Giải ngân đầu tư công quá thấp, thị trường bất động sản, xây dựng khó khăn, kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi biến động kinh tế thế giới… là một số nguyên nhân lý giải cho việc tăng trưởng quý 1/2023 của TP.HCM thấp hơn dự tính.
Tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GRDP của TP.HCM trong quý 1/2023 ước đạt khoảng 360.000 tỉ đồng. Mức tăng trưởng chỉ bằng 0,7% so cùng kỳ 2022. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, đưa TP.HCM vào danh sách 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước.
Việc tăng trưởng của TP.HCM giảm là điều đã được dự báo trước, nhưng mức giảm sâu như vậy vẫn là điều bất ngờ. Các chuyên gia cho rằng có 2 nguyên nhân chính kéo tăng trưởng kinh tế của TP.HCM xuống thấp là tăng trưởng khu vực dịch vụ (ngành chiếm 66% cơ cấu kinh tế của TP.HCM), chỉ đạt 2,07%, trong khi năm 2022, khu vực này tăng trưởng trên 8,3%. Khu vực công nghiệp và xây dựng (chiếm tỷ trọng 20% cơ cấu kinh tế của TP.HCM) giảm 3,6%.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, TS Lê Bá Chí Nhân cho rằng, việc tăng trưởng thấp hơn dự tính này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ giải ngân đầu tư công là quá thấp. TP.HCM đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là hơn 43.400 tỉ đồng nhưng thống kê đến 24.3 chỉ mới giải ngân được hơn 952 tỉ đồng, chỉ đạt 2%.
“Một trong những điểm nghẽn của vấn đề này là đền bù giải phóng mặt bằng khi giá đền bù thấp hơn giá thị trường khiến người dân không đồng thuận”, ông Nhân nêu và kỳ vọng điều này sẽ được giải quyết ở việc sửa Luật Đất đai thời gian tới.
Một nguyên nhân nữa, theo ông Nhân là biến động trên thị trường bất động sản vừa qua đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến thành phố, vì những năm gần đây bất động sản được coi là nguồn thu lớn của thành phố. Cụ thể, bất động sản giảm 16,2%, kéo theo xây dựng giảm 19,8%.
“Thị trường bất động sản đóng băng là bài học sâu sắc để thành phố nhìn nhận lại GRDP không thể phụ thuộc vào sự nóng lạnh thất thường của thị trường bất động sản được”, ông Nhân nêu.
Cũng theo ông Nhân, kinh tế Việt Nam nói chung và kinh tế TP.HCM nói riêng đều bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế thế giới. Các nước như Mỹ hay châu Âu đều tiêu thụ ít đi, do đó các đơn hàng xuất khẩu sẽ giảm về cả số lượng lẫn đơn giá. Chưa kể, các doanh nghiệp Việt Nam hiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.
TS Trần Du Lịch cũng đánh giá, nguyên nhân khách quan do ngay giai đoạn phục hồi sau đại dịch, quý 4/2022, nền kinh tế Việt Nam và TP.HCM chịu tác động tiêu cực từ các biến động tài chính bên ngoài và việc chấn chỉnh thị trường bất động sản, tài chính trong nước.
“Hai yếu tố cộng hưởng làm kinh tế cả nước cực kỳ khó khăn, trong đó TP.HCM là địa bàn tác động mạnh nhất. Tuy nhiên, đến quý 1/2023 tình hình đã dễ chịu hơn, tình hình được cải thiện và tác động tiêu cực đến nền kinh tế thành phố cũng giảm”, ông Lịch nói.
Ông Lịch cho rằng, sau đại dịch Chính phủ đề ra và TP.HCM thống nhất có 3 động lực để kéo nền kinh tế phục hồi, phát triển. Tuy nhiên cả 3 động lực này đều chưa được thành phố tận dụng.
Cụ thể, công cụ đầu tư công, trong quý 1/2023, thành phố chỉ giải ngân được 2% tổng số vốn giao (43.443 tỉ), khoảng hơn 951 tỉ đồng. Như vậy thành phố đã bỏ hoàn toàn công cụ đầu tư công để kích thích nền kinh tế.
TP.HCM cũng không sử dụng hiệu quả công cụ hấp thụ vốn cả ở đầu tư công và đầu tư tư nhân. Hiện có hàng trăm dự án tắc nghẽn, không hấp thụ được vốn. "Tôi gặp 40 nhà đầu tư, họ phản ánh nếu TP.HCM không tháo gỡ các dự án thì thành phố không có gì làm cả", ông Lịch nói thêm.
Ngoài ra, theo ông Lịch, công cụ phát triển thị trường nội địa cũng chưa được TP phát huy. Ông cho biết, qua theo dõi, chưa bao giờ ông thấy tăng trưởng tổng thu dịch vụ bán hàng của thành phố thấp hơn cả nước như quý vừa qua.
Đầu tư công đi đầu
Tại phiên họp tình hình kinh tế - xã hội quý 1 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp quý 2/2023, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết có nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh con số tăng trưởng 0,7% GRDP quý 1/2023 của TP.HCM, nhất là câu hỏi: "Điều gì đang xảy ra tại TP.HCM và TP.HCM đang gặp vấn đề gì?".
Theo ông Mãi, dù trong quý này, các sở, ban, ngành và quận huyện đã nỗ lực làm nhiều việc nhưng kết quả chưa được như mong muốn.
Nói về giải pháp, ông Mãi đề nghị các cơ quan, đơn vị phải quyết liệt hành động hơn. Theo đó, từng cơ quan hành chính, từng xã - phường - thị trấn cần rà soát lại với tinh thần trách nhiệm cao nhất; từ đó có sự tập trung đôn đốc, chỉ đạo và có biện pháp để thực hiện nhiệm vụ của sở, ngành, địa phương. Mặt khác, với khối lượng tồn đọng và nhiệm vụ phát sinh lớn, phải làm với cường độ, năng suất cao hơn và phải có sự rà soát, động viên nhau thực hiện.
Về giải pháp cho thời gian tới, ông Mãi cho biết sẽ tập trung vào "những cái đang có trong tay", trong đó đầu tư công sẽ đi đầu, tháo gỡ ngay những dự án ngoài ngân sách. Thành phố sẽ tập trung giải quyết những hồ sơ vướng mắc của doanh nghiệp, người dân.
Đánh giá công tác giải phóng mặt bằng là công việc cần ưu tiên, ông Mãi kiến nghị Thành ủy, cấp ủy các địa phương quan tâm vấn đề này.
Với nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và sản xuất, kinh doanh, ông Mãi cho biết sẽ tập trung phân nhóm 141 vướng mắc của doanh nghiệp nhà nước trong tháng 4 tới để tháo gỡ. Riêng nhóm doanh nghiệp ngoài nhà nước, các vướng mắc chính tập trung ở thủ tục đầu tư, đất đai, hoàn thuế. Thành phố cũng sẽ tập trung “rã băng” nhóm ngành bất động sản, tạo công ăn việc làm, kích thích các ngành khác.