Và bí quyết dẫn đến thành công của ông Lý Ngọc Minh không gì khác ngoài sự đam mê, nỗ lực không ngừng và tình yêu nghề, yêu tinh hoa dân tộc vô bờ bến.
Cơ duyên và những cuộc cách mạng
Với khởi nguồn "dòng dõi" từ một gia tộc có truyền thống về nghề gốm mà bắt đầu từ thời ông nội của ông Lý Ngọc Minh (nhà sáng lập) tính đến nay đã hơn 100 năm, tình yêu gốm sứ, sự tự tôn và niềm kiêu hãnh dân tộc đã hun đúc ý chí mãnh liệt muốn thực hiện một cuộc cách mạng thay đổi nghệ thuật đồ gốm nước nhà ngay từ khi ông Minh mới 12 tuổi.
"Tôi được dắt đi xem một cuộc triển lãm về đồ gốm ở Bình Dương. Thời bấy giờ, nghe triển lãm gốm sứ là thấy rất xa lạ đối với một đứa bé 12 tuổi như tôi. Đơn vị mở triển lãm là hãng Tân Hòa Phát của ông Siêu - một người Hoa mở ra vào những năm 1961-1962, trưng bày rất nhiều sản phẩm của Trung Quốc và Nhật Bản. Tôi hoàn toàn bị mê hoặc trước vẻ đẹp của những sản phẩm đồ sứ này. Sản phẩm của Nhật rất đẹp còn sản phẩm của Trung Quốc cũng rất độc đáo.
Chính vì bị cuốn hút mà tôi sực nhớ đến quê mình, chỉ có thể sản xuất những chén đá rất thô kệch nên tôi bắt đầu có ý nghĩ khi lớn lên mình phải làm một cuộc cách mạng, để làng quê mình có thể làm ra những chén sứ trong, đẹp như vậy. Đó là ý nghĩ của một cậu bé và tôi cũng không ngờ ý nghĩ đó lại đeo đuổi mình" - ông Minh chia sẻ với Một Thế Giới.
Đó là cơ duyên đầu tiên giúp ông chủ gốm sứ Minh Long quyết tâm đeo đuổi nghề. Quãng thời gian sau đó, ông Minh bắt tay vào thực hiện mơ ước của mình. Năm 16 tuổi, khi vừa rời ghế nhà trường, ông Minh đã làm phòng thí nghiệm để nghiên cứu, sản xuất cải cách đồ gốm. Đến năm 18 tuổi, chàng thanh niên Lý Ngọc Minh nung nấu ý định phải làm chủ kỹ thuật tạo men màu phức tạp. Sau đó là những tháng ngày tự nhốt mình trong căn phòng thí nghiệm, làm đi làm lại cho nhuần nhuyễn kỹ thuật men màu. Đến nỗi màu men cứ ám ảnh ông cả trong giấc ngủ.
|
Ông chủ gốm sứ Minh Long - Lý Ngọc Minh |
Năm 1970, khi vừa tròn 20 tuổi, từ những thành công ban đầu, ông Minh đã thành lập nên Công ty Minh Long để làm ra những sản phẩm đẹp chứ chưa tập trung vào đồ sứ.
"Khoảng những năm 1992 - 1993, Tổng bí thư của mình khi đó về Bình Dương làm việc. Sau khi làm việc xong, mọi người mới đem ra một bình trà ra để uống nước. Nhìn thấy bình trà, ông Tổng bí thư nói với quan chức tỉnh Bình Dương rằng: Một tỉnh chuyên làm gốm sứ mà không làm nổi một ấm trà để tiếp khách, phải lấy ấm trà của nước ngoài sao? Sau đó mọi người nhắc đi nhắc lại câu chuyện đó và ước mơ từ khi còn là một cậu bé 12 tuổi lại bắt đầu trỗi dậy trong tôi.
Tôi tự đặt ra câu hỏi: Tại sao mình kiếm được tiền rồi mà không nghĩ đến chuyện đó? Tại sao không dùng kiến thức, vốn hiểu biết đã có được để mở ra sang sử mới cho ngành gốm sứ? Câu chuyện bắt đầu từ đó và tôi bỏ hết công việc để sang Châu Âu, đi từ Pháp, Ý, Anh, Đức rồi sang Nhật Bản, Trung Quốc để tìm hiểu xem họ làm như thế nào, sử dụng những trang thiết bị, máy móc nào mà sản xuất ra đồ sứ đẹp như vậy" - ông Minh chia sẻ.
