đúng mục đích, bà lại cười: “Tui không buồn đâu chú. Thấy người ta lấy nhiều thì tui vui. Chuyện người ta làm thì người ta biết. Người ta chở nước cũng tốn chi phí, nên ai không tới lấy nước được, kêu họ chở tới nhà thì họ phải lấy tiền đề bù lại chi phí chuyên chở”.

Nhắc đến chuyện chi phí bơm nước, anh Hai Phước tâm sự: “Má tui lớn tuổi rồi, hàng ngày bán vài lít giấm thì làm sao có đủ tiền để trang trải mỗi tháng gần 1 triệu đồng tiền điện bơm nước? Trước đây cũng có nhiều nhà hảo tâm tìm đến gặp má tui, đặt vấn đề để cho họ lo toàn bộ tiền điện bơm nước, nhưng má tui cương quyết từ chối.

Càng về trưa người lấy nước ngọt càng nhiều, có người đem cả xe tải nhỏ để chở nước - Ảnh: Thanh Anh

Bởi vậy mà tui đứng ra lo liệu hết, vì tui thấy ngày càng có nhiều người đến lấy nước thì má vui, mà má tui vui là anh em tui cũng vui. Người lớn tuổi, làm được việc gì thiện phước cho mọi người thì tâm hồn thư thái vui vẻ, ít phát sinh bệnh tật, má tui như vậy đó”.

Bà Trần Thị Kim Nguyên, Chủ tịch UBND xã Phú Hưng, xác nhận chiếc giếng của gia đình bà Bảy Hưởn có nước ngọt quanh năm. Trong mùa khô hạn, xâm nhập mặn khốc liệt năm 2016 giếng nước ngọt của gia đình bà Bảy Hưởn đã giúp đỡ rất nhiều người vượt qua được tình cảnh khó khăn vì hạn, mặn bủa vây. Mùa khô hạn, xâm nhập mặn năm nay, gia đình bà Bảy Hưởn lại tiếp tục cung cấp nước ngọt miễn phí cho người dân có nhu cầu, mọi người ai cũng cảm kích.

Ông Trần Ngọc Tam, Phó bí thư Thường trực tỉnh ủy Bến Tre, vừa dẫn đầu đoàn công tác đến tận nhà cụ Huởn, để trao thư khen của Ban Thường vụ tỉnh ủy Bến Tre cho cụ vì đã hào hiệp chia sẻ nguồn nước ngọt của gia đình cho cư dân nghèo trong nhiều đợt xâm nhập mặn gay gắt nhất.

Thanh Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bến Tre: Cụ bà phân phát nước ngọt miễn phí giữa mùa hạn mặn khốc liệt