Tại phiên giải trình vấn đề xăng dầu trước Ủy ban Kinh tế Quốc hội sáng 28.2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, năm 2022 là năm đặc biệt khó khăn đối với thị trường xăng dầu trên phạm vi toàn cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp và khó lường, đặc biệt cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài cùng với các biện pháp trừng phạt đối với Nga đã gây đứt gãy, khan hiếm về nguồn cung xăng dầu (cả thành phẩm và dầu thô) trên thị trường thế giới; giá xăng dầu tăng cao và trồi, sụt thất thường với biên độ lớn, trong thời gian dài, gây nhiều rủi ro cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, sản xuất xăng dầu trong nước còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc gián đoạn nguồn cung của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (ở thời điểm đầu năm và cuối năm 2022)... gây khó khăn về nguồn cung trong nước ở một số thời điểm nhất định.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, từ đầu năm 2022, trước hiện tượng một số đơn vị kinh doanh xăng dầu ở một số địa phương có dấu hiệu găm hàng, tạo khan hiếm để trục lợi, Bộ Công Thương đã thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra để thanh tra đồng loạt và toàn diện hoạt động kinh doanh xăng dầu của 33 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu.
Bộ cũng đã ban hành 15 công điện, chỉ thị, thông báo kết luận và nhiều công văn chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn và đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cung ứng, kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và các tổng đại lý, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công Thương cho hay về cơ bản việc cung ứng xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước luôn được bảo đảm. Tổng nguồn cung xăng dầu cung cấp cho thị trường trong năm 2022 đạt 25,58 triệu m3/tấn, vượt 7,3% so với tổng nguồn phân giao, trong đó nhập khẩu xăng dầu là 8,87 triệu m3/tấn, tăng 27% so với năm trước (chiếm 34% tổng nguồn cung); sản xuất xăng dầu trong nước đạt 15,69 triệu m3/tấn, tăng 13,7% (chiếm 61,3% tổng nguồn cung).
Năm 2023, trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường có tính đến yếu tố kinh tế trong nước phục hồi, tăng trưởng cao hơn năm trước, Bộ Công Thương đã thực hiện phân giao tổng nguồn xăng dầu cho các doanh nghiệp ở mức 27,34 triệu m3/tấn, tăng 15% so với số phân giao của năm trước nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.
Về công tác điều hành giá các mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương cho hay đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc tính toán, xác định, điều hành giá xăng dầu trong nước theo đúng quy định tại Nghị định 83, Nghị định 95 của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới; sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ Quỹ Bình ổn giá nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới.
Bộ Công Thương cũng đã chủ động kiến nghị các cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm một số loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu nhằm kiềm chế tốc độ tăng giá xăng dầu trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.
Theo thông tin của Một Thế Giới, trước thềm phiên giải trình vào ngày 28.2 của Bộ Tài chính và Công Thương trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội liên quan đến điều hành xăng dầu, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã có loạt văn bản khẩn gửi các cơ quan chức năng nêu những mảng tối của thị trường xăng dầu hiện nay.
Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty Xăng dầu Bội Ngọc (Trà Vinh) cho biết, đã có văn bản gửi Bộ Tài chính và Bộ Công Thương chất vấn 3 yêu cầu liên quan việc đảm bảo quyền lợi bình đẳng cho doanh nghiệp trong bối cảnh “doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối có lãi, trong khi doanh nghiệp bán lẻ thì lỗ ròng đến mức kiệt quệ nguồn vốn suốt hơn một năm qua”.
Theo doanh nghiệp này, để gỡ rối cho thị trường xăng dầu hiện nay, cơ quan quản lý cần nhìn thẳng vào thực tế của thị trường, cũng như phải bảo đảm rằng sẽ không có ‘lợi ích nhóm’ trong xây dựng văn bản pháp luật, trả lại sự công bằng trong khâu phân phối xăng dầu hiện nay.
“Bất cập hiện nay là doanh nghiệp bán lẻ đang ở đáy của chuỗi cung ứng nhưng không được hưởng quyền lợi. Sự sống còn của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phụ thuộc hoàn toàn vào sự rộng lượng của các tầng nấc phía trên là đầu mối và thương nhân phân phối”, ông Tây nói.
Ông Tây cũng cho rằng trong cơ cấu tính giá xăng dầu có chi phí định mức và lợi nhuận định mức tổng cộng 1.350 đồng/lít xăng dầu cho cả 3 khâu: Đầu mối, thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ. Nhưng hơn một năm vừa qua, doanh nghiệp bán lẻ không được hưởng khoản chi phí định mức này. Do đó trong nghị định mới về xăng dầu tới đây, cần phải phân chia khoản định mức này cho 3 khâu theo tỷ lệ phần trăm nhất định. Bán lẻ cần được có chiết khấu cố định.
Trong văn bản gửi Chính phủ góp ý cho Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu cách đây ít ngày, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cơ quan quản lý nên cân nhắc đầy đủ và khắc phục triệt để những tồn tại trong quản lý, điều hành xăng dầu hiện nay, tránh tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu như trong thời gian qua.
“Nếu tình trạng giá bán thấp hơn chi phí kéo dài thì các doanh nghiệp sẽ không chỉ bán hàng nhỏ giọt trước mắt mà sẽ không đầu tư mới, thậm chí rời bỏ thị trường trong dài hạn. Khi đó, hạ tầng năng lượng của quốc gia sẽ bị xuống cấp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống sinh hoạt của người dân và an ninh năng lượng quốc gia”, VCCI cảnh báo.
VCCI cho rằng việc để giá bán do cung cầu quyết định sẽ giúp tạo cạnh tranh cho thị trường. Cùng đó, cần thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường bằng nhiều biện pháp như cho phép mở các cây xăng gần nhau, cho phép các cây xăng nhập hàng từ nhiều nguồn, hạ rào cản gia nhập thị trường xăng dầu.