Sau khoảng thời gian tâm huyết, đi khắp nơi trên thế giới để tìm hiểu, đến năm 1995, ông Lý Ngọc Minh quyết định mua dây chuyển của hai nhà sản xuất gốm sứ nổi tiếng nhất thế giới. Đó là lò của Đức và thiết bị của Nhật và Đức để làm nên công ty Minh Long như ngày hôm nay.
Với niềm đam mê và sự nỗ lực không ngừng nghỉ, đến ngày hôm nay, Công ty Minh Long đã có đến 3.000 lao động, xuất khẩu hơn 30 triệu sản phẩm ra nước ngoài với 2.000-3.000 mẫu mã khác nhau. Ông đã tạo ra vô vàn sản phẩm gốm sứ tinh xảo, nhưng vẫn mang nét rất riêng của Minh Long, nét riêng của dân tộc Việt và mang đậm hồn túy Việt.
Nguyên tắc "Bốn không - Bốn có"
Trong quá trình sáng tạo và sản xuất ra sản phẩm, ông chủ của gốm sứ Minh Long luôn quan niệm: “Tinh hoa từ đất, tinh xảo từ người” và “Hồn Việt trong mỗi nếp nhà”. Ông luôn đặt giá trị cao nhất về niềm tin chất lượng sản phẩm và chất lượng phục vụ. Không chỉ trăn trở về tính mỹ thuật của sản phẩm, ông còn đầu tư nghiên cứu để làm ra những sản phẩm an toàn cho sức khoẻ người sử dụng.
“Tôi luôn cho rằng, các sản phẩm sứ chất lượng cao không chỉ trắng, tròn, trong, mỏng, mà còn phải thoả mãn độ bền cơ học và đặc biệt là phải tuyệt đối an toàn” - ông Minh cho biết.
|
Showroom trưng bày gốm sứ Minh Long tại Hà Nội . |
Cũng bởi vậy mà trong kinh doanh, ông Lý Ngọc Minh luôn đề cao triết lý "Bốn không - Bốn có": Không thời gian - Không biên giới - Không giới tính - Không tuổi tác và Có văn hóa - Có nghệ thuật - Có phong cách riêng - Có hồn. Ông cho rằng, văn hóa là cái gốc của mọi việc, và kinh doanh càng phải lấy văn hóa làm gốc. Một sản phẩm ra đến thị trường là qua bao nhiêu bàn tay lao động của con người, kết tinh của một quá trình nghiên cứu liên tục, cốt yếu là làm ra việc.
Từ đó, ngoài việc tập trung đẩy mạnh chất lượng cao cấp của sản phẩm, gốm sứ Minh Long còn đầu tư nghiên cứu cả về phần nghệ thuật thể hiện trên sản phẩm thông qua từng kiểu dáng, họa tiết hoa văn. Những nét đẹp văn hóa, những hình ảnh quê hương mang đậm bản sắc truyền thống văn hóa Việt Nam cũng như các nền văn hóa của các nước trên thế giới được khắc họa, lồng ghép vào từng sản phẩm sao cho những thiết kế vẫn giữ được nét đặc trưng của nền văn hóa đó nhưng có phong cách hiện đại mang tầm quốc tế.
“Không ai có thể tự mình làm được hết mọi việc, do đó phải xây dựng được các mối quan hệ. Chữ tín là quan trọng lắm! Phải làm sao để khi làm việc với mình, mọi người cảm thấy tin tưởng, và muốn hợp tác với mình, đó là bí quyết để thành công” - Tổng giám đốc Lý Ngọc Minh chia sẻ.
>>Chủ đầu tư chậm làm sổ đỏ cho dân sẽ bị phạt đến 1 tỉ đồng
>>Cấm quảng cáo sản phẩm bình bú và vú ngậm nhân tạo dưới mọi hình thức
>>Thanh tra Chính phủ chính thức thanh tra SCIC
>>Honda Việt Nam đổ 120 triệu USD xây nhà máy thứ ba
Duyên Duyên