Junko là tên một cô gái người Nhật Bản và cũng là tên một ngôi trường tiểu học ở Quảng Nam. Phía sau cái tên của ngôi trường là một câu chuyện cảm động.

Chuyện về ngôi trường mang tên cô gái Nhật ở Quảng Nam

Tiểu Vũ | 04/02/2022, 10:10

Junko là tên một cô gái người Nhật Bản và cũng là tên một ngôi trường tiểu học ở Quảng Nam. Phía sau cái tên của ngôi trường là một câu chuyện cảm động.

Ở xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, có một ngôi trường mang một cái tên rất lạ, đó là Trường tiểu học Junko. Với những ai không phải là dân địa phương nếu vô tình đi qua chắc hẳn sẽ tò mò thắc mắc: Tại sao trường lại có cái tên rất Nhật Bản như thế, trong khi cả giáo viên lẫn học trò trong trường toàn là người Việt?

img_0399.jpg
Cổng trường tiểu học Junko ngày mùng 1 Tết Nhâm Dần - Ảnh: Tiểu Vũ

Nếu bước vào trường, sẽ ngạc nhiên hơn khi thấy trong phòng truyền thống, bức ảnh một cô gái người Nhật ở độ tuổi đôi mươi được treo trang trọng ở giữa và phía dưới là bát nhang. Hàng năm, nhà trường đều tổ chức lễ giỗ để tưởng nhớ ngày mất của cô gái có tên Junko - lễ giỗ theo tập quán của người xứ Quảng. Và dưới đây là câu chuyện cảm động về cô gái trẻ người Nhật này.

junko-222.jpg
Bàn thờ của Junko trong phòng truyền thống của trường - Ảnh: Tiểu Vũ

Năm 1993, Junko Takahashi - cô gái Nhật khi ấy tròn 20 tuổi và đang là sinh viên năm 3 ngành Quan hệ Quốc tế thuộc trường Đại học Minh Trị Thiên Hoàng (Nhật Bản). Tranh thủ thời gian nghỉ hè, cô cùng những người bạn sang Việt Nam tìm hiểu, nghiên cứu thu thập tư liệu để phục vụ cho bài luận văn với chủ đề “Sự phát triển kinh tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài ở khu vực Đông Nam Á”.

Khi đặt chân đến vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng, Junko ấn tượng bởi cuộc sống của người dân nơi đây. Đặc biệt là hình ảnh những em bé phải đi chân trần và học trong những ngôi trường tạm bợ, tranh tre mái lá thiếu thốn trăm bề. Dẫu cuộc sống khó khăn, nhưng người dân địa phương luôn sống hiền hòa, chân chất, nghĩa tình và hiếu khách.

Trong thời gian ngắn ngủi ở đây, Junko và bạn bè đã nhận được tình cảm yêu mến từ những người dân địa phương. Họ xem Junko và nhóm sinh viên Nhật như người trong gia đình và tiếp đón ân cần chu đáo bằng tình cảm rất mộc mạc gần gũi chân quê.

Tất cả những gì Junko chứng kiến và cảm nhận ở vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng đều được ghi chép lại cẩn thận trong cuốn nhật ký mà cô luôn mang theo bên mình. Đặc biệt có nhiều trang Junko viết vào đó những dòng ước nguyện rằng, sau khi tốt nghiệp ra trường, cô sẽ quay trở lại Việt Nam để làm việc. Junko hứa tất cả tiền lương mà cô nhận sẽ dành để xây cho các em nhỏ ở đây một ngôi trường với đầy đủ phương tiện để các em nhỏ được học hành tử tế hơn.

Sau chuyến đi thực tế, Junko quay trở về Nhật Bản. Cô tâm sự với cha về miền đất mà mình vừa tới và nói rằng: "Bố ơi, tại sao những người chân thành chịu lao động, siêng năng cần cù như vậy nhưng sao phải sống trong cảnh nghèo khổ, con xin lỗi vì chưa giúp được gì cho họ".

Từ đó, Junko âm thầm thực hiện kế hoạch của mình. Ngoài giờ đến trường cô cũng thường đến các ngôi đền thiêng ở Tokyo để cầu nguyện cho người Việt Nam bớt khổ hơn.

img_0397.jpg
Trường tiểu học Junko được xây 2 tầng - Ảnh: Tiểu Vũ

Ba tháng sau, vào một ngày mưa buồn ảm đạm, chiếc chuông gió bằng gốm treo trước cửa nhà Junko bỗng nhiên đứt dây rơi xuống vỡ tan thành từng mảnh. Cùng lúc, ông bà Hirotaro nhận được một cuộc điện thoại đau đớn… Junko đã qua đời trong một vụ tai nạn giao thông ở Tokyo.

