Nhiều người dân rất bức xúc khi cơ sở giết mổ gia súc xả thải khiến nước thối theo mương rạch chảy vào vườn nhà dân làm chết cá nuôi, ảnh hưởng đến môi trường sống.
Theo đơn phản ánh của nhiều hộ dân ở ấp Tân Thuận, xã Tân Bình, H.Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, cơ sở giết mổ gia súc nằm trên huyện lộ 19 đoạn qua ấp Tân Thuận hoạt động từ tháng 12.2020. Thời gian đầu hoạt động cơ sở này xả nước thải xuống mương rạch, nước thải này theo dòng chảy vào những rạch nhỏ dẫn vào vườn của khoảng chục hộ dân xung quanh.
“Nước thải từ cơ sở giết mổ đen kịt, hôi thối. Cá nuôi trong rạch sau vườn nhà tôi để dành ăn nổi lên chết hơn cả trăm con. Công an ở ấp có xuống lập biên bản hẳn hoi nhưng tới giờ cả tháng trời không ai giải quyết”, một hộ dân bức xúc nói.
Chị H.V.Đ., người dân sống cạnh cơ sở giết mổ gia súc này cho biết khoảng 8 giờ tối công nhân bắt đầu làm việc cho đến rạng sáng hôm sau. “Tôi không nghe tiếng gia súc kêu nhưng tiếng ồn và tiếng công nhân nói rất lớn”, chị Đ. cho hay.
Theo ghi nhận của PV, cơ sở giết mổ gia súc này có hệ thống xả thải và trực tiếp thải xuống con rạch ở phía sau. Từ con rạch này, nước thải chảy theo những rạch nhỏ dẫn vào vườn nhà dân gây ảnh hưởng đến môi trường sống. Khoảng 10 hộ dân đã có đơn trình bày, phản ánh vấn đề này, UBND xã Tân Bình yêu cầu giải quyết nhưng chủ cơ sở không hợp tác. Trong tình hình hạn mặn sắp đến lúc cao điểm, nhu cầu nguồn nước của người dân nơi đây càng bức thiết.
Theo tìm hiểu của PV, cơ sở này chủ yếu giết mổ bò và trâu, đăng ký chủ cơ sở là bà Chu Thị Kim Yến, ngụ TP.HCM. Số trâu bò sau khi mổ xong phần lớn được đưa về TP.HCM tiêu thụ. Theo ông Lê Văn Tâm - Chủ tịch UBND xã Tân Bình, cơ sở giết mổ gia súc lúc trước nằm vị trí khác, cách nơi hiện tại khoảng vài trăm mét và đã hoạt động hơn 10 năm qua.
“Khi vận hành ở vị trí mới, cơ sở này cũng có đủ giấy phép rồi. Do nước thải hơi nhiều nên có tràn ra bên ngoài. Một phần do xã đóng cống để ngăn mặn thời gian qua nên có ảnh hưởng. Khi mình đóng hai cống trong thời gian dài thì nước sẽ ứ lại, cộng thêm cơ sở này xả thải nên ảnh hưởng hơn”, ông Tâm nói.
Ông Tâm cũng cho biết thêm, cơ sở lúc trước đăng ký giết mổ 10 con gia súc/ngày đêm. Nhưng số lượng thực tế có thể thay đổi tùy theo nhu cầu. Khi còn ở vị trí cũ, cơ sở này từng bị xử phạt hành chính vì xả thải ra môi trường. Liên quan đến đơn phản ánh của người dân ấp Tân Thuận, ông Tâm cho biết đã cho cán bộ môi trường của xã đến kiểm tra và sẽ có hướng xử lý.
Với cách lý giải của ông Tâm, một phần nguyên nhân ô nhiễm là việc đóng cống ngăn mặn, tuy nhiên người dân địa phương không đồng tình. Một hộ dân cho biết, trước khi đóng cống, cơ sở này đã xả thải gây ô nhiễm môi trường. “Nếu nguyên nhân là đóng cống thì phải ảnh hưởng trên diện rộng, tại sao chỉ có những hộ dân xung quanh cơ sở này bị nước thải ảnh hưởng?”, một hộ dân đặt vấn đề.
Ngoài ra sau khi người dân ở ấp Tân Thuận có đơn khiếu nại, có người đã phát hiện vào thời điểm mờ sáng, cơ sở này dùng xe bồn chứa nước thải chở đến con rạch cặp cơ sở cũ để bơm nước thải xuống. Trên cầu bắc qua con rạch, vết máu gia súc trong nước thải còn vương vãi trên thành cầu. Trước tình hình hạn mặn đang vào lúc cao điểm, người dân ấp Tân Thuận, xã Tân Bình mong muốn chính quyền, ngành chức năng vào cuộc xử lý sự vi phạm của cơ sở giết mổ gia súc nói trên để bảo vệ nguồn nước quý giá trong mùa khô và môi trường sống.