OpenAI có kế hoạch trình bày các biện pháp cho chính quyền Ý hôm 6.4 để khắc phục những lo ngại dẫn đến lệnh cấm ChatGPT ở Ý vào ngày 31.3, cơ quan bảo vệ dữ liệu của quốc gia này cho biết.
Cơ quan bảo vệ dữ liệu Ý (Garante) cáo buộc OpenAI đã không kiểm tra tuổi của người dùng ChatGPT và "không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào biện minh cho việc thu thập cũng như lưu trữ dữ liệu cá nhân khổng lồ để huấn luyện chatbot này".
OpenAI đã phản ứng bằng cách vô hiệu hóa ChatGPT ở Ý từ ngày 31.3. Trong khi cam kết đảm bảo bảo vệ quyền riêng tư của người dùng bằng cách đào tạo hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) giảm thu thập dữ liệu cá nhân, OpenAI hiện có 20 ngày để giải quyết những lo ngại từ Garante và tránh bị phạt tới 4% doanh thu hàng năm.
Quyết định chặn ChatGPT được đưa ra khi Garante nhận thấy OpenAI chịu trách nhiệm thu thập và lưu trữ dữ liệu của người Ý không đúng cách, nên không tuân thủ Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR), bộ luật mang tính bước ngoặt của Liên minh châu Âu (EU) nhằm hạn chế khả năng các công ty thu thập dữ liệu cư dân EU.
GDPR là nguyên nhân các hãng công nghệ lớn nhiều lần vi phạm quy tắc khiến họ bị phạt hàng tỉ USD. Quyết định của Garante cho thấy GDPR vẫn có thể là mối lo với thế hệ chatbot mới nhất.
Garante cho biết không có ý định cản trở sự phát triển AI nhưng nhắc lại tầm quan trọng của việc tôn trọng các quy tắc nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân của công dân Ý và châu Âu.
Garante là tổ chức độc lập, một trong những tổ chức đầu tiên chính thức nêu lên mối lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn về quyền riêng tư của TikTok. Ứng dụng chia sẻ video đình đám của tập đoàn ByteDance (Trung Quốc) đang bị giám sát chặt chẽ trên toàn thế giới và có nguy cơ bị cấm ở Mỹ.
Trong một cuộc họp video cuối ngày 5.4, OpenAI cam kết minh bạch hơn về cách xử lý dữ liệu người dùng và xác minh độ tuổi của người dùng, Garante cho biết. Sam Altman, Giám đốc điều hành OpenAI, là một trong những người tham dự cuộc họp.
OpenAI nói sẽ gửi cho Garante một tài liệu liên quan đến các biện pháp đáp ứng các yêu cầu của họ. Garante cho biết sẽ đánh giá các đề xuất của OpenAI.
Lệnh cấm ChatGPT từ Garante đã thu hút sự quan tâm của các cơ quan quản lý quyền riêng tư khác ở châu Âu. Họ đang nghiên cứu xem liệu có cần áp đặt các biện pháp nghiêm khắc hơn để kiểm soát chatbot hay không và có nên phối hợp hành động không.
Bất chấp những người chỉ trích lệnh cấm ChatGPT của Garante (trong đó có Phó thủ tướng Ý Matteo Salvini), Pháp, Đức và Ireland cũng đang điều tra OpenAI về vấn đề tương tự.
Ông Matteo Salvini hôm 2.4 đã chỉ trích quyết định của Garante về việc tạm thời cấm ChatGPT. Ông nói rằng việc ngăn chặn những lo ngại về quyền riêng tư dường như quá mức.
“Tôi thấy quyết định của Cơ quan giám sát quyền riêng tư buộc ngăn chặn quyền truy cập ChatGPT từ Ý là không phù hợp”, ông Matteo Salvini, lãnh đạo đảng Liên đoàn cầm quyền, viết trên Instagram.
Theo ông Matteo Salvini, động thái của Garante là "đạo đức giả" và cần có lý trí thông thường vì "vấn đề riêng tư liên quan đến hầu hết các dịch vụ trực tuyến". Phó thủ tướng Matteo Salvini nói lệnh cấm có thể gây hại cho hoạt động kinh doanh và đổi mới của quốc gia, đồng thời hy vọng sẽ nhanh chóng tìm ra giải pháp và khôi phục quyền truy cập ChatGPT ở Ý.
"Mỗi cuộc cách mạng công nghệ đều mang lại những thay đổi, rủi ro và cơ hội lớn. Việc kiểm soát và điều chỉnh thông qua hợp tác quốc tế giữa các cơ quan quản lý và lập pháp là đúng đắn, nhưng không thể chặn ChatGPT", ông Matteo Salvini nhận định.
OpenAI cho biết đang tích cực làm việc để giảm việc sử dụng dữ liệu cá nhân trong đào tạo các hệ thống AI của mình.
"Chúng tôi mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Cơ quan bảo vệ dữ liệu của Ý và chỉ cho họ biết về cách hệ thống của chúng tôi được xây dựng, sử dụng", OpenAI thông báo trước đó.
Vào tháng 2, Garante đã cấm chatbot AI Replika sử dụng dữ liệu cá nhân của người dùng Ý, với lý do rủi ro với trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương tinh thần.
Do công ty Luka (Mỹ) xây dựng vào năm 2017, Replika là chatbot đồng hành - người bạn ảo được xây dựng dựa trên AI, để có thể lắng nghe và trò chuyện cùng người dùng.
Tuy được cung cấp miễn phí, Replika vẫn mang về khoảng 2 triệu USD doanh thu hàng tháng từ việc bán các tính năng bổ sung như trò chuyện bằng giọng nói.
Replika được đào tạo dựa trên phiên bản nội bộ của mô hình GPT từ OpenAI, sử dụng kho dữ liệu khổng lồ từ internet trong các thuật toán, sau đó tạo ra các phản hồi riêng cho các truy vấn từ người dùng.
Nhiều người dùng chatbot đồng hành ảo Replika muốn có một người bạn để trò chuyện. Song vào cuối năm 2022, người dùng bắt đầu phàn nàn rằng Replika trở nên quá khích với các tin nhắn và hình ảnh tục tĩu. Một số người cáo buộc Replika quấy rối tình dục.
Các nhà quản lý ở Ý không thích những gì họ thấy và đã cấm Replika thu thập dữ liệu sau khi phát hiện vi phạm GDPR.
Dù Replika có thể giúp cải thiện tâm trạng của người dùng, song theo Garante, với việc đi sâu vào đời sống người dùng, chatbot này "có thể làm gia tăng rủi ro cho các cá nhân đang trong giai đoạn phát triển hoặc trong trạng thái mong manh về cảm xúc".
Garante cũng cho rằng Replika cần thiết lập cơ chế xác minh độ tuổi của người dùng, chẳng hạn cần tạo bộ lọc với người dùng là trẻ vị thành niên hoặc thậm chí chặn truy cập nếu người dùng không nói rõ tuổi của họ. Theo Garante, Replika đã vi phạm các quy định về quyền riêng tư tại châu Âu và xử lý dữ liệu cá nhân của người dùng một cách bất hợp pháp, vì nó không thể hoạt động dựa trên một hợp đồng mà trẻ vị thành niên không thể ký kết.
Đầu tháng 2, Garante nêu rõ Luka sẽ phải thông báo với nhà chức trách nước này về các biện pháp "chấn chỉnh" Replika trong vòng 20 ngày, đồng thời cảnh báo Luka có thể bị phạt tới 20 triệu euro hoặc tối đa 4% doanh thu toàn cầu hàng năm liên quan những vấn đề nêu trên.
Mức sử dụng VPN ở Ý tăng 400% sau lệnh cấm ChatGPT
Tín đồ công nghệ ở Ý ngày càng tải xuống nhiều phần mềm mạng riêng ảo (VPN) tốt nhất như phương tiện để vượt qua lệnh cấm ChatGPT.
Theo dữ liệu của AtlasVPN, lưu lượng truy cập VPN đến từ Ý đã tăng đáng kinh ngạc 400% kể từ khi lệnh cấm ChatGPT được thi hành. Google Trends cũng ghi nhận mức tăng đột biến tương tự, với việc người Ý tìm kiếm từ khóa “VPN” nhiều hơn 600 lần.
"Việc sử dụng VPN tăng đột biến như vậy là ví dụ rõ ràng về cách người dùng công nghệ phản ứng với hạn chế về quyền truy cập các dịch vụ trực tuyến và các biện pháp họ thực hiện để duy trì quyền truy cập chúng", AtlasVPN viết trong một bài đăng trên blog.
Hơn 100 triệu người dùng trên toàn thế giới đã sử dụng ChatGPT kể từ khi chatbot này ra mắt vào tháng 11.2022.
OpenAI đang áp dụng một khối lệnh địa lý cơ bản để hạn chế quyền truy cập ChatGPT ở Ý. Đó chính là lý do tại sao nhu cầu sử dụng phần mềm VPN ở Ý tăng vọt. Bằng cách kết nối đến một trong các máy chủ quốc tế tại nơi ChatGPT không bị cấm, người dùng VPN tại Ý có thể tiếp tục truy cập chatbot AI phổ biến sau vài giây.
Cũng có khả năng các tài khoản ChatGPT đã đăng ký ở Ý không còn khả dụng. Điều này đồng nghĩa người ở Ý sẽ cần giả mạo vị trí địa chỉ IP thực của họ trước khi tạo tài khoản ChatGPT mới.
Trong thời gian chờ đợi, OpenAI đã thông báo hoàn lại tiền cho tất cả người dùng Ý đã đăng ký gói cao cấp của mình khi tạm dừng gia hạn đăng ký tại quốc gia này.
Nếu các quốc gia EU khác quyết định cấm ChatGPT tạm thời như Ý thì việc sử dụng VPN sẽ tăng đột biến. Đây là xu hướng mà AtlasVPN cho biết đã thấy ở các quốc gia khác nhau như một phản ứng với các lệnh cấm hoặc hạn chế trực tuyến khác.
"Ý tạm thời cấm ChatGPT và sự gia tăng sử dụng VPN sau đó làm nổi bật rằng nhiều người sẽ cố gắng truy cập các dịch vụ trực tuyến mà họ cần, bất chấp các hạn chế về internet. Đây là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về tầm quan trọng của tự do internet và vai trò của các công cụ như VPN trong việc đảm bảo tiếp cận thông tin và truyền thông”, AtlasVPN nhận xét.