Theo các nhà khoa học, béo phì, từ quan điểm về gánh nặng đối với sức khỏe, trên thực tế, là một “tấm gương phản ánh quá trình lão hóa”.
Theo Obesity Reviews, các nhà khoa học ở Đại học Concordia (Canada) đã thực hiện một nghiên cứu quy mô lớn với việc phân tích hơn 200 bài báo khoa học về bệnh béo phì và mối quan hệ với các rối loạn di truyền, nguy cơ miễn dịch suy yếu và sự phát triển của các bệnh như tiểu đường, alzheimer, ung thư, tim mạch và các bệnh khác. Điều đầu tiên mà các nhà khoa học phát hiện ngay lập tức là béo phì đẩy nhanh quá trình lão hóa.
Theo các nhà khoa học, béo phì, từ quan điểm về gánh nặng đối với sức khỏe, trên thực tế, là một “tấm gương phản ánh quá trình lão hóa”, một trong những hình thức là sự khởi phát sớm của các bệnh mạn tính, thường liên quan đến lão hóa. Vì vậy, khi bị béo phì, tuổi thọ ở nam thấp hơn 5,8 năm và ở nữ thấp hơn 7,1 tuổi so với người có cân nặng bình thường.
Trong trường hợp này, béo phì gây apoptosis (chết tế bào theo chương trình) xảy ra ở tim, gan, thận, tế bào thần kinh và võng mạc. Song song với béo phì, autophagy (quá trình tận dụng các thành phần tế bào bị hư hỏng) bị triệt tiêu. Hậu quả có thể là sự phát triển của bệnh ung thư, tiểu đường, bệnh alzheimer và các bệnh tim mạch.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng telomere bị rút ngắn ở cấp độ di truyền ở người béo phì (những trình tự lặp lại của ADN ở các đầu mút của nhiễm sắc thể giảm theo từng chu kỳ phân chia tế bào; telomere càng dài con người sẽ sống càng lâu).
Các nhà khoa học đã tính toán được rằng ở những người béo phì, telomere có thể ngắn hơn 25% so với những người có trọng lượng cơ thể bình thường. Và với béo phì, các chức năng ty thể bị rối loạn, xảy ra viêm hệ thống và miễn dịch suy yếu.
Vũ Trung Hương