Trung Quốc đã ra quyết định siết chặt hoạt động xuất khẩu vật tư y tế sau khi một số quốc gia “phàn nàn” về chất lượng, độ chính xác không đảm bảo của các sản phẩm nhập khẩu từ đại lục.

Bị chỉ trích, Trung Quốc cấm xuất khẩu thiết bị y tế không giấy phép

02/04/2020, 05:41

Trung Quốc đã ra quyết định siết chặt hoạt động xuất khẩu vật tư y tế sau khi một số quốc gia “phàn nàn” về chất lượng, độ chính xác không đảm bảo của các sản phẩm nhập khẩu từ đại lục.

Bên trong một nhà máy sản xuất khẩu trang của Trung Quốc - Ảnh: Tân Hoa Xã

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn thông báo của Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan và Cục Quản lý sản phẩm y tế quốc gia Trung Quốc hôm 1.4 cho biết cấm các công ty xuất khẩu thiết bị y tế ra nước ngoài nếu không có đủ các giấy phép cần thiết.

Trước đây, các nhà xuất khẩu Trung Quốc chỉ cần có chứng nhận CE (chứng nhận sản phẩm tuân theo pháp luật của EU và cho phép sản phẩm được lưu thông tự do trong thị trường châu Âu) vào tháng 3. Những sản phẩm xuất khẩu được đóng dấu CE thể hiện đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về sức khỏe, an toàn và môi trường do các nhà quản lý châu Âu đặt ra.

Tuy nhiên, quy định mới về siết chặt xuất khẩu thiết bị y tế sẽ yêu cầu các công ty phải chứng minh với cơ quan hải quan Trung Quốc rằng các sản phẩm của họ đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thế của các quốc gia mà hàng hóa đang được xuất khẩu. “Các quy tắc mới sẽ được thực hiện chặt chẽ và bất kỳ công ty nào vi phạm sẽ bị trừng phạt theo quy định của pháp luật”, thông báo của các nhà chức trách Trung Quốc cho hay.

Cũng trong ngày 1.4, Bộ thương mại Trung Quốc đã công bố danh sách các nhà sản xuất đã nhận được cấp giấy phép và đăng ký có liên quan từ Cục quản lý sản phẩm y tế quốc gia - trước đây gọi là Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc - để người mua ở nước ngoài sử dụng nhằm tìm kiếm nhà cung cấp có đủ điều kiện.

Tính tới thời điểm này, đã có hơn 880.000 người nhiễm coronavirus toàn thế giới với số trường hợp tử vong lên đến hơn 44.000 ca. Tình hình này đã buộc hơn 3 tỉ người trên toàn cầu phải tiến hành “cách ly xã hội”.

Nhiều ổ dịch COVID-19 bùng phát trên khắp châu Âu và Mỹ. Từ tâm chấn ở Vũ Hán, coronavirus đã di chuyển đến Ý, sau đó là Tây Ban Nha và giờ là New York (Mỹ). Việc thiếu hụt các thiết bị xét nghiệm đồng nghĩa với việc thay vì được chẩn đoán, các bệnh nhân bị nghi nhiễm hay nguy cơ thấp có thể được yêu cầu cách ly ở nhà.

Có một thực tế là Trung Quốc chưa bao giờ đứng đầu trên thế giới về sản xuất thiết bị xét nghiệm chẩn đoán. Các công ty châu Âu và Mỹ thường thống trị thị trường, tuy nhiên trong bối cảnh bùng phát của đại dịch COVID-19 và khi các nước đang “tranh giành” các mặt hàng y tế, vốn đã trở nên khan hiếm và có giá trị như bụi vàng, Trung Quốc đã trở thành một nguồn cung quan trọng cho phần còn lại của thế giới. Tất nhiên, điều này đã gây ra một mối quan ngại lớn về sự phụ thuộc vào nguồn cung thiết bị y tế từ Trung Quốc.

Kể từ hôm 26.3, đã có tới 102 công ty Trung Quốc được phê duyệt vào thị trường châu Âu và một công ty được cấp phép tại Mỹ. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 21 công ty có giấy phép của Cơ quan Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia để bán tại Trung Quốc.

