Hiện nay, người trồng dừa ở Bến Tre có cuộc sống khó khăn do một thời gian dài trái dừa rớt giá. Đặc biệt mô hình trồng dừa hữu cơ (dừa sạch) là hướng đi tất yếu nhưng đang gặp trở ngại trong khâu liên kết sản xuất và tiêu thụ.

Bến Tre: Doanh nghiệp mua dừa hữu cơ nợ đọng, nhà vườn khốn đốn

Mỹ Tho - VKK | 14/04/2023, 11:12

Hiện nay, người trồng dừa ở Bến Tre có cuộc sống khó khăn do một thời gian dài trái dừa rớt giá. Đặc biệt mô hình trồng dừa hữu cơ (dừa sạch) là hướng đi tất yếu nhưng đang gặp trở ngại trong khâu liên kết sản xuất và tiêu thụ.

Một số vùng nông thôn ở tỉnh Bến Tre xảy ra tình trạng doanh nghiệp "nợ" tiền lâu ngày khiến nhà vườn khốn đốn. Định Thủy là một trong số địa phương có mô hình trồng cây dừa thương phẩm lớn nhất ở tỉnh Bến Tre. Toàn xã có 1.121ha vườn dừa, gắn liền với đời sống hơn 80% hộ dân địa phương.

dua-1.jpg
Nơi thu mua dừa hữu cơ ở xã Định Thủy - Ảnh: Mỹ Tho

Thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng dừa, Định Thủy đã vận động nhà vườn trồng được khoảng 200ha vườn dừa hữu cơ của 250 hộ dân có liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm đầu ra với HTX nông nghiệp Định Thủy và các doanh nghiệp kinh doanh dừa. Gần đây, nhà vườn địa phương phấn khởi khi dừa hữu cơ được Công ty TNHH một thành viên Dừa Lương Quới (huyện Giồng Trôm) thu mua với giá từ 65.000 - 70.000 đồng/chục (12 trái), cao hơn giá dừa thường từ 8.000 - 10.000 đồng/chục.

Tuy nhiên, qua hơn 2 tháng mua dừa hữu cơ, phía doanh nghiệp Dừa Lương Quới chưa chuyển tiền cho HTX Nông nghiệp Định Thủy để trả cho nhà vườn theo hợp đồng. Hiện nay, do cần vốn tái sản xuất và trang trải cuộc sống, nhiều nhà vườn đành phải bán dừa hữu cơ cho thương lái bên ngoài dù giá thấp hơn giá theo mô hình liên kết.

dua-2.jpg
Một cơ sở thu mua sơ chế dừa ở xã Định Thủy - Ảnh: Mỹ Tho

Ông Nguyễn Văn Rồi - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Định Thủy cho biết việc doanh nghiệp nợ tiền mua dừa cần được giải quyết sớm để tránh ảnh hưởng đến chủ trương phát triển mô hình này trong thời gian tới.

“Hiện nay, chúng tôi đang phát triển mạnh mô hình dừa hữu cơ, nhưng đang gặp khó khăn về giá cả và việc thanh toán tiền hàng. Chúng tôi có HTX Nông nghiệp Định Thủy thu mua dừa hữu cơ của bà con. HTX Nông nghiệp Định Thủy bán chịu cho doanh nghiệp nên không có tiền trả cho bà con nông dân. Chính vì vậy nhà vườn có xu hướng bán ra bên ngoài, không bán cho HTX nữa. Những cơ sở, hộ mua nào trả tiền nhanh, giá cao thì bà con bán”, ông Rồi nói.

dua-6.jpg
Một vườn dừa canh tác hữu cơ - Ảnh: M.T

Theo Ban điều hành HTX Nông nghiệp Định Thủy, chỉ riêng Công ty TNHH Dừa Lương Quới hiện nay chậm trả tiền mua dừa hữu cơ khoảng 1,5 tỉ đồng, có hộ bị nợ từ 5 - 7 triệu đồng, có hộ trên chục triệu đồng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính sau dịch COVID-19 và do ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế khó khăn. Đối với các nhà vườn có nguồn lực khá đã tích lũy vốn thì khoản nợ này không ảnh hưởng nhiều, nhưng đối với các hộ ít đất vườn, thu nhập thấp thì gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Trung Tuấn, nhà vườn trồng 1,2ha dừa hữu cơ tại ấp Định Thái, xã Định Thủy chia sẻ: “Dừa hữu cơ mà doanh nghiệp mua trả tiền chậm là do khâu hoạt động của doanh nghiệp nên buộc mình phải chịu chung cảnh đó thôi. Những người có mô hình trồng nhỏ lẻ đã phải “bán chạy”, lý do chậm trả tiền quá, không có tiền để lo cuộc sống. Đơn vị thu mua và nhà vườn cần gắn bó với nhau, nếu chậm tiền vì lý do nào đó phải có nguồn phân bón hỗ trợ cho người dân cấp thời”.

Trước tình trạng doanh nghiệp mua dừa hữu cơ nợ nhà vườn, ngoài các bên bàn bạc để sớm trả khoản tiền này, HTX Nông nghiệp Định Thủy đang làm hồ sơ vay vốn từ ngân hàng để ứng cho nhà vườn, không để dẫn đến nguy cơ phá vỡ mô hình liên kết.

dua-7.jpg
Thu mua và sơ chế dừa hữu cơ ở xã Định Thủy - Ảnh: Mỹ Tho

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, đến nay chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ dừa hữu cơ của tỉnh đã phát triển diện tích hơn 16.000ha; trong đó diện tích đạt chứng nhận hơn 13.000ha. Mô hình này đã có nhiều doanh nghiệp đã tham gia liên kết sản xuất dừa hữu cơ gồm: Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre, Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre, Công ty cổ phần Chế biến dừa Á Châu, Công ty TNHH Thực phẩm Dừa Xanh, Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong… Toàn tỉnh có 47 tổ hợp tác và 27 hợp tác xã với quy mô hơn 6.404ha và 6.900 thành viên tham gia sản xuất dừa tiêu chuẩn hữu cơ.

Không chỉ tại xã Định Thủy mà hiện nay rất nhiều nhà vườn trồng dừa hữu cơ ở tỉnh Bến Tre khi bán sản phẩm cho doanh nghiệp bị chậm trả với số tiền nhiều tỉ đồng. Phía doanh nghiệp cho rằng sẽ sớm giải quyết khoản tiền này cho nhà vườn. Đây là vấn đề mà chính quyền và các ngành chức năng tỉnh Bến Tre cần quan tâm, tháo gỡ để nhà vườn yên tâm sản xuất dừa hữu cơ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bến Tre: Doanh nghiệp mua dừa hữu cơ nợ đọng, nhà vườn khốn đốn