Cách đây 18 năm, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đặt bút ký thông qua Đạo luật Bảo vệ Hôn nhân (DOMA), "khép lại" cánh cửa Hôn nhân đồng giới tại nước Mỹ trong hơn 17 năm. Tuy nhiên, hiện tại, chính ông lại rất vui mừng khi Đạo luật đó đã bị hủy bỏ.
Hành động của Cựu Tổng thống Clinton khi ấy bị cộng đồng người đồng tính Mỹ lên án gay gắt, cho rằng ông đã "bán đứng" họ để có được số phiếu giúp ông tái đắc cử nhiệm kỳ hai. 17 năm sau, Đạo luật DOMA bị Tòa án Tối cao phủ quyết, mở ra một tương lai tươi sáng cho cộng đồng LGBT Mỹ.
Tại Trailblazer Awards - lễ trao giải nhằm vinh danh những cá nhân/ tổ chức có đóng góp cho cộng đồng LGBT, diễn ra vào thứ 5 vừa rồi, cựu Tổng thống Clinton đã phát biểu: “Đúng vào ngày này năm ngoái, Tòa án Tối cao Liên bang Mỹ đã tuyên án Đạo luật Bảo vệ Hôn nhân vi hiến. Đây là điều đúng đắn mà nước Mỹ cần phải làm. 17 năm sau khi ký ban hành Đạo luật DOMA, tôi rất vinh dự khi là một trong những người lên tiếng phản đối nó. Như năm ngoái tôi đã nói, tôi tin rằng đạo luật DOMA đi ngược lại với các nguyên tắc cơ bản của đất nước chúng ta là ủng hộ sự tự do, bình đẳng và công lý. Vì thế, nó hoàn toàn không thích hợp với Hiến pháp của chúng ta".
|
Bà Hillary Clinton cũng là một người ủng hộ mạnh mẽ Hôn nhân Bình đẳng |
Kể từ khi Dự luật DOMA bị đánh đổ, Tòa án Liên bang đã tuyên luật cấm Hôn nhân đồng giới tại 14 tiểu bang là vi hiến, gần nhất là bang Indiana. Hiện tại, người đồng tính tại 20 tiểu bang của Mỹ và Thủ đô Washington D.C. đã có thể kết hôn với nhau.
"Khi Hôn nhân bình đẳng lan tỏa khắp đất nước này, số người có được hạnh phúc sẽ tiếp tục tăng lên. Đó sẽ giúp đất nước của chúng ta tiến lên trở thành một khối Liên bang vững mạnh và hoàn hảo hơn", cựu tổng thống Clinton khẳng định.
Mặc dù cựu Tổng thống Clinton từng là người đặt bút ký ban hành Dự luật DOMA và là người từng chống Hôn nhân đồng giới, thế nhưng những lời phát biểu và hành động của ông hiện tại đã cho cộng đồng người đồng tính thấy được một điều rằng: Rồi mọi thứ sẽ dần tốt đẹp hơn và nước Mỹ đã sẵn sàng với Hôn nhân bình đẳng.
Anh Khang (Theo GSN)