Các doanh nghiệp Trung Quốc hiện đã xuất khẩu khoảng 550 triệu khẩu trang, 5,5 triệu bộ dụng cụ xét nghiệm và 950 máy thở cho Tây Ban Nha với chi phí 480 triệu USD vào đầu tháng 3. Nhưng những lo ngại về chất lượng các sản phẩm thử nghiệm bắt đầu được đặt ra.

Chủ tịch Hiệp hội Chẩn đoán In vitro (chẩn đoán trong phòng thí nghiệm) tại Trung Quốc, ông Song Haibo cho biết quy định mới về siết chặt xuất khẩu thiết bị y tế sẽ có tác động rất lớn đến lĩnh vực kinh doanh “mới nổi” này.

“Nhiều công ty có chứng nhận CE đã ký hợp đồng với người mua ở nước ngoài, nhưng bây giờ họ có thể bị buộc phải phá vỡ chúng và điều đó có thể dẫn đến các vụ kiện. Ngoài ra, các nhà sản xuất đã phải đối mặt với khó khăn lớn khi họ đã dự trữ nguyên liệu thô và sản xuất một lượng lớn thuốc thử và bộ dụng cụ thử nghiệm để xuất khẩu”, ông Song nói.

Quy định này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các sản phẩm liên quan tới COVID-19 mà còn ảnh hưởng đến uy tín của ngành chẩn đoán in vitro Trung Quốc và có tác động tiêu cực lâu dài đến việc xuất khẩu vật tư y tế.

Một giám đốc phát triển kinh doanh cho một công ty công nghệ sinh học ở Bắc Kinh cho rằng một vấn đề khác mà các nhà sản xuất phải đối mặt là việc xin giấy phép trong nước có thể mất nhiều năm, ngay cả đối với danh nghiệp đã được chứng nhận CE từ châu Âu. “Quy trình phê duyệt chính thức mất từ 1 đến 3 năm”, người này cho biết.

Các quy tắc mới từ Bắc Kinh được đưa ra sau khi chính quyền thủ đô Madrid của Tây Ban Nha đã ngừng sử dụng bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 do Công ty Công nghệ sinh học Bioeasy có trụ sở ở thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) sản xuất vì đưa ra kết quả “không đáng tin cậy”, khi chỉ có tỷ lệ chính xác dưới 30%.

Bioeasy sau đó đã phủ nhận rằng thiết bị đã bị lỗi, thay vào đó, nói rằng các nhân viên y tế Tây Ban Nha đã không làm theo đúng hướng dẫn. Trong khi đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Madrid khẳng định các bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19 được Tây Ban Nha mua của một công ty không có giấy phép cung cấp, không trong danh sách đơn vị Bắc Kinh khuyến nghị.

Trung Quốc cũng đang điều tra về vụ việc khẩu trang không đạt tiêu chuẩn được cung cấp cho Hà Lan, sau khi Bộ Y tế nước này tiến hành thu hồi hơn 600.000 trong số 1,3 triệu khẩu trang nhận từ Trung Quốc.

Trong một diễn biến liên quan, Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire hôm 28.3 cho biết một lô bộ xét nghiệm nhanh coronavirus xuất xứ từ Trung Quốc chỉ có độ chính xác khoảng 40%, vì vậy họ quyết định không dùng các thiết bị này. Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines ngày 29.3 đã bác bỏ thông tin rằng các bộ xét nghiệm có độ chính xác thấp đến từ lô thiết bị y tế mà Bắc Kinh viện trợ cho Philippines, đồng thời chỉ trích Bộ Y tế Philippines đưa ra “thông báo thiếu trách nhiệm”.

Hoàng Vũ (theo SCMP)

Bài liên quan
Hãng robot hình người hàng đầu Mỹ tham gia cuộc đua công nghệ chạy bằng điện do Trung Quốc thống trị
Boston Dynamics, một trong những công ty robot hàng đầu thế giới, tuyên bố sẽ ngừng phát triển robot hình người chạy bằng thủy lực và thay vào đó tập trung chế tạo robot chạy bằng động cơ điện. Đây là phân khúc mà các hãng công nghệ Trung Quốc đang ngày càng thống trị.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bị chỉ trích, Trung Quốc cấm xuất khẩu thiết bị y tế không giấy phép