Chàng thanh niên lạ mặt không phải là khách hớt tóc của ông Tám đờn kìm mà là một ký giả của của tờ Màn ảnh Sân khấu Sài Gòn, một tờ báo chuyên về viết về kịch trường, sân khấu, màn ảnh… nói chung là những gì liên quan tới thế giới giải trí và nghệ sĩ.
Nhà báo bệ vệ này xưng tên là Nguyễn Lang, thường rời tòa soạn thực hiện những chuyến tác nghiệp xa nhằm mục đích tìm kiếm, phát hiện nhân tố mới cho làng giải trí, tức những kiều nữ trẻ đẹp, có giọng hát hay, diễn xuất tốt đưa về Sài gòn đào tạo thành ca sĩ, diễn viên sân khấu, màn ảnh và viết bài “lăng xê”, giới thiệu đi hát chuyên nghiệp ở các phòng trà, vũ trường, đại nhạc hội hoặc đóng kịch, đóng phim.
Một bước tới… Sài Gòn
Nguyễn Lang cho biết anh tình cờ phát hiện ra Út Lài tan học về, chỉ mới liếc sơ cô gái, bằng con mắt nhà nghề anh khẳng định Út Lài sẽ là một nghệ sĩ “đẳng cấp” trong tương lai nếu được đào tạo trong môi trường tốt và lăng xê bài bản, mà điều này thì trong tầm tay của Nguyễn Lang. Chính vì thế nên anh ta đã chạy theo Út Lài về tận nơi cho biết nhà và xin phép gia đình cho anh ta được thực hiện tâm nguyện của một ký giả kịch trường phát hiện ra “nhân tố” cần tìm và rất may mắn đã gặp Út Lài ở xứ sở của rừng cao su bạt ngàn này.
Ông Tám đờn kìm mời Nguyễn Lang vào nhà, tiếp đãi ân cần và qua câu chuyện ông thấy có thể tin anh ký giả này được và nhận thấy đây là một dịp may, một cơ hội tốt để Út Lài vươn lên trên con đường sự nghiệp sau này, vừa để tiến thân khỏi uổng phí tài năng, vừa góp phần phụ giúp gia đình. Biết đầu nhờ cô gái rượu trở thành ca sĩ mà gia đình sẽ đồi đời? Sau khi bàn với vợ và thăm dò ý kiến Út Lài, mọi việc đều thuận lợi, Riêng Út Lài lại tỏ ý vui mừng vì được về Sài Gòn một nơi mà cô gái đồng nội này chỉ nghe nói chứ chưa từng đặt chân tới nên rất háo hức. Đồng thời cô Út cũng muốn ra khỏi cái tiệm hớt tóc nghèo ở góc chợ Hớn Quản điều hiu, quanh năm chỉ thấy mưa lầy, nắng bụi đỏ trời.
Nguyễn Lang đưa Út Lài về Sài Gòn cho học thêm văn hóa và gửi học nhạc lý với nhạc sĩ Minh Kỳ trong thời gian 3 tháng. Mọi chi phí, Nguyễn Lang đài thọ hết Nhờ tư chất thông minh và năng khiếu bẩm sinh kết hợp với giọng ca thiên phú, chỉ sau 3 tháng được nhạc sĩ Minh Kỳ tận tình chỉ dạy, rèn dũa nhạc lý và luyện thanh, Út Lài đã vượt trội hơn các cô học trò khác của nhạc sĩ Minh Kỳ khiến ông thầy nổi tiếng khó tánh này cũng phải khen ngợi và lấy làm hài lòng khi có một cô học trò đầy tiềm năng xuất thân từ lò đào tạo của mình.
Riêng Nguyễn Lang, anh rất vui mừng vì không chọn lầm người. Nhưng công việc trước tiên là phải đặt cho Út Lài một nghệ danh để đi hát. Sau khi vắt óc tìm ra một loạt nghệ danh, cuối cùng Nguyễn Lang chỉ ưng ý với tên Minh Hiếu. Minh là sáng, Hiếu là hiếu thảo, Út Lài từng tâm sự là nhà cô quá nghèo, đông miệng ăn, bao năm qua chỉ trông cậy vào tiệm hớt tóc của ba cô nên cuộc sống rất khó khăn, vất vả. Cô chấp nhận xuống Sài Gòn đi hát là vì sở thích, tâm nguyện, ước mơ sẽ trở thành ca sĩ trong đó cũng còn một nguyên nhân khác, muốn kiếm tiền phụ giúp gia đình. Do đó cái tên Minh Hiếu rất phù hợp với Út Lài. Và quả nhiên cô rất thích.
