Thời gian gần đây, trên trang mạng xã hội Facebook công khai rao bán tiền giả, với mức chênh lệch rất cao. Chính điều này đã khiến cho nhiều người hám lợi, lười lao động đã sập bẫy lừa tinh vi của một số đối tượng xấu.

Nếm trái đắng khi mua tiền giả qua mạng xã hội

01/03/2020, 09:27

Thời gian gần đây, trên trang mạng xã hội Facebook công khai rao bán tiền giả, với mức chênh lệch rất cao. Chính điều này đã khiến cho nhiều người hám lợi, lười lao động đã sập bẫy lừa tinh vi của một số đối tượng xấu.

Nhắn tin mồi chài khách mua tiền giả - Ảnh: Trần Quốc

Với những lời rao bán có cánh, hấp dẫn như, đảm bảo uy tín, chất lượng, giống tiền thật đến 99%, giao hàng thanh toán trực tiếp... nên khi nghe những lời rao bán này, nhiều người đã hoa mắt, tưởng thật và đã sập bẫy của các đối tượng. Họ đã làm theo những hướng dẫn của các đối tượng này và hậu quả là tiền mất, tật mang cũng chẳng biết than thở với ai.

Tiền mất tật mang vì lòng tham

Chia sẻ với PV, anh K. - 1 nạn nhân của những kẻ mua bán tiền giả trên mạng xã hội Facebook, cư trú tại TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, thẳng thừng: “Lừa đảo đó. Nếu anh tin mà làm theo lời hướng dẫn của bọn chúng, thì tôi chắc chắn rằng, tiền của anh sẽ mất mà anh chẳng có thứ gì từ bọn nó đâu. Tôi cũng từng là nạn nhân đây này .

Theo anh K., hơn 3 năm trước, khi đó anh vừa mới tốt nghiệp đại học, nên chưa tìm được việc làm. Một hôm, anh thấy trên mạng xã hội Facebook có khá nhiều tài khoản cá nhân rao bán tiền giả với giá khá “hời”. Lòng tham trong anh K. trỗi dậy...

Sau thời gian tìm hiểu, anh K. đã liên hệ với người bán và đặt mua tiền giả với tỉ giá quy đổi 2 triệu đồng tiền thật bằng 20 triệu đồng tiền giả. Cuối cùng, thứ mà anh K. nhận được không phải là tiền giả như cam kết, mà đó là 1 chiếc ví da rẻ tiền.

Thông tin tiền giả được Nguyễn Thị Trúc đăng tải trên nhóm bán hàng Chợ Cà Mau - Ảnh: Trần Quốc

Anh K. kể: “Hồi đó, bọn chúng giao dịch qua bưu điện, thấy chúng ngọt ngào, cam kết uy tín tôi cũng tin theo. Khi ra bưu điện, thì thấy gói hàng bọn nó gửi kỹ lưỡng, to bự nên tôi tưởng vô mánh rồi, nhưng không dám kiểm tại chỗ. Ai ngờ vừa bước ra khỏi bưu điện, tôi tháo gỡ gói hàng thì bên trong không có tiền mà đó là 1 chiếc ví da.

Sau đó, tôi gọi điện vào số điện thoại mà trước đó chúng nó liên lạc với tôi thì thuê bao không liên lạc được. Vào Facebook thì nó đã hủy kết bạn và chặn tài khoản của mình rồi. Lúc đó, tôi mới hay mình đã bị lừa, nhưng đành im lặng chứ đâu dám trình báo công an đâu”.

Theo chỉ dẫn của anh K., thật không quá khó để PV tìm thấy 1 tài khoản rao bán tiền giả trên mạng xã hội Facebook. Chỉ cần click chuột vào nơi tìm kiếm và gõ dòng chữ “tiền giả” là hàng loạt cái tên như: Tuấn tiền giả, Tiền giả Cà Mau, Trao đổi tiền giả, Cường tiền giả... hiện ra, tha hồ lựa chọn. Chúng mồi chài những người hám lợi bằng phương châm làm việc là uy tín, kín đáo, tạo nên thương hiệu và giao dịch dễ dàng.

Với tỉ giá quy đổi 1 triệu tiền thật đổi 12 triệu tiền giả, 2 triệu tiền thật đổi 24 triệu tiền giả, 3 triệu tiền thật đổi 36 triệu tiền giả... kèm theo lời cam kết làm nhiều người “hoa mắt” như hàng đẹp, chuẩn 99% và nguồn gốc được chúng giới thiệu nhập từ Thái Lan.

Tài khoản Nguyễn Thị Trúc đăng thông tin rao bán tiền giả trong nhóm bán hàng Chợ Cà Mau: “Về lại đầy đủ mệnh giá cho mọi người dễ xài tiêu dùng hoặc trả nợ sau tết ạ. Shop buôn bán uy tín, giao hàng toàn quốc 100%.

