Bạn có thể đã nhiều lần chiêm ngưỡng tượng Nữ thần Tự do ở đâu đó nhưng có bao giờ tự hỏi do đâu bức tượng này có chiếc áo choàng khá lạ…

Bí ẩn đằng sau chiếc áo choàng của Nữ thần Tự do – biểu tượng nước Mỹ

Bùi Tú | 04/02/2022, 10:11

Bạn có thể đã nhiều lần chiêm ngưỡng tượng Nữ thần Tự do ở đâu đó nhưng có bao giờ tự hỏi do đâu bức tượng này có chiếc áo choàng khá lạ…

Hãy thử tưởng tượng vào đầu thế kỷ 20, khi hàng không chưa phát triển phổ biến thì muốn tới nước Mỹ, bạn chỉ có duy nhất một cách là đi đường thủy. Chúng ta sẽ phải đi từ châu Âu, nơi những có những con tầu lớn kiểu Titanic để vượt Đại Tây Dương sang bờ Đông nước Mỹ. Trải qua nhiều ngày lênh đênh, khi đến gần nước Mỹ thì thứ đầu tiên mọi người trông thấy là gì?

Đó là một người có vẻ giơ tay ra hiệu và đến gần hơn thì thấy tượng Nữ thần Tự do đang giương cao ngọn đuốc biểu tượng cho ánh sáng. Nhờ chiều cao ấn tượng 93m (305 feet), tượng có thể nhìn thấy từ cách xa tới 40km (24 dặm) - trở thành thứ đầu tiên mọi người nhìn thấy khi đến nước Mỹ bằng đường biển. Tượng Nữ thần Tự do đón chào bạn đến với nước Mỹ và thể hiện thông điệp rõ ràng: chào mừng đến thế giới tự do.

Còn giờ, dù chẳng tới Mỹ bằng đường biển từ châu Âu thì người ta cũng đã bị ấn tượng rằng Nữ thần Tự do là biểu tượng của nước Mỹ trong hình hài một phụ nữ mặc áo dài màu xám, đang nhìn ra đại dương với ánh mắt say đắm. Nhưng trước khi tìm hiểu về bức tượng thì chúng ta thử hỏi: Nữ thần Tự do là ai mà được tạc? Sẽ là bất ngờ nếu biết ý tưởng xây dựng tượng Nữ thần Tự do danh tiếng lại là từ tượng một nữ nông dân Hồi giáo.

Tên tiếng Anh của nữ thần là Libertas, một vị thần La Mã được sùng bái trong thời kỳ “Cộng hòa muộn” của đế chế La Mã. Libertas được những người La Mã ủng hộ nền cộng hòa in lên trên mặt đồng tiền xu. Bảo vật của thần Libertas vốn không phải phiến đá hay ngọn đuốc như bức tượng ở New York mà là một tay cầm gậy và một tay cầm mũ.

Ở thời kỳ đó, cây gậy và mũ được xem là nghi thức không thể thiếu để trả tự do cho một nô lệ. Trong phiên trả quyền tự do của người Hy Lạp xưa, người chủ đưa nô lệ của mình đến trước mặt quan tòa và nói ra nguyên do trả tự do cho nô lệ. Quan tòa khi đó đặt một cây gậy lên đầu nô lệ, kèm theo những lời lẽ trang trọng và tuyên bố rằng người nô lệ trở thành một người tự do. Các nô lệ ngày xưa thường bị cạo trọc đầu cho khỏi bị rận rệp nên có lẽ trong buổi lễ trao tự do thì người may mắn được cho chiếc mũi để đội che đi quá khứ nô lệ…

libery.jpg
Cột Nữ thần Tự do ở Newcastle-Anh

Đến giữa thế kỷ 18, Sir George Bowes xây dựng Cột Nữ thần Tự do ở Newcastle-Anh, thực ra là một tượng nhỏ xây trên cột cao tương tự như tượng An Dương Vương (Q.5, TP.HCM) của Việt Nam. Tượng trên cột Nữ thần Tự do làm bằng đồng vẫn cầm gậy và trên gậy là chiếc mũ tự do.

Nhưng càng về sau, hình tượng Nữ thần Tự do càng bị thay đổi. Trong bức tranh Liberty Leading the People, vẽ năm 1830, họa sĩ Eugène Delacroix không ngần ngại vẽ Nữ thần Tự do đang 1 tay cầm gậy gắn lá cờ nước Pháp nhưng tay kia thì chẳng những không cầm mũ mà chuyển sang cầm súng. Rồi hình ảnh đó cũng gây khó hiểu khi vẽ người phụ nữ cầm súng lại hở cả ngực trong khi đáng lẽ ra có thể xốc áo lên. Các họa sĩ thời kỳ đó luôn tìm cách vẽ tranh phải có chút khỏa thân để thu hút công chúng nhưng may thay, tượng Nữ thần Tự do ở New York lại kín đáo, không đi theo motip thần Vệ nữ.

Tuy nhiên, khi sang đến Mỹ thì tượng Nữ thần Tự do cũng chẳng còn gậy nữa mà thay vào đó là ngọn đuốc. Ngoài ra, cái mũ của Thần Tự do cũng bị thay đổi. Với những ai có hiểu biết chút ít về thần thoại Hy Lạp sẽ biết được là mũ của thần mặt trời Helios nên có phát ra các tia sáng.