Út Lài trở thành danh ca Minh Hiếu
Với tài tháo vát của Nguyễn Lang, vừa lo nơi ăn chốn ở cho cô gái, vừa lên kế hoạch lăng xê, viết bài, đăng ảnh trên báo nhà và các báo của “chiến hữu" liên tục tạo bệ phóng để đẩy cô ca sĩ mới toanh Minh Hiếu lên nấc thang danh vọng. Đồng thời qua mối quan hệ rộng, Nguyễn Lang cũng giới thiệu Minh Hiếu đi hát cho phòng trà Tiếng Tơ Đồng, một phòng trà lớn, nổi tiếng ờ Sài Gòn nằm trên đường Yên Đỗ Q3 thủa đó. Các ca sĩ Sài Gòn trước năm 1975 đi hát vũ trường, phòng trà là coi như đi làm việc thường xuyên, đêm nào cũng hát, thường là hát 2 bài, nếu có khách yêu cầu thì hát thêm 1 bài chứ không thể nhiều hơn vì còn dành thời gian cho ca sĩ hát sau. Và ca sĩ không nhận tiền cát xê từng đêm mà lãnh lương tháng theo kiểu khoán gọn trọn gói tùy theo danh phận ca sĩ hát lót, hát chính hay ca sĩ hàng “sao” mà hưởng mức lương khác nhau. Minh Hiếu là ca sĩ mới nhưng ngay khi vào phòng trà Tiếng Tơ Đồng đã được hát chính với mức lương của ca sĩ hàng “sao”, những 14.000 đồng/tháng trong khi vàng có vài ngàn đồng/lượng. Nếu một đêm chạy 3-5 show thì ca sĩ không giàu mới lạ.
Tại phòng trà Tiếng Tơ Đồng, tên tuổi Minh Hiếu nhanh chóng tỏa sáng do cô có chất giọng rất đặc biệt, khàn và nghe như bị rè nhưng đây là chất giọng “không đụng hàng” cực hiếm. Minh Hiếu lên được tông cao cũng như xuống được tông cực trầm mà không méo tiếng, vẫn ngọt ngào thu hút, như rót mật. Minh Hiếu được thầy Minh Kỳ và ký giả Nguyễn Lang chọn cho bài tủ, phù hợp với chất giọng u buồn của cô, đó là bài “Ngăn Cách” của Y Vân. Và cô đã nổi tiếng ngay từ bài này. Đúng hơn, Minh Hiếu hát bài này như ru hồn người nghe vì không chỉ phù hợp với chất giọng của cô mà còn do bài hát gợi cho Minh Hiếu tâm trạng của người trong cuộc khi nhớ về mối tình đầu của mình đã bị “ngăn cách” với chàng trai Văn An ở góc đồn điền cao su Hớn Quản thủa nào.
Ở phòng trà Tiếng Tơ đồng, với chất giọng đặc biệt, hiếm có, Minh Hiếu nhanh chóng trở thành một hiện tượng lạ trong thế giới ca nhạc phòng trà vào thập niên 1950-1960. Nổi tiếng và có tiền là chuyện đương nhiên, nhưng Minh Hiếu lại không biết đi xe máy, cô thuê được căn nhà một lầu bề thế, đầy đủ tiện nghi nằm trong con hẻm rộng đường Trần Quý Cáp (Võ Văn Tần bây giờ) để ở riêng đi hát. Mỗi đêm từ nhà đến vũ trường, phòng trà Minh Hiếu đều đi taxi, hoặc xích lô đạp. Còn lúc về, tất nhiên được nhiều cây si tình nguyện chở bằng ô tô sang trọng. Trong số đó không thiếu những quan chức chính quyền, các sĩ quan quân đội chế độ cũ.
(còn tiếp)
Từ Kế Tường