Junko mất, vợ chồng ông bà ông bà Hirotaro đau lòng khóc đến gần như kiệt sức. Junko không để lại nhiều hình ảnh trước lúc qua đời, bức ảnh duy nhất mà gia đình có được là do một người bạn sinh viên của Junko gửi tới. Thương nhớ con, ông bà Junko Horotaro lần giở những trang nhật ký của Junko nên biết được ý nguyện của cô. Trăn trở, buồn thương, cha mẹ Junko quyết định thực hiện cho bằng được giấc mơ dang dở của Junko.

Sau khi tìm hiểu và liên hệ qua nhiều tổ chức khác nhau, ông bà Hirotaro đã đến thăm Việt Nam vào năm 1994 và mang theo 200.000 USD (tương đương khoảng 2 tỷ đồng tại thời điểm đó). Một phần của số tiền này bao gồm tiền bảo hiểm của Junko và quỹ hưu trí của ông Hirotaro.

Hirotaro đã đến hàng trăm ngôi làng ở Quảng Nam để khảo sát, ông tỏ ra ngạc nhiên khi thấy cở sở vật chất thiếu thốn của các ngôi trường ở đây. Sau đó ông quyết định xây trường ở xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Vào tháng 9 năm 1995 trường xây xong, ngày khánh thành và khai giảng năm học mới ông bà đã đến dự. Nhiều người đã ôm vợ chồng ông khóc... và gần 1.000 em học sinh bên dưới cũng khóc theo.

47015799_2167362153281991_6679942539316822016_n.jpg
Một em học sinh nhận học bổng của Hiệp hội Junko - Ảnh: Tư liệu

Ban đầu, tên trường là Hoàng Hoa Thám, nhưng đến năm 2003 ngươi địa phương quyết định đổi tên trường là Junko để nhớ ơn cô gái trẻ người Nhật Bản. Cùng năm ấy, một phòng trong trường được chuyển thành nơi thờ tự nhang khói cho Junko kèm theo đó là hồ sơ tư liệu về cô gái Nhật quá cố đã được trưng bày trong căn phòng này.

Năm 2000, những người bạn của bố mẹ Junko tiếp tục quyên góp, xây thêm 5 phòng học trên tầng lầu, trị giá khoảng 200 triệu VNĐ vào thời điểm đó.

Trước nghĩa cử cao đẹp của ba mẹ Junko, một nhóm sinh viên Trường Đại học Minh Trị Thiên Hoàng, nơi Junko từng học tập đã thành lập Hiệp hội mang tên Junko. Hội đứng ra quyên góp tiền của, vật dụng để tiếp tục đầu tư vào ngôi trường mà cha mẹ của Junko đứng ra xây dựng ban đầu.

Hiệp hội Junko cũng duy trì hàng trăm suất học bổng để tặng cho trẻ em nghèo vượt khó của tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Trong đó, dành cho học sinh trường Junko từ 20-45 suất, trị giá mỗi suất 200 USD.

img_0412.jpg
Tiểu sử của Junko treo trong phòng truyền thống của trường - Ảnh: Tiểu Vũ

Năm 2005 trường Junko được nâng cấp lớn hơn và trường đã nhận được sự đóng góp từ khắp nơi trên thế giới. Trường Junko không chỉ là nơi học tập của các em nhỏ mà còn là nơi trú ẩn an toàn cho người dân địa phương trước các trận lũ lụt.

Từ đó đến nay, năm nào nào ông bà Horotaro và sinh viên Hiệp hội Junko đều sang thăm trường ít nhất từ 1 đến 2 lần.

60435857_1208114246014665_2010499321111248896_n.jpg
Bố của Junko (giữa) về thăm lại ngôi trường mang tên con gái của mình - Ảnh: Tư liệu của nhà trường

"Người Việt Nam đã đau khổ trong chiến tranh nhiều rồi, bây giờ họ xứng đáng được giáo dục đầy đủ để lấp đầy khoảng cách giàu nghèo". Đó là một phần ước nguyện được ghi ở trang cuối trong cuốn nhật ký của Junko và đã trở thành sự thật. Nhưng ông Hirotaro đã thề với chính mình rằng ông sẽ không dừng lại việc giúp đỡ người Việt Nam cho đến ngày ông nhắm mắt. Nhiều em trong số học sinh của trường Junko đã được chính phủ Nhật tiếp nhận du học miễn phí hoàn toàn.

Người con gái Nhật Bản Junko mất đi ở tuổi đôi mươi, nhưng tên của cô nằm trên ngực trái của biết bao nhiêu thế hệ học trò đã và đang học tại ngôi trường mang tên cô.

Bài liên quan
Độc đáo vườn Nhật Bản trong Làng du lịch Ông Đề Cần Thơ
Để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của khách du lịch trong ba ngày xuân Nhâm Dần - 2022, năm nay Làng du lịch Ông Đề đã có nhiều sáng tạo trong không gian du lịch, sản phẩm du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện về ngôi trường mang tên cô gái Nhật ở Quảng Nam