Dự án Tượng Nữ thần Tự do là do một quý tộc người Pháp - Édouard René de Laboulaye gợi ý và được nhà điêu khắc Frédéric Bartholdi tích cực vận động. Khi chọn hình thiết kế, họ có nhiều lựa chọn nhưng cuối cùng chọn Libertas vì hình tượng này đã được dùng trên nhiều đồng tiền kim loại của Mỹ vào thời đó, nên rất phổ biến với cả giới tinh hoa và bình dân. Dù giới nào thì cũng phải tiêu tiền. Hơn nữa, hình tượng Nữ thần Tự do cũng có mặt trên Quốc ấn của Pháp nên rất hợp để làm món quà của nước Pháp tặng Mỹ.

liberty-leading-the-people.jpg
Bức tranh nổi tiếng Liberty Leading the People

Chọn xong nhân vật thì tiếp tục phải chọn cách thể hiện nhân vật. Bartholdi và Laboulaye không muốn dùng hình Nữ thần Tự do để đề cao tinh thần cách mạng như trong bức tranh nổi tiếng Liberty Leading the People vì cho thấy nó sắt máu quá nên chọn hình ảnh thần tự do vận áo choàng dài. Bartholdi muốn tạo cho tượng vẻ thanh thản, tay giương ngọn đuốc tượng trưng cho tiến bộ.

Thực ra, việc tạo hình tượng này thì Bartholdi không tốn nhiều thời gian suy nghĩ vì thời trẻ Bartholdi tiếp xúc với vua Ai Cập để đệ trình dự án xây một ngọn hải đăng khổng lồ có hình dạng một nữ nông dân cổ Ai Cập, vận áo choàng và tay cầm một ngọn đuốc đưa lên cao có tên là Progress Carrying the Light to Asia. Tượng sẽ đặt ở Cảng Said ngay lối vào phía bắc Kênh đào Suez. Hình vẽ phác thảo và hình mẫu được thực hiện như dự định, nhưng ngọn hải đăng này không được thực hiện.

hoigiao.jpg
Hình tượng nông phụ cầm ngọn đèn đứng trước cửa biển của  Bartholdi

Do vậy, khi làm tượng Nữ thần Tự do thì Bartholdi lấy lại hình tượng nữ nông dân và hoàn thiện thêm. Mà cái tượng người nông dân đó thì Bartholdi cũng dựa theo ý tưởng trước đó ở Ai Cập. Trong lịch sử thì trước kia có một bức tượng cổ điển dựng lên bên bờ Kênh đào Suez, đó là Tượng thần Mặt Trời ở Rhodes, một pho tượng đồng tạc hình thần mặt trời Hy Lạp, Helios. Bức tượng này tương truyền cao trên 30 mét, dáng đứng ngay lối vào cửa biển, tay cầm một ngọn đèn để hướng dẫn tàu thuyền.

Như vậy từ thần Helios cầm ngọn đèn như hải đăng ở cửa biển, chuyển sang hình ảnh người nông dân cổ Ai Cập cầm ngọn đuốc lên cao và cuối cùng là thành tượng Nữ thần Tự do cầm đuốc đứng trước biển. Và giờ thì chúng ta hiểu tại sao tượng Nữ thần Tự do ở Mỹ lại có cái mũ phát 7 tia sáng như mũ thần mặt trời.

liberty-head.jpg

Thực ra ban đầu nhóm tạo hình cũng không nghĩ việc tạo ra mũ thần mặt trời mà muốn mũ theo truyền thống trên đồng tiền xu. Nếu vậy, tượng nữ thần Hy Lạp sẽ đội mũ hình nấm, một kiểu mũ của người nô lệ sau khi phóng thích có từ thời cổ La Mã mà đã kể ở trên. Tuy nhiên, Bộ trưởng Chiến tranh Hoa Kỳ khi ấy là Jefferson Davis, vốn là người miền Nam (sau làm Tổng thống của Liên minh miền Nam Hoa Kỳ) thì ngần ngại cho rằng mũ hình nấm là biểu tượng của chủ nghĩa bãi nô nên không chấp thuận. Davis yêu cầu thay thế mũ hình nấm bằng mũ giáp kiểu chiến binh nhưng như thế thì lại thành hiếu chiến quá, không đúng tinh thần thanh bình của bức tượng màu xanh.

Do vậy, Bartholdi đã chọn kiểu mũ miện có mấy tia sáng cho bức tượng và có lẽ ông đã lấy cảm hứng từ chiếc mũ của thần Helios cầm đuốc. Mũ miện của Bartholdi có bảy tia như vầng hào quang mặt Trời, tương ứng với bảy đại dương, và bảy đại lục địa. Ngoài ra tia sáng của mũ miện cùng ngọn đuốc thể hiện ánh sáng của Tự do rạng soi khắp thế giới.

Còn lại tay trái nếu để không có vẻ “trống trải”, thế nên, Bartholdi quyết định cho bức tượng một mảnh đá như cuốn sách tượng trưng cho ý tưởng luật pháp và trên đó khắc dòng chữ la mã thể hiện ngày thành lập nước Mỹ

Viên đá đầu tiên trên bệ được đặt vào ngày 5.8.1884 và công trình được khánh thành vào ngày 28.10.1886, trong một ngày mưa ẩm ướt, với sự chứng kiến của khoảng một triệu người dân New York.

buctuongnuthantudo.jpg
Bức tượng Nữ thần Tự do ngày nay

Và tất nhiên, chẳng mấy ai biết rằng, bức tượng Nữ thần Tự do – biểu tượng của nước Mỹ lại xuất phát từ ý tưởng dựng tượng một nữ nông dân Hồi giáo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
22 phút trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bí ẩn đằng sau chiếc áo choàng của Nữ thần Tự do – biểu tượng nước Mỹ