Chiều 6.7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì buổi họp trực tuyến về tình hình phòng chống dịch bệnh tại TP.HCM.

Bí thư TP.HCM: Số lượng F0 mới phát hiện ngoài cộng đồng quá lớn

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 06/07/2021, 22:00

Chiều 6.7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì buổi họp trực tuyến về tình hình phòng chống dịch bệnh tại TP.HCM.

Người đi đến TP.HCM phải khai báo y tế và tự cách ly 7 ngày

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định TP.HCM đang ở giai đoạn rất khó khăn của dịch COVID-19, đời sống người dân bị ảnh hưởng lớn và dịch bệnh từ TP.HCM đã lây lan ra các địa phương khác.

"TP.HCM tiếp tục thực hiện nghiêm những giải pháp chống dịch ở mức độ cao hơn nữa, khống chế bằng được các ổ dịch, phấn đấu không để giãn cách xã hội kéo dài. Tuyệt đối không để tiếp diễn tình trạng tập trung đông người, không tuân thủ quy định giữ khoảng cách như đã xảy ra ở một số nơi khi đang thực hiện giãn cách xã hội", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu TP.HCM cần chuẩn bị khẩn trương, chu đáo các quy định cần thiết để hạn chế người tụ tập, đi lại trong thành phố, trong trường hợp không thực sự cần thiết, không ra khỏi nhà.

Trong những ngày tới, Thủ tướng sẽ có công điện khẩn gửi các tỉnh thành phố quy định thống nhất việc kiểm soát người ra - vào vùng dịch và TP.HCM. Theo đó, các trường hợp này khi về địa phương phải khai báo y tế, tự cách ly ở nhà tối thiểu 7 ngày. Cán bộ y tế phải điều tra dịch tễ, có biện pháp xét nghiệm dựa trên kết quả điều tra dịch tễ và có biện pháp cách ly tiếp theo, qua đó không chỉ kiểm soát dịch bệnh mà để người dân cân nhắc khi ra - vào TP.HCM.

Nhận định tình hình dịch bệnh ở TP.HCM đang hết sức phức tạp, Bí thư Thành ủy TP.HCM - Nguyễn Văn Nên khẳng định trong thời gian này sẽ đảm bảo mức hỗ trợ tối thiểu cho 230.000 hộ dân nghèo tại các khu vực giãn cách và đã có sự chuẩn bị về kinh phí trong thời gian kéo dài giãn cách.

Trong thời gian qua, TP.HCM đã hỗ trợ cho các hộ nghèo tại những điểm giãn cách mỗi người tối thiểu 50.000 đồng/ngày và đang dự trù gói hỗ trợ gần 900 tỉ đồng để tiếp tục hỗ trợ các đối tượng khó khăn trong thời gian kéo dài giãn cách xã hội, đảm bảo đời sống sinh hoạt của người dân cả về vật chất, lẫn tinh thần.

vu-duc_dam.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến

Cuộc họp cũng thống nhất việc, trong thời gian tới, nếu giãn cách diện rộng thì các Bộ, ngành có liên quan phải có kịch bản cụ thể để xử lý các vấn đề, như phân luồng giao thông, lưu thông hàng hóa, cung ứng vật tư và nhu yếu phẩm, tiếp nhận và điều trị bệnh nhân, hỗ trợ tối đa nhất cho ngành y tế phối hợp cùng người dân TP.HCM phòng chống dịch.

Đưa ra những cảnh báo, đại diện Bộ Y tế cho biết Việt Nam đang nhiễm phải biến chủng Delta và Delta Plus lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ có khả năng lây lan nhanh và mạnh. Nếu chúng ta không cẩn thận, thực hiện đủ các biện pháp phòng dịch thì có thể tiếp tục xuất hiện các biến chủng mới nguy hiểm hơn, lây lan nhanh hơn, mạnh hơn. Nguy cơ bùng phát dịch là hiện hữu, kể cả tại các quốc gia đã đạt được độ bao phủ tiêm chủng cao như chủng Lambda - loại chủng vi rút đang lan rộng ra các quốc gia ở Nam Mỹ. Điều nguy hiểm theo các chuyên gia y tế trên thế giới cảnh báo là sự đột biến có thể khiến chủng này có khả năng kháng vắc xin COVID-19.

Ở Việt Nam, tình hình tổng thể dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát, các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng... đang được kiểm soát tốt nhất. Riêng tại TP.HCM và một số tỉnh miền Đông, dịch đang diễn biến nhanh, phức tạp và dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc mới do mầm bệnh đã lưu hành trong một thời gian dài tại nhiều nơi, trong đó có các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch như các nhà máy, khu công nghiệp, các chợ dân sinh...

Sắp tới, Bộ Y tế cũng khuyến cáo các địa phương tăng cường sử dụng test kháng nguyên nhanh, khi phát hiện ca nghi nhiễm thì xét nghiệm khẳng định bằng máy Realtime RT-PCR. Việc sử dụng test kháng nguyên nhanh trong đợt dịch này rất hiệu quả vì với biến chủng mới, lượng vi rút có mật độ rất lớn trong mẫu của các ca nhiễm, sự phát hiện nhanh sẽ khiến ngành y tế có phương thức điều trị, khoanh vùng, dập dịch dễ dàng hơn.

'Số lượng F0 phát hiện ngoài cộng đồng quá lớn'

Cũng tại cuộc họp chiều 6.7, Bí thư Thành ủy TP.HCM - Nguyễn Văn Nên nhận định: "Nhìn tổng thể tình hình dịch bệnh trên toàn thành phố còn phức tạp. Số trường hợp F0 mới phát hiện ngoài cộng đồng còn quá lớn là yếu tố nguy cơ và gây khó khăn cho quá trình khống chế dịch bệnh".

Ông Nên ghi nhận một số kết quả tốt như các doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu chế xuất đã chủ động kế hoạch phòng chống dịch từ xa, tổ chức tốt việc cho công nhân vừa làm việc, vừa cách ly tại chỗ, đảm bảo sản xuất kinh doanh trong điều kiện an toàn.

Việc thành lập Trung tâm Điều hành xét nghiệm COVID-19 có thể đảm bảo công tác xét nghiệm tầm soát, giúp cho truy vết nhanh đạt hiệu quả…

Tuy nhiên, để hiệu quả hơn, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng thành phố cần tăng cường công tác tầm soát xét nghiệm, tập trung lấy mẫu đồng bộ với năng lực xét nghiệm để truy vết nhanh, thần tốc.

Ông yêu cầu đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, quản lý cách ly tại nhà, chú trọng phát triển tính năng phù hợp với từng khâu trong phòng chống dịch. Thành phố cần huy động, phát huy lực lượng cơ sở để hỗ trợ tuyến đầu chống dịch.

Các chợ đầu mối, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nhà trọ phải được tăng cường kiểm tra, giám sát.

"Mạnh dạn đưa ra biện pháp xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm", ông Nên chỉ đạo.

Bí thư Nguyễn Văn Nên khẳng định thiết bị và phương tiện xét nghiệm COVID-19 hiện đã đầy đủ. Sở Y tế TP.HCM cần có phương pháp tiếp nhận và bàn giao cụ thể cho đơn vị sử dụng, đảm bảo hiệu quả.

Sở Thông tin và Truyền thông cần tập trung hơn nữa để ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu phòng, chống dịch, trong đó có giám sát, quản lý cách ly tại nhà.

"Thành phố đang tập trung cao nhất có thể để có nguồn vắc xin COVID-19 cho người dân. Ngành y tế cần chuẩn bị sẵn lực lượng và xây dựng kế hoạch để tổ chức tiêm vắc xin đảm bảo an toàn, trật tự trong thời gian tới", ông Nên yêu cầu.

Ông Nên giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các quận, huyện, TP Thủ Đức đẩy nhanh gói hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Cuối cùng, lãnh đạo Thành ủy TP.HCM yêu cầu thường vụ các quận, huyện, TP.Thủ Đức tập trung chỉ đạo ở các điểm thi tốt nghiệp THPT. Nếu nơi nào chưa thực sự đảm bảo cần dừng. Công an TP.HCM tăng cường lực lượng đảm bảo giãn cách xung quanh điểm thi.

Bài liên quan
TP.HCM: Nhiều vi phạm trong quản lý đầu tư xây dựng tại Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng
Thanh tra TP.HCM đã chỉ ra nhiều vi phạm liên quan đến Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng trong quản lý đầu tư xây dựng tại Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
17 phút trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bí thư TP.HCM: Số lượng F0 mới phát hiện ngoài cộng đồng quá lớn