Sau khi bị ong vò vẽ tấn công, chàng trai đau nhức toàn thân, trong đó ngực đau dữ dội, cảm giác bóp nghẹt, vã mồ hôi, khó thở, có dấu hiệu suy tim cấp. Các bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp đang đe dọa đến tính mạng.

Bị nhồi máu cơ tim cấp do ong vò vẽ đốt

25/11/2019, 16:20

Sau khi bị ong vò vẽ tấn công, chàng trai đau nhức toàn thân, trong đó ngực đau dữ dội, cảm giác bóp nghẹt, vã mồ hôi, khó thở, có dấu hiệu suy tim cấp. Các bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp đang đe dọa đến tính mạng.

Bị ong vò vẽ tấn công có thể bị nhồi máu cơ tim cấp - Ảnh: Internet

Bác sĩ Nguyễn Minh Thông (Khoa Tim mạch tổng quát, Bệnh viện Nhân dân 115) cho biết bệnh nhân là anh P.M.T (35 tuổi, quê Phú Yên) được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng ngực dữ dội, khó thở, có tình trạng suy tim cấp (nhịp tim nhanh 100 lần/phút), tĩnh mạch cổ nổi 300 ở tư thế nằm.

Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân T. không có tiền căn bệnh lý tim mạch và không có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch sớm.

Tuy nhiên, theo người nhà bệnh nhân, trước đó, trong lúc đang làm việc, anh T. bất ngờ bị đàn ong vò vẽ tấn công và đốt nhiều vết vào toàn thân, chủ yếu vào vùng đầu và lưng (không rõ số vết đốt). Sau khoảng 1 giờ bị ong vò vẽ tấn công, anh T. đau nhức toàn thân, kèm đau ngực nhiều, cảm giác bóp nghẹt, vã mồ hôi, khó thở trong khoảng 10 phút.

Bệnh nhân nghỉ ngơi thì cảm thấy đỡ, sau đó cơn đau ngực tăng dần. Người nhà liền đưa bệnh nhân đến một bệnh viện ở địa phương. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim sau ong đốt.

Sau đó, các bác sĩ thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng, phát hiện Troponin trên 50.000 pg/ml, tim giảm động vùng mỏm và thành sau giữa thất trái. Các bác sĩ sử dụng thuốc vận mạch và các thuốc điều trị tim mạch khác rồi chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Nhân dân 115.

Qua thăm khám, các bác sĩ ở đây phát hiện, bệnh nhân có nhiều vết ong đốt ở vùng đầu, lưng, cánh tay sưng nề nhẹ kèm đau.

Sau đó, bệnh nhân được chỉ định siêu âm tim thì phát hiện dãn buồng tim trái, chức năng tâm thu thất trái EF=40%, giảm động vùng mỏm, giảm động trung bình phần đáy, phần giữa của vách liên thất và thành bên, các thành còn lại co bóp được, hở van 2 lá 1/4, PAPs: 32 mmHg, không tràn dịch màng ngoài tim. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp ST.

Lập tức bệnh nhân được xử trí theo phác đồ nhồi máu cơ tim cấp. Sau khoảng 1 giờ đồng hồ xử trí, bệnh nhân đã giảm khó thở, giảm đau ngực, huyết áp và mạch đã ổn định, tim đều, phổi không ran, ngưng glycerin trinitrat. “Sau 10 ngày điều trị, đến nay (25.11), bệnh nhân đã hết đau ngực, không khó thở, nằm đầu thấp, tĩnh mạch cổ xẹp, sinh hiệu ổn định, tim đều, phổi không ran, bụng mềm. Các sĩ tiến hành cho bệnh nhân xuất viện”, bác sĩ Thông cho hay.

Theo bác sĩ Thông, biến chứng thường gặp sau khi bị ong đốt là sưng, đau và phù nề nơi vết đốt, nặng hơn là suy thận cấp, tán huyết, tiểu Myoglobin do tiêu cơ vân, suy đa cơ quan.

Trong khi đó, nhồi máu cơ tim là một biến chứng hiếm gặp do bị ong đốt, nhưng là bệnh cảnh cấp tính, tỷ lệ tử vong cao, diễn tiến phức tạp. Bệnh thường xảy ra phần lớn ở các bệnh nhân lớn tuổi có nguy cơ tim mạch cao, nhiều bệnh lý nền tim mạch. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp xảy ra nhồi máu cơ tim do bị ong đốt ở bệnh nhân trẻ, nguy cơ tim mạch rất thấp đã được ghi nhận. “Những trường hợp sau khi bị ong đốt, triệu chứng đau ngực ở bệnh nhân cần được xem xét cẩn thận, thực hiện các cận lâm sàng cần thiết để loại trừ nhồi máu cơ tim”, bác sĩ Thông khuyến cáo.

Hồ Quang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bị nhồi máu cơ tim cấp do ong vò vẽ đốt