Các nhà khảo cổ Lào và Úc mới đây đã giải mã được bí ẩn liên quan tới những cái chum đá bí ẩn nằm rải rác trong Cánh Đồng Chum tại tỉnh Xiêng Khoảng của Lào: đó là tập tục mai táng của người xưa.
Các nhà khoa học và du khách đến thăm Cánh đồng Chum bao giờ cũng đặt câu hỏi: ai, và vì sao, đã đặt những cái chum đá lớn này tại đây? Những cuộc khai quật do chính phủ Lào và các nhà khoa học Úc tiến hành vào tháng 2 vừa qua, một phần trong một dự án kéo dài 5 năm - một nỗ lực lớn nhất từ những năm 1930 trở lại đây - nhằm giải mã bí ẩn lâu đời này, đã góp phần làm sáng tỏ mục đích của sự có mặt của hàng ngàn cái chum đá nằm rải rác trên diện tích hàng trăm ki lô mét ở tỉnh miền trung Lào này.
Người ta tin rằng những cái chum này đã có mặt ở đây từ 2.000 năm trước. Đây không phải là lần đầu tiên người ta tìm thấy những bộ phận thi thể người chết ở đây, nhưng nay, theo tiến sĩ Dougald O'Reilly của khoa Khảo cổ trường Đại học Quốc gia Úc, các nhà khoa học đã phát hiện ra 3 hình thức mai táng cổ xưa: 1) chôn xương trong những cái hố rồi chèn những tảng đá vôi phía trên; 2) đặt xương trong những cái bình bằng sứ và 3) chôn một thi hài riêng trong một ngôi mộ.
Ts O’Reilly nói với hãng BBC, “không có gì nghi ngờ rằng những cái chum này liên quan đến nghi thức mai táng. Không có dấu hiệu có người ở chung quanh những cái chum bằng đá này”.
Theo ông, có khả năng những chiếc chum này được dùng để đựng các thi hài cho tới lúc chúng bị phân hủy, sau đó người ta lấy xương đi chôn cất. Tuy nhiên, ông cho rằng rất khó để khẳng định chắc chắn điều này vì chỉ mới ở giai đoạn đầu nghiên cứu.
Các nhà nghiên cứu dự định sẽ quay lại đây năm sau để khai quật một khu vực trong rừng. Ts O’Reilly cho biết ông có trực giác rằng sẽ gặp lại những hình thức mai táng như đã vừa qua.
Được biết, Cánh Đồng Chum ít được nghiên cứu trong những thập kỷ qua là do trong vùng còn nhiều bom mìn chưa nổ còn sót lại từ thời chiến tranh.
Lào đang muốn UNESCO công nhận Cánh đồng Chum là di sản thế giới.
P.V. (Theo BBC)