Lãnh đạo Bộ Công Thương vừa lên tiếng về trách nhiệm với nhiều dự án điện mặt trời mái nhà mắc sai phạm trong đợt thanh kiểm tra vừa qua.

Bộ Công Thương lên tiếng về trách nhiệm trong sai phạm của các dự án điện mặt trời

Tuyết Nhung | 30/03/2022, 21:40

Lãnh đạo Bộ Công Thương vừa lên tiếng về trách nhiệm với nhiều dự án điện mặt trời mái nhà mắc sai phạm trong đợt thanh kiểm tra vừa qua.

Trả lời báo chí liên quan đến phát triển điện mặt trời chiều 30.3, ông Bùi Quốc Hùng - Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, thực hiện chủ trương phát triển năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ ban hành một số quy định nhằm khuyến khích để phát triển năng lượng tái tạo trong đó có điện gió, điện mặt trời.

2022_03_30_11_38_122_339b6.jpg
Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bùi Quốc Hùng

Đối với điện mặt trời, có Quyết định 11 và Quyết định 13 ngày 6.4.2020. Ngày 17.7.2020, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 18 hướng dẫn việc thực hiện triển khai các dự án điện mặt trời trên toàn quốc. Sau khi có chính sách hướng dẫn thì các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển rất nhiều các dự án điện mặt trời. Cuối năm 2020, số lượng rất lớn điện mặt trời đã được đưa vào lưới điện, trong đó có 2 loại, một loại điện mặt trời trên mặt đất khoảng 9.000 MW và điện mặt trời trên mái nhà khoảng 8.000 MW.

Theo ông Hùng, chủ trương về phát triển mặt trời nhằm tăng cường khả năng phát triển năng lượng tái tạo góp phần làm giảm tác hại của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Hiện nay, điện mặt trời đang tập trung tại một số địa phương có địa hình phù hợp, nhiều tiềm năng về cường độ ánh sáng như các tỉnh phía nam miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ.

Việc nguồn điện năng lượng mặt trời trên mặt đất và trên mái nhà tập trung và không phân tán nên gây ảnh hưởng đến việc vận hành hệ thống điện. Về điện mặt trời trên mái nhà, mục tiêu là hướng đến việc tự sản xuất tiêu thụ, tự phục vụ tại cùng một địa điểm sẽ mang lại hiệu quả lớn trong việc phát lưới điện không cần xây dựng đường dây chuyển tải.

Ngày 9.2.2021, Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo số 185 của Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với UBND các tỉnh và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiểm tra, rà soát phát triển điện mặt trời. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng thành lập đoàn kiểm tra các dự án phát triển về điện mặt trời vào ngày 15.3.2021 và thông báo tới UBND các tỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đã tiến hành kiểm tra 10 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An, Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai.

Hiện nay, Bộ Công Thương đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với EVN tiếp tục kiểm tra, rà soát các địa phương khác. Được biết, các tỉnh, thành phố đã tổ chức hoạt động kiểm tra. EVN cũng thành lập nhiều đoàn kiểm tra của tập đoàn và các Tổng công ty Điện lực để rà soát, đánh giá việc thực hiện phát triển điện mặt trời.

Thông tin thêm với báo chí về trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc quản lý các dự án điện mặt trời, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: "Trong quá trình thực hiện các quy hoạch, phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo thời gian vừa qua còn có những tồn tại, bất cập. Vì vậy nhiều cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành kiểm tra, ban hành kết luận về vấn đề này. Bộ Công Thương, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện năng và đặc biệt là năng lượng tái tạo, đã và đang thực hiện nghiêm túc thẩm quyền, trách nhiệm theo đúng quy định hiện hành và các kết luận nói trên".

Thời gian qua, việc phát triển điện mặt trời còn tồn tại một số bất cập như: Các nhà đầu tư phát triển tập trung ở một số địa phương có cường độ bức xạ cao, số giờ nắng trung bình trong năm lớn, trong khi hạ tầng lưới điện chưa đáp ứng yêu cầu về truyền tải; Lĩnh vực năng lượng tái tạo là lĩnh vực mới được phát triển trong thời gian gần đây, trong đó có lĩnh vực điện mặt trời và đặc biệt là điện mặt trời mái nhà; Phần lớn các nhà đầu tư trong lĩnh vực điện mặt trời mái nhà mới được thành lập hoặc các doanh nghiệp tư nhân, chưa có nhiều kinh nghiệm về đầu tư.

Do đó, trong quá trình chuẩn bị, triển khai đầu tư xây dựng, nghiệm thu, đưa vào sử dụng, một số chủ đầu tư chưa thực hiện tốt các quy định về xây dựng, phòng cháy chữa cháy, đất đai, môi trường... mà chủ yếu tập trung và quan tâm đến việc đấu nối chuyên ngành điện lực, hoàn thành lắp đặt thiết bị điện và xác nhận ngày vận hành để đưa vào phát điện.

Ngoài ra, việc phát triển điện mặt trời mái nhà trong thời gian vừa qua không đồng đều ở các địa phương, tập trung nhiều ở những vùng phụ tải thấp, dẫn đến không phù hợp nhu cầu sử dụng điện, làm mất cân đối trong quá trình điều độ và vận hành hệ thống điện, ảnh hưởng độ tin cậy cung cấp điện.

Trong kết luận kiểm tra mới đây, Bộ Công Thương cho biết có nhiều sai phạm tại loạt công ty điện lực như: Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai; Công ty Điện lực Bình Dương; Công ty Điện lực Bình Phước; Công ty Điện lực Long An; Công ty Điện lực Ninh Thuận; Công ty Điện lực Bình Thuận, Công ty Điện lực Gia Lai; Công ty Điện lực Đắk Nông; Công ty Điện lực Đắk Lắk. Đoàn kiểm tra cũng tiến hành kiểm tra Tổng công ty Điện lực TP.HCM.

Trong khi đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện chưa đầy đủ quy định dẫn đến các đơn vị điện lực tại các địa phương thực hiện thiếu đồng bộ, thống nhất trong quá trình phát triển điện mặt trời mái nhà. Doanh nghiệp ủy quyền cho các đơn vị thực hiện nhưng kiểm tra, theo dõi chưa kịp thời, dẫn đến nhiều đơn vị điện lực chấp thuận đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện của các hệ thống điện mặt trời mái nhà gây quá tải lưới điện quốc gia.

Bài liên quan
T&T Group đồng loạt hoà lưới 3 nhà máy điện mặt trời
Với việc nhà máy điện mặt trời Hồng Liêm 3, Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3 lần lượt hòa lưới điện quốc gia vào ngày 22 và 31.12.2020, Tập đoàn T&T Group hiện đã đưa vào chính thức vận hành 4 nhà máy điện mặt trời, tương đương tổng công suất 245 MWp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
5 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Công Thương lên tiếng về trách nhiệm trong sai phạm của các dự án điện mặt trời