Sau khi bị Tòa án tối cao Seoul (Hàn Quốc) tuyên án 30 tháng tù vì tội hối lộ, Phó chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong phải vào nhà tù tương tự nơi ông đã ở từ 2017 đến 2018.
Việc bỏ tù nhà lãnh đạo của công ty khổng lồ công nghệ toàn cầu, doanh nhân quyền lực nhất Hàn Quốc, đi kèm với thách thức lớn hơn là đảm bảo an toàn sau khi bùng phát hơn 1.000 ca nhiễm coronavirus tại một trung tâm giam giữ khác.
Năm nay 52 tuổi, Lee Jae-yong được đưa đến Trung tâm giam giữ Seoul ở ngoại ô thủ đô hôm 18.1. Sau khi đến nơi, Lee Jae-yong sẽ được kiểm tra xem có bị nhiễm coronavirus hay không bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh chóng, một quy trình không cần phòng thí nghiệm và có thể thực hiện trong 30 phút. Một quan chức của Trung tâm giam giữ Seoul tiết lộ thông tin này với Reuters
Nếu kết quả xét nghiệm ban đầu là âm tính với COVID-19, “Thái tử Samsung” sẽ được gửi đến một phòng biệt giam để cách ly trong 2 tuần. Nếu kết quả là dương tính với COVID-19, Lee Jae-yong sẽ được chuyển đến một trung tâm điều trị.
Căn phòng đơn độc dự kiến rộng 5 mét vuông, kích thước phổ biến nhất, với nhà vệ sinh ở góc sau vách ngăn, bệ rửa và một tấm nệm trên sàn. Lee Jae-yong sẽ nhận được một xét nghiệm coronavirus khi quá trình cách ly 2 tuần kết thúc, quan chức này cho biết.
Có khoảng 700 nhân viên và 2.400 tù nhân, Trung tâm giam giữ Seoul chỉ chứng kiến một nhân viên và 4 tù nhân bị nhiễm bệnh kể từ khi đại dịch coronavirus tấn công Hàn Quốc năm ngoái.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã bị chỉ trích vì quản lý sai trường hợp mắc COVID-19 trong các tù nhân, vì 1.257 trường hợp nhiễm coronavirus đã được liên kết với các nhà tù trên toàn quốc tính đến thứ 18.1.
Bộ Tư pháp Hàn Quốc gần đây đã trả tự do cho 900 tù nhân để giải phóng không gian trong các nhà tù.
Lee Jae-yong bị giam giữ tại Trung tâm giam giữ Seoul khi bị kết tội hối lộ bạn thân của cựu Tổng thống Park Geun-hye và bị kết án 5 năm tù vào 2017. Ông được trả tự do vào năm 2018 sau khi bản án được giảm và đình chỉ do kháng cáo.
Trở thành nhà lãnh đạo được bầu cử dân chủ đầu tiên của Hàn Quốc bị phế truất vì tội danh hối lộ và lạm dụng quyền lực, bà Park Geun-hye cũng đang bị giam trong cùng nhà tù với Lee Jae-yong. Tuần trước, tòa án cấp cao nhất đã giữ nguyên mức án 20 năm tù với Park Geun-hye.
Hàn Quốc đã báo cáo 389 trường hợp nhiễm coronavirus mới tính đến 17.1, nâng tổng số của cả nước lên 72.729 trường hợp nhiễm, với 1.264 trường hợp tử vong.
Theo trang Yonhap, Tòa án tối cao Seoul hôm 18.1 đã tuyên án tù Lee Jae-yong vì tội hối lộ cựu Tổng thống Park Geun-hye và người bạn lâu năm của bà, Choi Soon-sil để giành được sự ủng hộ của chính phủ với việc chuyển giao quyền quản lý giữa cha và con họ một cách suôn sẻ tại Samsung.
Park Geun-hye sau đó bị luận tội và cách chức tổng thống vì tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực.
Có mặt tại phiên điều trần, Lee Jae-yong đã bị bắt giam ngay sau khi bản án được tuyên, chưa đầy 3 năm sau khi ông được trả tự do với án treo.
Lee Jae-yong bị buộc tội vào tháng 2.2017 vì đã đưa hối lộ trị giá 29,8 tỉ won (27,4 triệu USD) và hứa sẽ đưa nhiều hơn nữa.
Năm 2017, Lee Jae-yong bị kết án 5 năm tù vì đã cung cấp tổng cộng 8,9 tỉ won để hỗ trợ cho việc huấn luyện cưỡi ngựa của con gái
Choi Soon-sil và quyên góp cho một quỹ thể thao do gia đình Choi điều hành. Thế nhưng, Lee Jae-yong đã được trả tự do vào năm 2018 sau khi một tòa phúc thẩm tuyên án tù treo 2 năm rưỡi với ông, dựa trên số tiền hối lộ được sửa đổi là 3,6 tỉ won.
Vào tháng 8.2019, Tòa án Cấp cao đã ra phán quyết Lee Jae-yong đưa tổng cộng 8,6 tỉ won hối lộ và chuyển vụ án lên tòa phúc thẩm để xét xử lại.
Hôm 14.1, Tòa án Tối cao đã giữ nguyên án tù 20 năm với bà Park Geun-hye về các tội danh tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Choi Soon-Sil đã bị kết án 18 năm tù với các tội danh lạm dụng quyền lực, cưỡng bức và hối lộ vào tháng 6.2020.
Phán quyết hôm 18.1 đã làm tiêu tan hy vọng của những người ủng hộ Lee Jae-yong và các lãnh đạo công ty khác, những người đã yêu cầu tòa án khoan hồng với Tập đoàn Samsung, với lý do vai trò của ông trong việc giúp khắc phục những khó khăn kinh tế do đại dịch coronavirus gây ra.
Tuy nhiên, phán quyết này được hoan nghênh rộng rãi bởi các nhà hoạt động chống tham nhũng, những ai đã yêu cầu cơ quan tư pháp thể hiện sự sẵn sàng mạnh mẽ để giải quyết các mối quan hệ ấm cúng giữa ngành công nghiệp và giới tinh hoa chính trị, thường bị đổ lỗi cho việc quản trị doanh nghiệp kém của đất nước.
Ngày 30.12.2020, công tố viên Hàn Quốc đề nghị xử 9 năm tù giam với Lee Jae-yong trong phiên xét xử lại vụ án hối lộ liên quan đến cựu Tổng thống Park Geun-hye. Như vậy, mức án trên đã được giảm nhẹ.
Lee Jae-yong còn phải đối mặt với một phiên tòa riêng về nghi ngờ gian lận kế toán và thao túng giá cổ phiếu liên quan đến vụ sáp nhập năm 2015 đã giúp ông nắm quyền kiểm soát lớn hơn với Samsung Electronics.
Lee Jae-yong là người đứng đầu trên thực tế của Samsung Electronics kể từ khi cha ông (Chủ tịch Lee Kun-hee) nhập viện sau một cơn đau tim vào năm 2014.
Lee Kun-hee qua đời hôm 25.10.2020 ở tuổi 78 nhưng vị trí chủ tịch mà ông từng nắm giữ vẫn chưa được lấp đầy và sự không chắc chắn do những rắc rối pháp lý của con trai là lý do chính.
Là Phó chủ tịch Samsung Electronics từ năm 2012, Lee Jae-yong vẫn chưa tạo được dấu ấn như cha ông đã làm là xây dựng mảng kinh doanh bán dẫn, hiện mang lại một nửa lợi nhuận cho Samsung Electronics.
Một trong những trọng tâm của Lee Jae-yong là hoạt động kinh doanh chip không có đặc tính nhớ của Samsung, bao gồm sản xuất chip theo hợp đồng, kêu gọi nhân viên “tạo ra một huyền thoại khác”.
Samsung có kế hoạch đầu tư 133.000 tỉ won (121,47 tỉ USD) vào chip không có đặc tính nhớ đến năm 2030 để trở thành số 1, bao gồm cả lĩnh vực sản xuất chip theo hợp đồng, nơi 17% thị phần của họ kém xa so với 54% của hãng số 1 hiện tại là TSMC, theo TrendForce.
Xem thêm: ‘Thái tử' đi tù lần hai, Samsung có thể tụt hậu trong cuộc cạnh tranh toàn cầu