Chiều 22.6, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đã đến làm việc với các đơn vị tại TP.HCM trong việc phòng chống bệnh tay chân miệng.
Bộ Y tế trực tiếp giám sát phòng chống bệnh tay chân miệng
Tại buổi làm việc ở Trường mầm non Thành phố (P.Võ Thị Sáu, Q.3) đoàn công tác đã kiểm tra tình hình phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ.
Hiệu trưởng, bà Mai Yến Hằng cho biết dù đang thời gian nghỉ hè nhưng trường vẫn tổ chức hoạt động và có khoảng 80% trẻ tham gia học hè. Công tác phòng chống dịch bệnh cho trẻ cũng vì vậy được tăng cường chặt chẽ hơn.
Lãnh đạo Bộ Y tế đã hướng dẫn thêm công tác phòng chống bệnh cho trẻ như các kiểm soát nhiệt độ, dạy trẻ cách giữ gìn vệ sinh, rửa tay sạch sẽ. Đặc biệt, trường phải chú ý những bé có biểu hiện sốt, nổi mụn đỏ ở khu vực tay chân miệng.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc bệnh viện cho biết tình trạng bệnh tay chân miệng tăng mạnh trong 3 tuần gần đây dù thời điểm hiện tại chưa phải vào mùa cao điểm. Đặc biệt trong đó số ca diễn tiến nặng tăng gấp 2,5 lần so với những năm trước, đã có 4 ca tử vong. Những năm trước phải đến tháng 8, tháng 9 bệnh tay chân miệng mới tăng, khi trẻ bắt đầu nhập học năm học mới. Nhưng năm nay đến thời điểm này bệnh đã tăng, và có thể đạt điểm đỉnh trong thời gian tới. Bệnh cũng diễn tiến phức tạp. Điều đặc biệt, hầu hết các ca nhập viện đến từ các tỉnh lân cận, trong đó nhiều bé nhập viện khi tình trạng bệnh đã ở mức độ 3.
"Đây là bệnh theo mùa và diễn tiến nặng khá nhanh, nhiều phụ huynh chủ quan khi thấy trẻ chỉ có biểu hiện nhẹ nên không đưa đến các cơ sở y tế thăm khám, khi nhập viện trẻ đã trở nặng" - ông Hùng cho hay.
Chia sẻ về tình trạng bệnh tay chân miệng tăng mạnh ở TP.HCM, GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết TP.HCM và Bộ Y tế đã có những kịch bản cho tình hình hiện tại. Đối với thành phố, các bệnh viện, các phòng khoa đều có kế hoạch, chủ động điều trị và phối hợp với nhau. Trong trường hợp xấu, bệnh tăng nhanh vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, ông Lân cũng đề nghị các chuyên gia đầu ngành cần đóng góp ý kiến, hướng dẫn thêm cho các cơ sở y tế để phát hiện sớm các ca mắc hạn chế tình trạng bệnh trở nặng và tử vong.
Ghi nhận tình hình thực tế tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định với tình hình dịch bệnh hiện tại, thành phố cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục đến người dân. Đặc biệt, Sở Y tế phải phối hợp với Sở GD-ĐT để giáo dục, phòng bệnh cho trẻ từ trong nhà trường. Hạn chế tình trạng lây lan, phát tán các ổ bệnh trong trường học.
Trước tình hình phần lớn ca bệnh đều đến từ các tỉnh lân cận, Thứ trưởng Liên Hương cho rằng các bệnh viện, đặc biệt là 4 bệnh viện truyền nhiễm ở TP.HCM phải hỗ trợ và phối hợp với bệnh viện các địa phương để có phân tuyến khoa học, phù hợp. Ca bệnh ở mức độ nào thì nên chuyển lên tuyến trên, ca nào thì có thể điều trị được ở địa phương để tránh tình trạng quá tải. Thứ trưởng cũng cho biết Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ ngành địa phương tham gia phòng chống bệnh tay chân miệng. Các cơ sở địa phương phải chủ động phòng chống bệnh, phân luồng, phân loại bệnh nhân, hỗ trợ bệnh nhân chuyển tuyến phù hợp.
Những dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng diễn biến nặng
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do nhiều loại vi rút gây nên, đa phần trẻ mắc tay chân miệng có diễn biến nhẹ, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm như: sốc, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí dẫn đến tử vong. Hầu hết trẻ bị tay chân miệng hồi phục dần sau 7 - 10 ngày.
Trong trường hợp trẻ có 1 trong 3 triệu chứng dưới đây, cha mẹ không nên chủ quan tự theo dõi tại nhà mà cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc. 3 dấu hiệu gồm:
- Trẻ sốt cao không đáp ứng với điều trị: Trẻ sốt trên 38,5 độ kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt.
- Trẻ giật mình: Trẻ mắc tay chân miệng có biểu hiện giật mình là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Khi trẻ mắc tay chân miệng, cha mẹ nhớ chú ý để phát hiện triệu chứng này ở trẻ ngay cả khi trẻ đang chơi và quan sát xem tần xuất giật mình có tăng theo thời gian hay không.
- Trẻ quấy khóc dai dẳng, kéo dài: Trẻ quấy khóc nhiều, thậm chí quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15 - 20 phút lại dậy quấy khóc rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ chủ quan nghĩ rằng do bé có các nốt đau trong miệng nên quấy khóc nhưng thực tế đây là tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.
Bệnh tay chân miệng có thể do nhiều loại vi rút gây ra và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tổn thương ở niêm mạc miệng gây đau khiến trẻ kém ăn có thể dẫn đến hạ đường máu. Cha mẹ cần khắc phục bằng cách:
- Dùng các thuốc giảm đau, sát trùng niêm mạc miệng như nước muối 0,9%.
- Cho trẻ ăn thức ăn lỏng như cháo loãng, sữa…
- Vệ sinh da tránh bội nhiễm vi khuẩn như: Tắm cho trẻ bằng các loại nước tắm có tính sát trùng nhẹ như: nước lá chè xanh, lá chân vịt…
- Dùng dung dịch Betadin bôi các tổn thường ngoài da sau khi tắm
Hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng. Mỗi lần trẻ nhiễm bệnh chỉ tại ra kháng thể với một loại vi rút nhất định. Trẻ có thể mắc tay chân miệng trở lại nếu bị nhiễm vi rút khác thuộc nhóm Enterovirrus. Do vậy cần phòng bệnh trong cộng đồng là biện pháp tốt bảo vệ trẻ khỏi tay chân miệng.
- Nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày cả trẻ em và người lớn, đặc biệt trước khi bế ẵm trẻ, trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hay cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã cho trẻ.
- Nên ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng.
- Không mớm thức ăn cho trẻ.
- Không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, dùng chung khăn tay, vật dụng ăn uống và đồ chơi khi chưa được khử trùng.
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, mặt bàn, ghế, sàn nhà, tay vịn cầu thang… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.