Bộ Công Thương cho biết xăng Việt Nam được bán thấp hơn một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Hàn Quốc,...
Giá xăng vẫn thấp hơn nhiều nước
Bộ Công Thương cho biết, giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) dùng để tính giá cơ sở trong kỳ điều hành ngày 11.5 so với đầu năm nay biến động tăng từ 50,23 - 67,09% nhưng giá xăng dầu trong nước cùng giai đoạn này chỉ tăng 25,04 - 46,85%.
Giá xăng RON95 tại thời điểm trước kỳ điều chỉnh ngày 23.5 là 29.988 đồng/lít (1,3 USD/lít), bằng mức bình quân của thế giới (đứng thứ 86/170 quốc gia). Và với mức giá này, Bộ Công Thương cho biết xăng Việt Nam được bán thấp hơn một số nước trong khu vực như Trung Quốc (1,35 USD/lít); Thái Lan (1,43 USD/lít), Lào (1,74 USD/lít), Hàn Quốc (1,53 USD/lít); Campuchia (1,39 USD/lít). Tỷ trọng các loại thuế, phí trong giá cơ sở xăng dầu chiếm từ 15,23 - 34,07% tùy từng loại.
Về nguồn cung xăng dầu, Bộ Công Thương thừa nhận trong những tháng đầu năm nay, một số cửa hàng ngừng bán hoặc bán cầm chừng. Nguyên nhân do nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất, giá thế giới tăng cao, nguồn cung trên thế giới khan hiếm và chi phí để đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng mạnh...
Tuy nhiên, cơ quan này khẳng định số lượng cây xăng ngừng bán hoặc bán hàng cầm chừng rất nhỏ, khoảng 30 cửa hàng ở khu vực phía Nam trên tổng số 17.000 cây xăng trên cả nước (tỷ lệ chiếm gần 0,2%), trong khi đó hơn 99,8% cây xăng dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì bán hàng bình thường và từ đó đến nay, chưa lần nào xảy ra hiện tượng thiếu xăng dầu, dù là cục bộ.
Nguồn cung xăng dầu trong nước hiện được đảm bảo (tổng nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước năm 2022 khoảng 20,7 triệu m3, trong đó sản xuất trong nước khoảng 14,418 triệu m3, nhập khẩu khoảng 6,283 triệu m3).
Trong đó, nhu cầu xăng dầu quý 2/2022 khoảng 5,2 triệu m3. Nguồn cung xăng dầu quý 2/2022 dự kiến khoảng 6,7 triệu m3 (từ nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn khoảng 1,8 triệu tấn, nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn 1,9 triệu tấn, nguồn nhập khẩu khoảng 1,5 triệu tấn, chưa kể 2,4 triệu m3 theo quyết định bổ sung) và nguồn tồn kho quý 1/2022 chuyển sang là 1,5 triệu m3. Với nguồn cung này, Bộ Công Thương khẳng định sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xăng dầu quý 2/2022 và tồn kho gối đầu sang quý 3/2022 khoảng 1,5 triệu m3.
Giá xăng có thể tiếp tục tăng
Như Một Thế Giới đã đưa tin sáng nay, Theo chu kỳ điều hành giá xăng dầu 10 ngày/lần thì ngày mai (1.6) sẽ là điều chỉnh giá xăng dầu tiếp theo.
Dữ liệu của Bộ Công Thương đến ngày 27.5 cho thấy, giá xăng bán lẻ trên thị trường Singapore tiếp tục tăng mạnh so với kỳ tính giá trước. Cụ thể, giá xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 có giá bình quân 146,08 USD/thùng, còn xăng RON95 là 154,6 USD/thùng.
Một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho biết, theo đà tăng của giá xăng trên thị trường thế giới thì giá xăng trong nước trong kỳ điều chỉnh ngày 1.6 có thể tiếp tục tăng từ 500 - 800 đồng/lít. Khi đó, giá xăng RON95 vượt mốc 31.000 đồng/lít. Tuy nhiên vẫn còn phụ thuộc vào mức trích lập và chi quỹ bình ổn giá xăng dầu của cơ quan điều hành thì sẽ biết chính xác mức tăng của giá xăng.
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, quỹ bình ổn giá xăng dầu đang âm, do đó không thể trông chờ vào quỹ này để kìm đà tăng giá xăng dầu, mà chỉ có thể trông chờ vào biện pháp từ giảm thuế, phí cấu thành giá. Trong cơ cấu giá xăng dầu cơ sở, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang chịu 4 loại thuế gồm: thuế giá trị gia tăng, nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, cần tính tới các công cụ thuế linh hoạt hơn, như bài toán giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu và phải có chiến lược tiết kiệm. Cùng đó là các giải pháp về tăng dự trữ quốc gia, tách bạch dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ lưu thông phân phối làm sao trong quy hoạch sản xuất để tăng dự trữ từ sản xuất đến lọc dầu, dự trữ về lọc dầu và thành phẩm.
Hiện Liên bộ Tài chính - Công Thương cũng đã đề cập tới việc rà soát lại ngay cả với thuế MFN (mức thuế tối huệ quốc), với kiến nghị để giảm từ 20% xuống 12%. Tuy nhiên, mức giảm cụ thể ra sao cũng phải tính đến hài hòa trong quá trình đàm phán với các nước đồng thời giữ tỉ lệ nguồn thu, khuyến khích đa dạng hóa nguồn cung nhưng cũng phải tạo chênh lệch giữa các mức thuế thị trường mà Việt Nam có các hiệp định thương mại tự do với các thị trường có mức thuế MFN.
Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng trong nước đã có 10 lần tăng, tương đương mức tăng 6.741-6.774 đồng/lít, tùy loại. Ngày 23.5, giá bán lẻ xăng trong nước tăng thêm gần 700 đồng/lít, đưa giá xăng E5RON92 và RON95 lên mức cao nhất lịch sử là 29.630 đồng/lít và 30.650 đồng/lít.