Thời gian qua, đã có ít nhất 9 nước đã công khai bác bỏ những tuyên bố phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông với lo ngại sự bành trướng từ Bắc Kinh.

Biển Đông: 'Đường lưỡi bò' của Trung Quốc bị bác bỏ từ Á sang Âu

Hoàng Vũ (theo Nikkei) | 01/12/2020, 15:16

Thời gian qua, đã có ít nhất 9 nước đã công khai bác bỏ những tuyên bố phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông với lo ngại sự bành trướng từ Bắc Kinh.

Theo Nikkei, Anh, Pháp và Đức là những quốc gia mới nhất nằm trong danh sách ít nhất 9 nước trong năm 2020 ra tuyên bố bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.

Hồi tháng 9, cả 3 cường quốc châu Âu trên dù không có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc nhưng đã gửi công hàm chung bác bỏ thứ gọi là "quyền lịch sử" của Trung Quốc trên vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" mà nước này tự vẽ ra trên Biển Đông.

Công hàm của chính phủ Anh, Pháp và Đức nhận định những tuyên bố của Trung Quốc "không phù hợp với luật pháp quốc tế và các nội dung" trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Văn kiện trên nhấn mạnh "không có bất kỳ cơ sở pháp lý" nào để các nước lục địa nhìn nhận quần đảo và cấu trúc ở biển như một thực thể thống nhất mà không tôn trọng các điều khoản liên quan trong phần II của UNCLOS, hay nhìn nhận bằng cách áp dụng các điều khoản trong phần IV - vốn chỉ có thể áp dụng cho các quốc gia quần đảo.

"Tất cả các yêu sách hàng hải ở Biển Đông cần được đưa ra và giải quyết một cách hòa bình phù hợp với các nguyên tắc và quy tắc của UNCLOS", nhóm 3 quốc gia châu Âu kêu gọi.

Tòa Trọng tài thường trực (PCA) trụ sở tại The Hague (Hà Lan) năm 2016, đã tuyên bố bác bỏ “đường chín đoạn” của Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Bắc Kinh đã phớt lờ phán quyết, cho rằng "chủ quyền lãnh thổ, quyền hàng hải và lợi ích của họ ở Biển Đông được thiết lập trong quá trình lịch sử lâu dài".

Các nước châu Âu trước đây vẫn hạn chế thể hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, một phần vì mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc và khoảng cách xa về mặt địa lý đối với điểm nóng địa chính trị. Song các nước phương Tây gần đây đã gây nhiều áp lực cho Trung Quốc trước các vấn đề minh bạch liên quan đến sự bùng phát đại dịch COVID-19, cũng như luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh áp dụng cho đặc khu Hồng Kông.

Tại hội nghị thượng đỉnh tháng 9, Liên minh châu Âu (EU) cũng thúc giục Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Trước đó, Úc và Mỹ dù đều không có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh tại Biển Đông, cũng đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để phản đối các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc. Hồi tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết các tuyên bố của Trung Quốc là "hoàn toàn trái pháp luật", trong khi đó Tổng thống đắc cử Joe Biden mới đây cho biết, Washington sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác khác về an ninh để đối phó với những thách thức từ phía Bắc Kinh.

Các nhà phân tích nhận định rằng việc càng nhiều nước ngày một quan ngại về Trung Quốc có thể ngăn cản dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường vốn đặt tham vọng xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng từ Á sang Âu với Bắc Kinh giữ vị trí trung tâm.

Nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học Indonesia, Awani Irewati, đánh giá việc nhiều nước không có tranh chấp biển với Trung Quốc lên tiếng mạnh mẽ sẽ kiềm tỏa Trung Quốc hiệu quả hơn cả sức ép quân sự từ Mỹ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biển Đông: 'Đường lưỡi bò' của Trung Quốc bị bác bỏ từ Á sang Âu