Tôi không tin lương thấp mà người bác sĩ bỏ nghề, hoặc nguyên nhân nào khác làm cho người ta nản lòng, nhưng tôi tin rằng nếu tất cả những điều trên dồn vào cùng một lúc sẽ khiến sức người không chịu nổi.

Bí thư Nguyễn Văn Nên nói về tình trạng nhiều nhân viên y tế nghỉ việc

Hồ Quang | 05/08/2022, 16:18

Tôi không tin lương thấp mà người bác sĩ bỏ nghề, hoặc nguyên nhân nào khác làm cho người ta nản lòng, nhưng tôi tin rằng nếu tất cả những điều trên dồn vào cùng một lúc sẽ khiến sức người không chịu nổi.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã chia sẻ như vậy trong buổi gặp gỡ cán bộ, nhân viên ngành y tế TP.HCM vào sáng nay (5.8).

Làm công tác tư tưởng là vấn đề số 1

Báo cáo với Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết hiện TP đang đối mặt với 4 nguy cơ là dịch chồng dịch, thiếu thuốc men và trang thiết bị y tế, biến động về nhân viên y tế, lo lắng kéo dài trong bộ phận nhân viên y tế.

Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành y tế TP có đến 891 viên chức cấp cơ sở nghỉ việc. Những người nghỉ việc phần lớn là người vững chuyên môn, có thâm niên; còn người mới xin vào làm việc là người vừa ra trường cần được đào tạo thêm.

bi-thu-nguyen-van-nen-vac-xin-tinh-than-voi-nhan-vien-y-te-moi-la-dieu-quan-trong-hinh-anh(1).png
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi gặp gỡ cán bộ, nhân viên ngành y tế TP.HCM - Ảnh: PV

Trước tình hình đó, ông Thượng cho biết ngành y tế TP đang nỗ lực để ngăn chặn nguy cơ dịch chồng dịch, không để bệnh sốt xuất huyết chồng lên bệnh tay chân miệng. Bước đầu, TP đã cơ bản kiểm soát được sốt xuất huyết và tay chân miệng cùng dịch COVID-19. Ngành y tế thành phố đang huy động người dân tích cực tham gia vào công tác phòng chống dịch, chủ động ứng phó.

Thành phố quản lý chặt chẽ công tác đấu thầu thuốc, không xảy ra tình trạng thiếu thuốc là nhờ công tác đấu thầu diễn ra thuận lợi; giám sát tình hình sử dụng thuốc, điều phối thuốc giữa các bệnh viện.

TP tăng cường hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện gặp khó khăn, lập tổ chuyên gia về sốt xuất huyết, COVID-19,  tiến hành hội chẩn từ xa để kiểm soát dịch bệnh. Triển khai những giải pháp ổn định tâm trạng lo lắng của nhân viên y tế, giám đốc và các phó giám đốc Sở Y tế thường xuyên đối thoại với nhân viên y tế tại các bệnh viện; triển khai công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên y tế; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hội thi như món ăn tinh thần. Nhiều cuộc gặp gỡ giữa Sở Y tế và nhân viên y tế tại các cơ sở đã mang lại niềm vui cho nhân viên y tế.

Dù hiện nay dịch bệnh COVID-19 đã nhạt, các bệnh viện hoạt động trở lại bình thường nhưng số bệnh nhân nội trú và ngoại trú so với trước dịch đang còn thấp, nguồn thu khó khăn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các bệnh viện tự chủ.

“Ngành y tế đang tiếp tục nỗ lực vượt khó chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên cần sự hỗ trợ của thành phố. Chúng tôi rất mong lãnh đạo TP sớm có cơ chế chính sách để mở rộng mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng; không giảm số biên chế của ngành y tế, tiếp tục giữ biên chế như hiện tại; trích lập ngân sách quỹ cải cách tiền lương của nhân viên y tế”, ông Thượng kiến nghị.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều mất mát, nhưng cũng để lại những bài học quý giá. Nhiều “chiến sĩ áo trắng” ngã xuống trong cuộc chống dịch chưa có tiền lệ. TP đã đối mặt và vượt qua dòng xoáy giữa tâm bão của đại dịch.

Giờ đây khi TP đã tạm bình yên, vượt qua đại dịch COVID-19 để phục hồi kinh tế, thì sốt xuất huyết đang trở lại với cường độ, mức độ tăng cao. Bên cạnh đó, bệnh đậu mùa khỉ đang lăm le xâm nhập. Nỗi lo của người làm nghề y luôn canh cánh, áp lực. “Nói như vậy để cần có sự thấu cảm với ngành y tế và đòi hỏi ngành y tế phải tiếp tục chiến đấu, hy sinh để bảo vệ sự bình an của cộng đồng và cần được xã hội tôn vinh, tri ân”, Bí thư Thành ủy TP.HCM nói.

Người đứng đầu Đảng bộ TP cho rằng chính sách đãi ngộ cho nhân viên y tế có vấn đề, sự bù đắp hiện nay đối với những người làm trong ngành y chưa tương xứng. Đây là điều mà những người làm chính sách cần phải cân nhắc.

“Nhân viên y tế nghỉ việc đang có xu hướng gia tăng. Chúng ta biết rằng chính sách hiện nay của ngành y còn nhiều bất cập. Ngành y tế TP đang đối mặt với những nguy cơ không tên. Ngành y tế làm gì, lãnh đạo thành phố làm gì, các cơ quan làm gì, xã hội cần làm gì để hành động cụ thể chứ không thể nói suông. Mong anh chị em ngành y tế đừng thấy mình đơn độc, chúng tôi luôn sát cánh, và xin thề điều đó là sự thật”, ông Nên chia sẻ

Đề cập đến vấn đề nhiều nhân viên y tế nghỉ việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đưa ra một thông tin điều tra xã hội học mà ông đã đọc trên báo. Theo đó, có 6 nguyên nhân khiến nhân viên y tế nghỉ việc gồm: Lương thấp (93%); không hài lòng với môi trường làm việc (57%); cường độ làm việc, áp lực quá cao (43%); không có cơ hội học hỏi nâng cao tay nghề (43%); không hài lòng với giám đốc (38%); không hài lòng với cấp trên quản lý mình (38%).

Ông Nên thừa nhận việc nhân viên y tế nghỉ việc có những nguyên nhân trên, nhưng theo ông còn một nguyên nhân khác khá quan trọng, đó chính là công tác chính trị tư tưởng. “Ngày xưa chiến đấu, các cụ có câu “tư tưởng không thông mang bình đông đi không nổi”. Do đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Y tế cần quan tâm công tác chính trị tư tưởng với cán bộ, nhân viên y tế. Khi cuộc chống dịch đã qua đi cần thêm sự quan tâm, đồng cảm, thấu cảm, chia sẻ để nhân viên y tế thực sự có điểm tựa về tư tưởng. Toàn hệ thống của y tế phải làm tốt công tác chính trị tư tưởng. Đây là vấn đề số 1”, ông Nên nhấn mạnh.

Người dân bị bệnh thì bác sĩ lo, bác sĩ không khỏe thì ai lo?

Người thầy thuốc khi đã có tâm huyết đi theo ngành y thì phải giỏi, phải học nhiều. Phải 5 đến 7 năm mới có thể ra trường, theo đuổi sự nghiệp cứu người, nhưng có những người đã phải rời bỏ đam mê bởi những áp lực dồn dập nhưng sức người có hạn.

Khi đề cập đến cuộc sống của người thầy thuốc, ông Nên đặt vấn đề: “Khi người dân bị bệnh thì bác sĩ lo, khi bác sĩ không khỏe thì ai lo? Đây là câu hỏi khiến tôi day dứt”.

Ông Nên cho biết bản thân đã nhận được rất nhiều lời động viên của thầy thuốc khi TP bị dịch bệnh COVID-19 tấn công. Tuy nhiên, khi những thầy thuốc có vấn đề thì ông hiểu rằng phải đi hỏi, động viên họ. “Tôi thấy áy náy vì điều đó. Tại sao mình không hiểu được họ để lo cho họ”, ông Nên băn khoăn.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng kể lại câu chuyện mà ông gặp và hỏi một bác sĩ trẻ mới ra trường đang công tác ở đơn vị y tế cơ sở. “Nữ bác sĩ trẻ này kể với tôi rằng phải làm việc quần quật, không có ngày nghỉ thứ bảy, Chủ nhật. Cô nói ngày trước cháu có tham gia chống dịch nhưng vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ chống dịch. Có một cái cháu chỉ nói riêng với bác là cháu bị sai khiến nhiều lắm, có cái gì đó giống như sai vặt. Những bạn bè của cháu gia đình có điều kiện đã tách ra để lấy chứng chỉ hành nghề mở phòng mạch”, ông Nên thuật lại.

Người đứng đầu Đảng bộ TP chia sẻ: “Tôi không tin lương thấp mà người bác sĩ bỏ nghề, hoặc nguyên nhân nào khác làm cho người ta nản lòng, nhưng tôi tin rằng nếu tất cả những điều trên dồn vào cùng một lúc sẽ khiến sức người không chịu nổi. Nhà nước phải làm gì đó bằng hành động chứ không thể nói suông. Nguồn vắc xin tinh thần với nhân viên y tế mới là điều quan trọng, khi cường độ làm việc cao thì đòi hỏi sự thấu cảm, chia sẻ để cùng nhau vượt qua khó khăn”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bí thư Nguyễn Văn Nên nói về tình trạng nhiều nhân viên y tế nghỉ việc