Hàng đảm bảo chất lượng, polyme như thật, kích thước chuẩn, không hôi mùi mực, không nhòe mờ màu và không bị nhàu nát. Khó phát hiện, an toàn sử dụng vào việc ăn chơi, mua sắm quần áo các thứ, ở các nơi. Lưu ý, khách hàng khi sử dụng, vui lòng tránh nơi có máy soi, máy đếm tiền, cây ATM và ngân hàng để đảm bảo an toàn trong việc sử dụng nha”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều người khi nhắn tin, gọi điện thoại đặt mua hoặc bình luận trực tiếp vào dòng trạng thái của kẻ bán tiền giả và sau khi gửi mã số thẻ cào điện thoại, chuyển tiền theo yêu cầu của những người này thì chẳng thấy người bán hồi âm. Chẳng những vậy, chúng còn hủy luôn kết bạn với người mua hàng ngay sau đó.

Thậm chí, có trang cá nhân, các kẻ lừa đảo còn sử dụng tài khoản khác để viết lên tường với lời khen người bán hàng uy tín, giao hàng chất lượng nhằm mục đích “mồi chài” những người nhẹ dạ, cả tin. Và thông thường những kẻ mua bán tiền giả đưa ra yêu cầu với người mua là phải gửi mã số thẻ cào điện thoại để đặt cọc trước khi hoàn tất thủ tục, giao nhận hàng, nhưng sau đó mọi liên lạc với chúng đều bị cắt đứt.

Trong vai người cần mua tiền giả, chúng tôi đã nhắn tin vào Messenger của tài khoản Nguyễn Thị Trúc để hỏi mua tiền giả. Ngay sau đó, người này hỏi chúng tôi cần mua bao nhiêu. Khi đó, PV nói muốn mua 3 triệu đồng tiền thật. Lúc này, Trúc đưa ra tỉ giá quy đổi là 36 triệu đồng tiền giả. Nói về cách thức thanh toán, Trúc bảo, do đây là giao dịch lần đầu nên bên thị sẽ giao hàng đến địa chỉ của PV và thanh toán bằng thẻ cào điện thoại mạng Viettel.

PV tiếp tục hỏi khi nào thì có hàng, thì Trúc bảo sẽ giao hàng trong ngày và khách được quyền kiểm tra hàng trước khi thanh toán. Tiếp tục cuộc trò chuyện, PV thắc mắc, mình ở tận Cà Mau mà cũng giao hàng trong ngày được luôn sao? Trúc trả lời, là bên thị cũng ở Cà Mau.

Để làm tin, Trúc đã gửi cho PV hàng loạt thông tin đã giao dịch thành công - Ảnh: Trần Quốc

Chúng tôi ngỏ ý đặt hàng thì Trúc bảo phải đặt cọc trước rồi mới chuyển hàng. PV vờ ngơ ngác hỏi ngược lại, tại sao bảo giao hàng rồi thanh toán, thì Trúc chống chế rằng bản thân thị bảo là thanh toán bằng thẻ cào. Cụ thể, thị yêu cầu PV đặt cọc trước cho thị 500.000 đồng bằng thẻ cào Viettel.

Cùng với đó, thị trấn an PV rằng tiền giống thật và an tâm tiêu tiền mà không sợ bị phát hiện. Cuối cùng, PV hỏi thẳng, thế nhỡ mình đặt cọc rồi, bên Trúc không giao hàng thì mình biết tìm ai? Lúc này, Trúc đã gửi cho PV hàng loạt những hình ảnh, tin nhắn là đã giao dịch thành công, khách hàng cảm ơn và hứa sẽ tiếp tục mua hàng tiếp với bên Trúc, nhằm trấn an bảo PV an tâm và đảm bảo có hàng.

Sau đó, ngừng một khoảng thời gian khá lâu, đến khoảng 21 giờ tối, PV có hỏi thời gian này có giao hàng được không? Tuy nhiên, đến 23 giờ 33 phút 3 ngày sau, thì Trúc nhắn tin bảo vẫn giao được hàng nhưng chúng tôi không trả lời.

Sau đó, Trúc lại nhắn tin hỏi PV có mua hàng không, thì chúng tôi bảo Trúc cho địa chỉ rõ ràng để PV đến nhận hàng luôn, nhưng đã bị Trúc khước từ. Và sau đó, là hàng loạt tin nhắn hối thúc PV đặt cọc để bên thị giao hàng, nhưng PV không trả lời. Cuối cùng, chúng tôi có nói rằng, hiện tại chúng tôi không có ở Cà Mau, khi nào về sẽ liên hệ lại, thì Trúc mới ngưng nhắn tin.

