Tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP.Hà Nội khóa 16, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh quyết tâm không để dịch bệnh làm tụt hậu đời sống kinh tế - xã hội của thủ đô.
Quyết tâm không để dịch bệnh làm tụt hậu kinh tế - xã hội
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết thành phố đã cơ bản hoàn thành 3 nhiệm vụ quan trọng với kết quả khả quan.
Thứ nhất, chỉ đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu quốc hội khóa 15 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10; kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và nhiều sự kiện chính trị, xã hội quan trọng khác đảm bảo an toàn tuyệt đối trên mọi phương diện.
Thứ nhì, thành phố đã chủ động, kịp thời và bình tĩnh trong mọi tình huống để có các chủ trương, giải pháp trúng, đúng với tinh thần quyết liệt và hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19; chuẩn bị phương án phòng chống dịch ở cấp độ cao hơn để không bị động, bất ngờ.
Thứ ba, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tăng trưởng GRDP của thành phố cả năm ước đạt khoảng 2,35 - 3,0%, mặc dù không đạt kế hoạch đề ra (kế hoạch là 7,5%), nhưng vẫn duy trì ổn định.
Cân đối thu - chi ngân sách vẫn được đảm bảo, thu ngân sách nhà nước ước đạt 108,3% dự toán trung ương giao, đảm bảo các nhiệm vụ chi theo dự toán, nhất là các nhiệm vụ chi phòng chống dịch bệnh COVID-19, chi cho công tác an sinh xã hội…
Ông Đinh Tiến Dũng nêu rõ mục tiêu tổng quát cơ bản của TP.Hà Nội trong năm 2022 là phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19; tập trung thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu…
Bí thư Hà Nội cũng đề nghị các đại biểu cần phân tích, đánh giá những kết quả trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 của thành phố thời gian vừa qua; triển khai hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch trong thời gian tới; quyết tâm không để dịch bệnh làm tụt hậu đời sống kinh tế - xã hội của thủ đô.
Ông Dũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu toàn thành phố phải tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, chú trọng đến các công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao…
Đề nghị tăng cường phòng chống dịch, di dời nhà máy gây ô nhiễm
Báo cáo tại kỳ họp, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết MTTQ các cấp đã hỗ trợ lực lượng phòng chống dịch, các y bác sĩ, bệnh nhân, hộ nghèo, người lao động, sinh viên, người nước ngoài... gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và nhân dân một số tỉnh thành với số tiền và hàng hóa trị giá 966,3 tỉ đồng.
Ngoài ra, các mô hình “chợ 0 đồng”, “gian hàng 0 đồng”, “chuyến xe 0 đồng” “đội xe đại đoàn kết”, “bếp ăn 0 đồng”, “tiếp sức mùa dịch”, “chia sẻ yêu thương”, chương trình “đoàn kết chống dịch”, “sóng và máy tính cho em” đã hỗ trợ tiền, gần 30.000 suất quà và 7.586 thiết bị học trực tuyến trị giá 84,15 tỉ đồng; Quỹ “Vì người nghèo” 3 cấp đã hỗ trợ xây mới 408 nhà đại đoàn kết, tặng 68.601 suất quà giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo…
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hà Nội đề nghị HĐND, UBND TP quan tâm xây dựng cơ chế chính sách để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; xem xét điều chỉnh chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng đảm bảo phù hợp thực tế và lợi ích của nhân dân.
Ngoài ra, MTTQ đề nghị HĐND TP giám sát các lĩnh vực: Quy hoạch đô thị, tiến độ thực hiện các dự án, giao thông, môi trường, các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, phòng cháy chữa cháy...
MTTQ TP cũng đề nghị UBND TP tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19; xử lý nghiêm và công khai kết quả xử lý vi phạm quy định của TP về phòng chống dịch COVID-19; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho trẻ em; chỉ đạo các sở ngành nghiên cứu mô hình học trực tiếp và trực tuyến, quan tâm hỗ trợ học sinh thuộc các gia đình khó khăn phương tiện học tập trực tuyến.
Ngoài ra, UBND TP cần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất, các con sông, khu xử lý rác; hỗ trợ đầu tư ngân sách đối với các địa phương xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; có giải pháp ổn định giá các loại vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, nông sản…
Song song với đó, đẩy nhanh việc di dời các cơ sở, nhà máy gây ô nhiễm khỏi khu vực nội đô; rà soát, thu hồi các dự án chậm triển khai, các dự án vi phạm sử dụng đất; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông, trường học, chợ dân sinh, hệ thống thủy lợi, hệ thống xử lý nước thải...; đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng xây dựng các huyện thành quận.
Ngoài ra, cần có chính sách, thủ tục đặc thù thực hiện các công trình trọng điểm như: Dự án đường vành đai 4, đề án xây dựng, cải tạo lại các chung cư cũ; đầu tư kinh phí để tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thủ đô; quan tâm công tác cải cách hành chính; tăng phụ cấp đối với bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố...