‘Lolita’ - tác phẩm văn học kinh điển và gây tranh cãi nhất của Vladimir Nabokov, hóa ra được lấy cảm hứng từ một câu chuyện chấn động có thật.

Bi kịch về cuộc đời nghiệt ngã của ‘nàng Lolita’ thật

nhu y | 18/10/2018, 07:33

‘Lolita’ - tác phẩm văn học kinh điển và gây tranh cãi nhất của Vladimir Nabokov, hóa ra được lấy cảm hứng từ một câu chuyện chấn động có thật.

“Humbert Humbert đã cố hết sức để làm một người tốt”, nhân vật trung tâm trong ‘Lolita’ nói về chính ông ở ngôi thứ 3. “Ông ấy đã cố hết sức".

Khép lại 69 chương sách, với giọng văn tự thoại êm dịu, pha lẫn sự hài hước đen tối, duy không lẩn khuất chút chất vấn lương tâm, người đọc gần như bị Humbert ‘mua chuộc'. Đến nỗi, qua tác phẩm chấp bút bởi Nabokov - vị văn sĩ luôn ám ảnh trước hành vi ấu dâm, công chúng lại tỏ ra thấu cảm cho người đàn ông từng bắt cóc và cưỡng bức một bé gái 12 tuổi.

Phóng viên Sarah Weinman viết, trong ấn bản sách nonfiction (phi hư cấu) ‘The Real Lolita: The Kidnapping of Sally Horner and the Novel that Scandalized the World’, “Vẻ đẹp nghệ thuật văn chương có thể mê hoặc chúng ta, để tạm quên đi bề tối của đời thực".

Bìa cuốn ‘The Real Lolita’ với bức ảnh chân dung của Sally Horner

Tựa sách của Weinman, phát hành hồi đầu tháng 9.2018, đưa ra nhiều dẫn chứng cho thấy cốt truyện Nabokov dựa vào để tạo nên ‘Lolita’ - vốn trong quá khứ ông từng khẳng định chỉ ‘thuần chất hư cấu’ - khai thác từ những sự kiến đau lòng có thật xảy ra với một bé gái người Mỹ tên Sally Horner.

Sinh thời, nhà văn gốc Nga Nabokov chủ trương bác bỏ mọi phê bình tiêu cực nhắm đến ‘Lolita’, những chỉ trích mô tả quyển sách như ‘thứ công cụ của thói thù ghét phụ nữ’. Ông thậm chí không ngại lăng mạ bất kì ‘kẻ trưởng giả’ nào công khai nghi hoặc về bản chất tác phẩm.

Sau hơn 40 năm, nữ tác gia Weinman trở thành một trong những ‘trưởng giả’ đã dám đặt câu hỏi.

Một bài báo đưa tin về vụ bắt cóc và giải cứu Sally Horner, năm 1950.

‘The Real Lolita’ kể về cuộc đời Sally Horner, một học sinh nữ 11 tuổi quê ở Camden, New Jersey (miền Đông Hoa Kỳ). Năm 1948, cô bé bị Frank La Salle, một tên tội phạm ấu dâm vừa ra tù, bắt gặp bên trong một tiệm tạp hóa. Khi chứng kiến Horner lén lấy cắp một quyển sổ tay, La Salle giả danh nhân viên cảnh sát liên bang, tiếp cận rồi ép cô bé phải làm đúng mọi điều gã yêu cầu nếu không muốn bị tạm giam. Horner, non nớt và sợ hãi, nghe theo những gì La Salle nói.

Tên cựu tù bắt cóc Horner suốt 2 năm tiếp theo. Ban ngày gã vờ làm cha cô bé, ban đêm, gã tấn công và lạm dụng Horner. Cả hai di chuyển bằng xe qua nhiều khu vực, tiểu bang, từ Atlantic đến Baltimore, Dallas, San Jose,.. Horner cuối cùng thoát thân sau khi một người hàng xóm nghi ngờ mối quan hệ ‘cha con’ giữa họ và gọi cảnh sát. Trở về nhà an toàn, duy Horner lại bị bạn bè xa lánh, mỉa mai trước vụ việc tấn công tình dục.

Ngày 18.8.1952, ở tuổi 15, Horner và bạn học - Carol Starts, quyết định đi chơi xa. Đến Wildwood, New Jersey, cô bé gặp và ngồi chung xe một người bạn trai, người ngay hôm ấy, khi cầm lái, đã tông phải một chiếc xe tải đang đậu. Tai nạn kinh hoàng khiến Horner tử vong tại chỗ.

Bấy giờ, dẫu được đăng tải trên báo đài địa phương, thông tin cái chết đột ngột và vụ bắt cóc chấn động của Horner, tuy nhiên, gần như không được chú ý. Cái tên Sally Horner nhanh chóng bị quên lãng, trước khi Nabokov tạo tiếng vang với ‘Lolita'.

Sue Lyon vào vai ‘Lolita’ trong bản phim chuyển thể nổi tiếng năm 1962.

Dự án sách ‘The Real Lolita’ là thành quả đạt được sau chuỗi ngày điều tra chuyên sâu của nữ nhà báo Weinman. Bà ‘xâu chuỗi’ từng trảinghiệm lẫn biến cố xoay quanh Horner - đứa bé gái với cuộc đời nghiệt ngã, đầy uẩn khúc.

Bên cạnh đó, Weinman đưa ra một số văn bản cụ thể, chẳng hạn những tấm ghi chú được viết bởi chính Nabokov, chứng tỏ ông đã có chủ ý khai thác câu chuyện về Horner.

Xuyên suốt tác phẩm, Weinman tách bạch hình ảnh Horner và những nạn nhân khác phải chịu đựng tấn công tình dục. Vì sao Horner khác biệt?

Weinman bày tỏ, “Nhiều người khác được phép kể câu chuyện của họ, theo cách họ muốn và khi họ muốn”, Horner, tiếc thay, không thể tiếp nhận quyền lợi này. Và Dolly - nàng ‘Lolita’ do Nabokov tạo ra, có số phận tương tự. Một nhân vật tồn tại trên trang sách tựa ‘nỗi ám ảnh đen tối’ hơn là sống bằng thân phận con người đúng nghĩa.

“Humbert dùng lời lẽ nho nhã, uyên bác, làm người đọc quên lãng - đôi khi hoàn toàn - một sự thật rằng, ông ta vẫn là kẻ đồi bại",Weinman viết.

Nói thế không nghĩa là, Weinman sẵn lòng chối bỏ giá trị nghệ thuật phía sau tựa sách kinh điển của Nabokov. Ngược lại, bà tái sắp đặt bối cảnh cuộc đời ‘Lolita’ thật, để Horner có thể được ghi nhớ, lần này, không chỉ như một chủ thể luận bàn, mà còn với tư cách một cá nhân con người.

Weinman lý giải qua chương mở đầu ‘The Real Lolita,’ “Sự tồn tại của Sally Horner không thể xóa nhòa vẻ đẹp văn học của ‘Lolita.’ Nhưng câu chuyện về Horner giúp vạch ra, một cách rõ rệt hơn, mảng đen tối - ghê rợn bên trong cuốn tiểu thuyết kinh điển này.”

Như Ý (theo HuffPost)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
9 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bi kịch về cuộc đời nghiệt ngã của ‘nàng Lolita’ thật