Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu ống thép của Việt Nam bị cáo buộc nhập khẩu thép nguyên liệu từ Trung Quốc và Hàn Quốc sau đó gia công, xuất khẩu sang Mỹ.

Mỹ có thể điều tra ống thép Việt vì nghi nhập nguyên liệu từ Trung Quốc

Tuyết Nhung | 30/05/2022, 08:12

Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu ống thép của Việt Nam bị cáo buộc nhập khẩu thép nguyên liệu từ Trung Quốc và Hàn Quốc sau đó gia công, xuất khẩu sang Mỹ.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa nhận đơn kiện đề nghị điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với một số sản phẩm ống thép dạng vuông/chữ nhật và ống thép carbon dạng tròn có đường hàn.

ong-thep.jpg
Ống thép xuất khẩu

Các sản phẩm này chủ yếu thuộc mã HS 7306.61 và 7306.30 được nhập khẩu từ Việt Nam. Nguyên đơn trong vụ việc này gồm các doanh nghiệp sản xuất ống thép lớn tại Mỹ (như Nucor Corporation, Bull Moose Tube, Maruichi Steel Corporation…).

Doanh nghiệp Mỹ cáo buộc Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng (HRS), vốn là nguyên liệu chính để sản xuất ra ống thép từ Trung Quốc và Hàn Quốc, sau đó gia công, chế biến đơn giản thành ống thép và xuất sang Mỹ nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại tương ứng mà Mỹ đang áp dụng với Trung Quốc và Hàn Quốc.

Vì vậy, Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp sản phẩm ống thép dạng vuông/chữ nhật và ống thép carbon dạng tròn có đường hàn nhập khẩu từ Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá lần lượt là 69,20 - 85,55% và 249,12 - 264,64% và mức thuế chống trợ cấp khoảng 29,57 - 615,92% và 2,17% - 200,58% từ năm 2008.

Dữ liệu của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) cho thấy, năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm bị đề nghị điều tra của Việt Nam sang Mỹ khoảng 57,6 triệu USD.

Theo quy định của Mỹ, trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận đơn, DOC sẽ ra quyết định khởi xướng vụ việc (có thể được gia hạn).

Cục Phòng vệ Thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu liên quan rà soát các hoạt động xuất khẩu các sản phẩm ống thép bị điều tra sang Mỹ; nghiên cứu thủ tục điều tra chống lẩn tránh thuế của Mỹ và phối hợp với Cục trong quá trình của vụ việc.

Cục sẽ phối hợp với Hiệp hội Thép Việt Nam rà soát, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan để tìm hiểu về tình hình sản xuất và xuất khẩu sang Mỹ, ngăn chặn các dấu hiệu, hành vi lẩn tránh (nếu có).

Bộ Công Thương nhìn nhận, cùng với việc kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Trên thực tế, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của ta đã tăng nhanh trong những năm gần đây.

Tính đến hết quý 1/2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 212 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Trong số đó, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chiếm 25 vụ và ngày càng có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc và khi Việt Nam tham gia nhiều FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA...

Khi các doanh nghiệp xuất khẩu của một nước bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp này thường tìm cách khắc phục bằng việc chuyển sản xuất sang nước khác. Trong khi đó, với chính sách thuận lợi đối với đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang là một trong những lựa chọn của các doanh nghiệp đó để dịch chuyển sản xuất.

Tuy nhiên, điều này khiến xuất khẩu từ Việt Nam gia tăng đột biến, Việt Nam càng dễ trở thành đối tượng theo dõi, điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại bổ sung hoặc chế tài xử phạt của nước nhập khẩu.

Đối với các ngành xuất khẩu của Việt Nam, việc bị nước ngoài điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp sẽ dẫn tới những tác động tiêu cực như: ảnh hưởng đến ngành hàng liên quan và các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu chân chính, làm giảm uy tín hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam mà lâu dài còn tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế nước ta nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia hàng loạt FTA có yêu cầu cao về xuất xứ.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết đã và đang theo dõi biến động xuất khẩu của 36 mặt hàng và định kỳ đưa ra danh sách cảnh báo gồm 11 mặt hàng để thông tin cho các cơ quan chức năng, các hiệp hội, doanh nghiệp và các bên liên quan khác.

Kết quả xác minh đã phát hiện một số doanh nghiệp cá biệt có vi phạm về xuất xứ hàng hóa hoặc chỉ thực hiện các công đoạn sản xuất có hàm lượng giá trị gia tăng không đáng kể tại Việt Nam, từ đó các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý phù hợp.

Bài liên quan
Xử phạt 55 triệu đồng với cơ sở kinh doanh hàng giả ống thép Hòa Phát tại Vĩnh Phúc
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Vĩnh Phúc vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 55 triệu đồng đối với Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Nam Sơn Thịnh (Vĩnh Phúc) vì kinh doanh ống thép hộp giả mạo nhãn hiệu Hòa Phát và một nhãn hiệu khác đã được bảo hộ tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ có thể điều tra ống thép Việt vì nghi nhập nguyên liệu từ Trung Quốc