Ngày 23.7 ông Phạm Thanh Nam, Bí thư Đảng ủy xã Châu Bình cho biết: "Những ngày giữa tháng 7 này, tỉnh Bến Tre đã nỗ lực tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ để sớm đưa vào nghĩa trang liệt sĩ làm lễ cải táng”.

Bến Tre: Sớm đưa hơn 120 hài cốt liệt sĩ về cải táng tại nghĩa trang liệt sĩ

Mỹ Tho | 23/07/2023, 17:20

Ngày 23.7 ông Phạm Thanh Nam, Bí thư Đảng ủy xã Châu Bình cho biết: "Những ngày giữa tháng 7 này, tỉnh Bến Tre đã nỗ lực tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ để sớm đưa vào nghĩa trang liệt sĩ làm lễ cải táng”.

Những ngày qua, dù trời mưa to liên tục nhưng lực lượng làm công tác tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ tại khu đất vườn dừa của Đình làng xã Châu Bình quản lý (cũng là nghĩa trang tạm thời chiến tranh) không ngại khó khăn để hoàn thành việc cất bốc 121 bộ hài cốt liệt sĩ để sớm đưa vào nghĩa trang liệt sĩ làm lễ cải táng. 

Theo phân công của Ban Chỉ đạo (BCĐ) 515 tỉnh Bến Tre, BCĐ 62 huyện Giồng Trôm với nhiều lực lượng thường xuyên có mặt nơi đây để chỉ đạo, điều hành và trực tiếp cất bốc, đưa hài cốt các liệt sĩ về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bến Tre, bao gồm: cán bộ lãnh đạo địa phương, Tỉnh đội Bến Tre, Huyện đội Giồng Trôm và các dân quân của xã Châu Bình.  

ls-2.jpg
Nghĩa trang liệt sĩ thời chiến tranh chống Mỹ - Ảnh: Mỹ Tho

Công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ chưa có thông tin danh tính, đã thất lạc hơn 60 năm qua không hề đơn giản, bởi các quan tài chôn vùi cách mặt đất từ 1,5m-2 mét; nhiều quan tài nằm dưới gốc dừa. Theo phương án làm việc của cơ quan chức năng thì việc quy tập hài cốt liệt sĩ phải trải qua nhiều công đoạn: sử dụng phương tiện cơ giới đào bới đất đến khi phát hiện quan tài thì lực lượng tìm kiếm, cất bốc bằng thủ công. Công việc này thực hiện kỹ càng, cẩn thận, không để xảy ra sai sót dù là nhỏ nhất. Sau khi thu gom xong, hài cốt sẽ được tiến hành vệ sinh, xác định chi tiết rồi bao gói chu đáo để đưa vào lọ sành chuyển về nghĩa trang liệt sĩ huyện Giồng Trôm.

Công việc quy tập hài cốt liệt sĩ này có quy mô lớn nhất tỉnh Bến Tre từ trước đến nay nên mọi cần có sự hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp xa gần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lực lượng làm nhiệm vụ. Ông Phạm Thanh Nam, Bí thư Đảng ủy xã Châu Bình (huyện Giồng Trôm) cho biết: “Công việc cất bốc hài cốt liệt sĩ khó khăn, phức tạp. Khi đi vào thực địa lấy hài cốt, anh em trong Ban chỉ đạo 515 tỉnh cũng như BCĐ 62 của huyện có sơ đồ. Nếu phát hiện hài cốt đầu tiên thì đánh dấu theo hàng lối, không để diện tích đất nào trống. Mỗi hài cốt có chiều dài khoảng 2 mét, chiều ngang 0,5 mét. Ngoài kinh phí của nhà nước thì ở đây chúng tôi vận động bà con nhân dân trên địa bàn đóng góp rất nhiều, kể cả bà con ở xa và các nhà tài trợ”.

Đến nay, công tác truy tìm, cất bốc hài cốt liệt sĩ tại xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm đã cơ bản hoàn thành. Qua gần 10 ngày khai quật, có 121 bộ hài cốt liệt sĩ đã được quy tập, gìn giữ chu đáo để tổ chức lễ cải táng tại nghĩa trang theo quy định, nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27.7 sắp tới. Các hài cốt này của bộ đội thuộc các đơn vị D6, D261 và 268 huyện Bình Đại đã hy sinh trong trận Mậu Thân 1968. 

ls-1.jpg
Những bộ hài cố liệt sĩ truy tìm ở  nghĩa trang giồng Trôm thời chiến tranh -Ảnh: Mỹ Tho

Thượng tá Ngô Văn Diễm, Phó Chủ nhiệm Chính trị - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bến Tre cho biết: “Từ cán bộ, chiến sĩ đến lực lượng dân quân tự vệ huy động làm nhiệm vụ đã phát huy tinh thần trách nhiệm, dù mưa hay nắng cũng rất nhiệt tình. Đến ngày 23.7 cơ bản đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Theo Ban Chính sách Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bến Tre, từ năm 2015 đến nay, địa phương đã quy tập được hơn 200 hài cốt liệt sĩ chưa có thông tin danh tính đưa về nghĩa trang liệt sĩ. Tại 17 nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 2.000 hài cốt liệt sĩ chưa biết tên họ, địa chỉ. Riêng số hài cốt liệt sĩ là người ở tỉnh Bến Tre chưa có thông tin danh tính đang nằm ở các nghĩa trang trong và ngoài tỉnh là 7.600 hài cốt. Do đó, việc khai quật, truy tìm hài cốt 121 liệt sĩ tại xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre là việc làm hết sức ý nghĩa, thể hiện tinh thần trách nhiệm, thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của thế hệ sau đối với sự hy sinh cao cả của các anh hùng, liệt sỹ đã nằm xuống vì sự bình yên, hòa bình, độc lập của đất nước hôm nay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bến Tre: Sớm đưa hơn 120 hài cốt liệt sĩ về cải táng tại nghĩa trang liệt sĩ