Mặc dù thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã giảm 50%, nhưng theo các chuyên gia vẫn chưa "thấm vào đâu" so với đà tăng giá xăng dầu hiện nay.
Còn dư địa giảm giá
Liên Bộ Tài chính - Công Thương cho biết sẽ tiến hành điều chỉnh giá xăng dầu vào chiều ngày 23.5 thay vì ngày 21.5. Theo quy định tại Nghị định 95, thời gian điều hành giá xăng dầu sẽ rơi vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng. Tuy nhiên ngày 21.5 là thứ bảy và là ngày nghỉ nên Liên Bộ Tài chính - Công Thương lùi thời gian điều chỉnh giá xăng dầu sang thứ 2 là ngày 23.5.
Giá xăng dầu trong nước đang trên đà tăng phi mã, dự báo trong kỳ điều chỉnh tới vào ngày (23.5) giá mặt hàng này sẽ vượt mốc 30.000 đồng/lít, lập kỷ lục mới. Hiện mỗi lít xăng RON95 đã cán mốc 29.980 đồng, xăng E5RON92 là 28.950 đồng một lít.
Hiện nay, mỗi lít xăng bán cho người tiêu dùng đang phải chịu nhiều loại thuế phí. Cụ thể, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng. Ngoài ra, còn có một số khoản được đưa vào làm cơ sở để tính giá xăng dầu như: chi phí định mức, lợi nhuận định mức, Quỹ bình ổn giá...
Mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng phải "cõng" 38-40% là thuế, phí. Trong đó, cơ cấu giá xăng được cộng 8 khoản, gồm: giá CIF tính thuế (giá xăng nhập + chi phí vận chuyển), thuế nhập khẩu (10%), thuế giá trị gia tăng (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95 và 8% với xăng E5), thuế bảo vệ môi trường (1.900 đồng với E5, 2.000 đồng với RON 95).
Bộ Công Thương từng tính toán trong mặt hàng xăng E5RON92, thuế phí chiếm 10.576 đồng/lít, tương ứng với 42,7% trong giá cơ sở. Với xăng RON95, thuế phí chiếm 10.942 đồng/lít, tương ứng với 43,2% trong giá cơ sở. Với các mặt hàng dầu thì thuế phí chiếm dao động từ hơn 21% đến hơn 27%. Cụ thể, với dầu Diesel, thuế phí chiếm 5.294 đồng/lít, tương ứng với 26,1% trong giá cơ sở. Với dầu hỏa, thuế phí chiếm 4.005 đồng/lít, tương ứng với 21,2% trong giá cơ sở. Với dầu mazut, thuế phí chiếm 4.809 đồng/kg, tương ứng với 27,2% trong giá cơ sở.
Giảm thuế và tăng dự trữ xăng dầu
Có thể thấy, mặc dù thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã được giảm 50% nhưng dường như vẫn chưa "thấm vào đâu" so với mức tăng phi mã của giá xăng dầu trong nước hiện nay. Vậy còn dư địa để giảm tiếp giá xăng dầu trong nước không? và nếu còn thì giảm bằng cách nào?
Trao đổi với PV Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng hiện nay vẫn còn dư địa để giảm giá xăng dầu, cơ quan quản lý cần nghiên cứu tiếp tục giảm thêm thuế phí để chặn đà tăng giá mặt hàng này.
Theo vị chuyên gia này, hiện thuế phí đang chiếm tỷ trọng rất cao trong cơ cấu giá thành sản phẩm xăng dầu. Trong đó, các loại thuế phí chiếm tới trên 40% trong cơ cấu giá thành mặt hàng xăng và tỷ lệ này với mặt hàng dầu là 24-30%. Ngoài việc giảm thuế bảo vệ môi trường 50% thì cơ quan quản lý cần xem xét, cân nhắc giảm thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt.
Ông Thịnh cũng cho rằng, liên Bộ Công Thương - Tài chính khi điều hành giá cũng cần xem xét lại việc sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu sao cho phù hợp, linh hoạt và đảm bảo tính hiệu quả, bền vững.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng đồng quan điểm và cho rằng để kìm giá xăng trong nước tăng hiện nay chỉ trông chờ vào việc giảm thuế phí. Song, cơ quan quản lý cũng cần phải nghiên cứu kỹ để có phương án bù đắp nguồn thu ngân sách nếu giảm thêm các loại thuế.
Ngoài gia, giới chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh phương án giảm thuế phí, Chính phủ cần có phương án dự trữ và chiến lược với mặt hàng xăng dầu, cụ thể là tăng dự trữ xăng dầu quốc gia, nâng cao dự báo để tránh rơi vào thế bị động về nguồn cung.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên từng cho biết, Việt Nam chưa có hệ thống kho riêng nên giao việc dự trữ xăng dầu quốc gia cho các doanh nghiệp đầu mối. Đây là cơ chế bất hợp lý, nên Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền có cơ chế tách bạch dự trữ quốc gia và thương mại, đồng thời tăng dự trữ xăng dầu quốc gia, để đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong 1-2 tháng.
Về phương án giảm thuế, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, cơ quan này đang phối hợp với Bộ Tài chính để rà soát, nghiên cứu xem giảm thêm thuế trong cơ cấu giá bán lẻ để hạ giá xăng dầu.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong công tác điều hành mặt hàng xăng dầu, Liên bộ Công Thương - Tài chính liên tục theo dõi sát diễn biến của giá thế giới để tiếp tục có những kiến nghị liên quan tới vấn đề về thuế, phí. Mới đây, Liên bộ cũng đã đề cập tới việc rà soát lại ngay cả với thuế MFN (tức là mức thuế tối huệ quốc), với kiến nghị để giảm từ 20% xuống 12%.
Tuy nhiên mức giảm thế nào cũng phải tính để có thể hài hòa trong quá trình đàm phán với các nước đồng thời giữ tỷ lệ nguồn thu, khuyến khích đa dạng hóa nguồn cung nhưng cũng phải tạo chênh lệch giữa các mức thuế thị trường FTA với các thị trường có mức thuế MFN.
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao thì giải pháp giảm thuế cần tiếp tục được tính tới. Nếu giá xăng dầu biến động mạnh hơn, Bộ Công Thương đã chủ động kịch bản, cụ thể nếu giá 130 USD, 150 USD/thùng thì sẽ đề xuất đưa ra kịch bản tiếp tục giảm các thuế đối với xăng dầu, như thuế môi trường, tiêu thụ đặc biệt...
Liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết đã sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) theo hướng linh hoạt, giúp cho mặt hàng xăng dầu trong nước tăng thấp hơn đà tăng của thế giới. Nhưng khó khăn là quỹ BOG tại các doanh nghiệp đang âm nặng. Số dư quỹ BOG đến hết quý 1/2022 (đến hết ngày 31.3.2022) âm 169,92 tỉ đồng.