Nhận định quận Thanh Khê (Đà Nẵng) quỹ đất không còn trong khi dân cư lại quá đông khó phát triển kinh tế, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã yêu cầu lãnh đạo quận này thu lại đất quốc phòng sử dụng sai mục đích.

Bí thư Đà Nẵng: Thu hồi đất quốc phòng sử dụng sai mục đích

Lê Đình Dũng | 01/03/2018, 14:25

Nhận định quận Thanh Khê (Đà Nẵng) quỹ đất không còn trong khi dân cư lại quá đông khó phát triển kinh tế, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã yêu cầu lãnh đạo quận này thu lại đất quốc phòng sử dụng sai mục đích.

          

Ngày 1.3, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cùng lãnh đạo UBND, HĐND và các sở ban ngành TP.Đà Nẵng đã có buổi làm việc với Quận ủy, UBND quận Thanh Khê.

Tại buổi làm việc, các đơn vị liên quan đã xem xét, đánh giá cụ thể tình hình phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh của quận Thanh Khê. Trong đó, nhiều ý kiến nhận định quận Thanh Khê chưa phát triển tương xứng với sự phát triển chung của TP.Đà Nẵng. Hạn chế nhất là khu vực ven biển không phát huy được lợi thế, nguồn lực từ quỹ đất không còn…

Đóng góp ý kiến để định hướng phát triển cho quận Thanh Khê, ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cho rằng Thanh Khê đất chật người đông nên cấp thiết di dời các cơ sở sản xuất, các trường đại học, cao đẳng ra khỏi trung tâm. Bên cạnh đó cần nghiên cứu kỹ để mở rộng khu vực bãi biển Nguyễn Tất Thành. Ngoài ra, về lâu dài cần tính đến xây dựng hầm nối sân bay từ bờ Đông sang bờ Tây.

Ông Lê Quang Nam Giám đốc Sở TN-MT TP.Đà Nẵng thì nhận xét quận Thanh Khê có bãi biển Nguyễn Tất Thành rất đẹp nhưng hiện nay không có dịch vụ gì đáng kể.

“Chúng tôi chỉ thấy đường Nguyễn Tất Thành có bán nước mía. Một bãi biển đẹp mà để lãng phí quá. Nên tính đến việc lấn biển từ đoạn đường này không phải vì mở rộng quỹ đất mà làm sống lại bãi biển Nguyễn Tất Thành vốn “chết” lâu nay”, ông Nam nói.

Cùng ý kiến về việc định hướng cho quận Thanh Khê phát triển khu vực ven biển, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH-ĐT TP.Đà Nẵng đã gợi ý việc phát triển vịnh Thuận Phước, nằm ở đầu đường Nguyễn Tất Thanh thành mô hình như nước ngoài.

Theo ông Sơn: “Ở các nước có vịnh như Singapore thì tại vịnh họ đầu tư quần thể rất đẹp, còn các bãi biển bên trong họ vẫn giữ nguyên. Làm được cái này, quận Thanh Khê sẽ có thêm nguồn lực mạnh”.

Có mặt tại buổi làm việc, thay mặt UBND TP.Đà Nẵng, ông Trần Văn Miên, Phó chủ tịch thành phố nhận định dù năm 2017 kinh tế của quận Thanh Khê có tăng trưởng nhưng tốc độc rất chậm. Về lâu dài nếu không đổi mới sẽ bị tụt hậu.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Trương Quang Nghĩa cho rằng mức phát triển của quận Thanh Khê trong năm 2017 dù chậm nhưng rất đáng ghi nhận bởi nguồn thu phần lớn thu từ sản xuất. Trong khi nguồn thu chung toàn thành phố cao nhưng phần lớn từ nguồn quỹ đất.

Bí thư Thành ủy mong muốn, quận Thanh Khê phát triển theo định hướng quận kiểu mẫu trong đô thị phát triển.

“Nên quan tâm phát triển một số dự án nhưng không nên cấp phép xây dựng các dự án nhà cao tầng. Sau này khi phát triển hạ tầng đồng bộ thì mới tính đến việc này bởi Thanh Khê dân số đông nhất thành phố. Cái gương các quận trung tâm TP.Đà Nẵng đều đã lạc hậu về hạ tầng, Thanh Khê có đáng để như vậy không?”, ông Nghĩa nói.

Về nguồn lực để phát triển kinh tế quận Thanh Khê, Bí thư Trương Quang Nghĩa yêu cầu quận Thanh Khê cần rà soát và di chuyển ngay các cơ sở sản xuất kém hiệu quả. Bên cạnh đó, rà soát cả các khu đất quốc phòng dùng sai mục đích và thu hồi lại.

“Một quận có nhiều bờ biển như thế này nhưng không dùng được việc gì. Hiện đất ở Nguyễn Tất Thành đã có chủ thì nên khuyến khích xây khách sạn mini và dịch vụ nhà hàng. Đặc biệt, tập trung rà soát để giữ lại và thu hồi lại đất công, kể cả đất quốc phòng dù to hay nhỏ. Lấy lại để xây dựng trường học, bệnh viện, công viên, tập trung kêu gọi đầu tư các công trình phục vụ cộng đồng… Nhất quyết không cho phân lô bán nền ở các khu đất Bệnh viện Bưu điện, Nhà máy nhựa, Nhà máy dệt 29.3…”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh.

Tin, ảnh: Lê Đình Dũng

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bí thư Đà Nẵng: Thu hồi đất quốc phòng sử dụng sai mục đích