Ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang) cho biết: “Hiện nay tỉnh chủ trương không tăng diện tích cây thanh long có mà củng cố nâng cao chất lượng trái cây này. Ngoài xuất khẩu thị trường Trung Quốc, tiêu thụ trong nước, cần đa dạng thị trường xuất khẩu thanh long.
Từ trước Tết Nguyên đán Quý Mão đến nay, đầu ra trái thanh long rất thuận lợi, giá liên tục tăng. Ở thời điểm này, thanh long ruột đỏ loại 1 giá trên 34.000 đồng/kg, loại 2 giá 28.000 đồng/kg và loại 3 giá 25.000 đồng/kg. Riêng trái thanh long ruột trắng cũng ở mức 22.000 đồng/kg. So với cùng kỳ năm ngoái, trái thanh long hiện nay tăng hơn 10.000 đồng/kg. Với mức giá ổn định như thế này, nhà vườn trồng cây thanh long có lãi gần 500 triệu đồng/ha. Ông Võ Văn Tư Em, chủ vựa thanh long tại xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo cũng cho hay: “Trái thanh long phục hồi như vầy nông dân giàu. Tôi mua thanh long đưa đi tiêu thụ ở Hà Nội, đầu ra lúc này rất thuận lợi, người trồng và người mua bán đều có lãi khá”.
Tuy nhiên, theo nhà vườn và ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, dù trái thanh long ở mức cao duy trì gần nửa năm qua nhưng chưa biết độ bền vững như thế nào? Vấn đề nâng cao chất lượng gắn với liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cần được quan tâm. Ông Lê Văn Thủy, nông dân trồng 1,8ha thanh long GobalGap tại ấp Mỹ Khương, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo bày tỏ: “Giá cả thanh long cao nông dân rất phấn khởi, có lãi. Muốn thanh long phát triển bền vững phải tổ chức lại sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Làm sao để sản phẩm của mình đủ chất lượng đi nước ngoài chứ loay hoay thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á thì khó bền vững”.
Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hoa, nhà vườn xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo đang mót vét cắt từng trái thanh long còn lại để bán. Dù trái thanh long loại 2 nhưng thương lái mua với giá 28.000 đồng/kg. Bà Hoa cho biết: "Thanh long tôi trồng đã mấy năm rồi, vào mùa nghịch áp dụng biện pháp “xông đèn” trái cũng được, thương lái mua giá hơn 20.000 đồng/kg".
Tại xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo có HTX Mỹ Tịnh An đã duy trì liên kết sản xuất với nhà vườn theo mô hình GLOBAL để xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Giá thanh long HTX thu mua luôn cao hơn giá thị trường khoảng 2.000 đồng/kg. Nhà vườn theo mô hình liên kết này ổn định đầu ra.
Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Mỹ Tịnh An cho biết, cùng với xã Quơn Long thì Mỹ Tịnh An là địa phương có mô hình trồng cây thanh long thương phẩm sớm nhất ở Tiền Giang. Toàn xã có 47ha cây thanh long; trong đó có khoảng 50% vườn đang cho thu hoạch bán giá cao. Cây thanh long địa phương cố gắng duy trì theo hướng nâng cao chất lượng để giúp người dân đổi đời: “Mô hình liên kết giữa các thành viên và HTX vẫn duy trì. Diện tích VietGAP cũng mình khoảng 30% để cung cấp sản phẩm sạch cho HTX”, ông Nguyễn Văn Nam cho biết.
Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có gần 10.000ha thanh long; trồng nhiều nhất ở huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Tân Phước, Gò Công Đông… cho sản hàng năm trên 236.000 tấn. Cùng với sầu riêng, mít thì trái thanh long cũng là loại trái cây đang cho hiệu quả kinh tế cao nhất do thị trường Trung quốc hút hàng. Tuy nhiên ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang không khuyến khích người dân ồ ạt mở rộng diện tích mà chỉ cải tạo lại vườn cây đúng quy chuẩn, chú trọng các mô hình sản xuất sạch đáp ứng nhu cầu xuất khẩu ra các nước trên thế giới.