Bị khởi tố vì… rao bán tiền giả trên mạng xã hội

Theo lời anh K., cư trú ở TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, khi đã sập bẫy lừa một lần của nhóm mua bán tiền giả trên mạng xã hội, thì anh này đã có kinh nghiệm. Một lần sau đó, anh K. khó khăn về tài chính và cũng muốn thử vận may mua tiền giả một lần nữa xem sao. Khi anh K. nhắn tin trò chuyện, thì những kẻ lừa đảo nắm bắt được tâm lý cần tiền của anh K. nên cam kết giao hàng nhanh gọn. Đồng thời, bọn chúng cũng không quên yêu cầu anh này mua sẵn thẻ cào điện thoại.

“Tôi mới điện thoại ngỏ ý mua hàng, thì tầm 10 phút sau có người gọi lại mình ngay, giọng điệu ngọt lắm. Mình bất ngờ thắc mắc tại sao giao hàng nhanh vậy, thì bọn buôn tiền giả trấn an bằng cách chúng có đội ngũ giao hàng ở 63 tỉnh, thành. Chúng bảo cho mình xem hàng mới thanh toán, nhưng khi chưa thấy mặt người giao hàng thì chúng liên tục thúc giục mình cung cấp số seri trên thẻ cào điện thoại gọi là để làm tin.

Tuy nhiên, khi tôi thử hỏi địa chỉ cụ thể thì đối tượng lập lờ quanh co, khi tôi không đồng ý cung cấp nếu như chưa nhận được hàng. Bị từ chối, đối tượng liên tục chửi thề, rồi lăng mạ tôi đủ điều rồi tắt điện thoại luôn. Do đã có kinh nghiệm từ lần trước nên tôi không dễ dính bẫy chúng nó lần nữa”, anh K. kể lại sự việc.

Trước đó, khoảng cuối tháng 2.2018, Công an tỉnh Sóc Trăng đã bắt tạm giam và ra quyết định khởi tố đối tượng Ông Nhựt Trường (25 tuổi, ngụ TP.Sóc Trăng) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, do thấy Trường đăng thông tin rao bán tiền giả lên mạng xã hội Facebook với lời mời chào hấp dẫn “đổi 1 triệu tiền thật lấy 12 triệu đồng tiền giả”, nhiều người hám lợi, bị hoa mắt nhắn tin liên hệ với gã này để mua hàng và mù quáng làm theo hướng dẫn nên đã bị sập bẫy.

Theo cơ quan điều tra, Trường sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Facebook để rao đổi tiền giả mệnh giá từ 50.000 - 500.000 đồng. Người đổi chỉ cần bỏ ra 1 triệu đồng tiền thật sẽ có được 12 triệu đồng tiền giả. Từ tháng 6.2017 lúc bị bắt, Trường đã liên hệ thỏa thuận giao dịch qua đường bưu điện với hàng chục khách hàng ở các tỉnh miền Tây để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của những người cả tin, hám lợi để tiêu xài cá nhân.

Chỉ cần vào tìm kiếm gõ dòng chữ tiền giả là hàng loạt cái tên hiện ra - Ảnh: Trần Quốc

Do không có tiền giả để giao cho khách nên khi nhận được tiền thật từ người mua, Trường đã đóng gói khăn giấy ướt gửi lại cho khách qua đường bưu điện, chiếm đoạt hàng chục triệu đồng.

Một chiến sĩ công an ở Cà Mau cho biết: “Hành vi mua bán, sử dụng tiền giả là vi phạm pháp luật, vì liên quan đến an ninh của quốc gia. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân mua bán tiền giả hoặc thông tin rao bán trên mạng xã hội thì người dân nên trình báo ngay cho cơ quan công an để điều tra, xử lý theo luật định. Người dân tuyệt đối không nên mua bán, giao dịch với những đối tượng này, vì đó là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị phạt rất nặng”.

Điều 180, Bộ Luật Hình sự 1999 quy định, hành vi mua bán tiền giả, không phân biệt giá trị lớn nhỏ, đều có thể bị xử lý hình sự về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả. Tùy theo số tiền, mức phạt có thể lên tới hình phạt tù là chung thân.

Và nhiều người thắc mắc, khi xảy ra dịch viêm phổi do Coronavirus gây ra, chỉ cần người dân đưa tin giả về dịch bệnh trên mạng xã hội, thì cơ quan chức năng rất nhanh chóng lần ra ngay và xử phạt, cảnh cáo. Trong khi đó, mua bán tiền giả là vi phạm pháp luật rõ ràng, nhưng nhiều kẻ vẫn ung dung rao bán, “tồn tại” rất lâu trên mạng xã hội mà không bị xử lý.

Trần Quốc

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
một giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nếm trái đắng khi mua tiền giả qua mạng xã hội