Bộ Công Thương đã thành lập 3 đoàn kiểm tra giám sát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà ngay sau cuộc họp khẩn chiều 1.4.

Bộ Công Thương thành lập ngay 3 đoàn kiểm tra các dự án điện mặt trời

Tuyết Nhung | 01/04/2022, 23:13

Bộ Công Thương đã thành lập 3 đoàn kiểm tra giám sát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà ngay sau cuộc họp khẩn chiều 1.4.

Một vấn đề cấp bách được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên triệu tập các đơn vị chức năng họp khẩn ngay trong chiều 1.4 là vấn đề điện mặt trời.

Theo báo cáo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, ngày 9.2.2021, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (UBND các tỉnh) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời.

z_zpel.gif
Nhiều dự án điện mặt trời mắc sai phạm thời gian qua

Theo đó, Bộ Công Thương dự kiến tổ chức các đoàn kiểm tra chia thành 2 đợt. Đợt một được thực hiện ngay tại thời điểm ngày 5.3.2021 và tiến hành kiểm tra đối với 10 tỉnh, thành phố có tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà lớn.

Đợt kiểm tra thứ 2 dự kiến sẽ thực hiện vào thời điểm tháng 5 và tháng 6.2021. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên kế hoạch kiểm tra đợt 2 đã tạm dừng. Chính phủ cũng đã có chỉ đạo tạm dừng, giãn, hoãn các cuộc kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chưa cần thiết đã có trong kế hoạch năm 2021 và tổ chức thực hiện vào thời gian phù hợp sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, việc tạm dừng kiểm tra là lý do bất khả kháng. Tuy nhiên, hiện tại, dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, việc đi lại giữa các địa phương được nới lỏng, công tác kiểm tra, giám sát đợt 2 đã có thể thực hiện được. "Đây là vấn đề quan trọng cần được tập trung xử lý, không thể chậm trễ, kéo dài", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Sau cuộc họp chiều 1.4, Bộ Công Thương đã thành lập 3 đoàn kiểm tra để tiếp tục thực hiện công việc rà soát, giám sát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà, với thành phần đoàn tham gia gồm Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết Điện lực, Thanh tra Bộ Công Thương, Vụ Pháp chế, Sở Công Thương địa phương và Điện lực các địa phương. Thời gian kiểm tra bắt đầu từ ngày 1.4 đến hết ngày 10.4.2022.

Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6.4.2020 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định khác của pháp luật khẩn trương rà soát về phát triển điện mặt trời, nhất là điện mặt trời mái nhà theo đúng thẩm quyền.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương, báo cáo của các tỉnh, thành, địa phương, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, đánh giá kết quả tích cực và những tồn tại trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan; đề xuất giải pháp thực hiện trong thời gian tới và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, trao đổi với báo chí về trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc quản lý các dự án điện mặt trời, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: "Trong quá trình thực hiện các quy hoạch, phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo thời gian vừa qua còn có những tồn tại, bất cập. Vì vậy nhiều cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành kiểm tra, ban hành kết luận về vấn đề này. Bộ Công Thương, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện năng và đặc biệt là năng lượng tái tạo, đã và đang thực hiện nghiêm túc thẩm quyền, trách nhiệm theo đúng quy định hiện hành và các kết luận nói trên".

Thời gian qua, việc phát triển điện mặt trời còn tồn tại một số bất cập như: Các nhà đầu tư phát triển tập trung ở một số địa phương có cường độ bức xạ cao, số giờ nắng trung bình trong năm lớn, trong khi hạ tầng lưới điện chưa đáp ứng yêu cầu về truyền tải; Lĩnh vực năng lượng tái tạo là lĩnh vực mới được phát triển trong thời gian gần đây, trong đó có lĩnh vực điện mặt trời và đặc biệt là điện mặt trời mái nhà; Phần lớn các nhà đầu tư trong lĩnh vực điện mặt trời mái nhà mới được thành lập hoặc các doanh nghiệp tư nhân, chưa có nhiều kinh nghiệm về đầu tư.

Do đó, trong quá trình chuẩn bị, triển khai đầu tư xây dựng, nghiệm thu, đưa vào sử dụng, một số chủ đầu tư chưa thực hiện tốt các quy định về xây dựng, phòng cháy chữa cháy, đất đai, môi trường... mà chủ yếu tập trung và quan tâm đến việc đấu nối chuyên ngành điện lực, hoàn thành lắp đặt thiết bị điện và xác nhận ngày vận hành để đưa vào phát điện.

Ngoài ra, việc phát triển điện mặt trời mái nhà trong thời gian vừa qua không đồng đều ở các địa phương, tập trung nhiều ở những vùng phụ tải thấp, dẫn đến không phù hợp nhu cầu sử dụng điện, làm mất cân đối trong quá trình điều độ và vận hành hệ thống điện, ảnh hưởng độ tin cậy cung cấp điện.

Trong kết luận kiểm tra mới đây, Bộ Công Thương cho biết có nhiều sai phạm tại loạt công ty điện lực như: Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai; Công ty Điện lực Bình Dương; Công ty Điện lực Bình Phước; Công ty Điện lực Long An; Công ty Điện lực Ninh Thuận; Công ty Điện lực Bình Thuận, Công ty Điện lực Gia Lai; Công ty Điện lực Đắk Nông; Công ty Điện lực Đắk Lắk. Đoàn kiểm tra cũng tiến hành kiểm tra Tổng công ty Điện lực TP.HCM.

Trong khi đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện chưa đầy đủ quy định dẫn đến các đơn vị điện lực tại các địa phương thực hiện thiếu đồng bộ, thống nhất trong quá trình phát triển điện mặt trời mái nhà. Doanh nghiệp ủy quyền cho các đơn vị thực hiện nhưng kiểm tra, theo dõi chưa kịp thời, dẫn đến nhiều đơn vị điện lực chấp thuận đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện của các hệ thống điện mặt trời mái nhà gây quá tải lưới điện quốc gia.

Bài liên quan
Tập đoàn Sao Mai hoàn thành Nhà máy điện mặt trời hơn 6.000 tỉ đồng Sao Mai – An Giang
Ngày 12.1.2021, tại TP.Long Xuyên - An Giang, Tập đoàn Sao Mai (Sao Mai Group) đã tổ chức “Lễ công bố hoàn thành Nhà máy điện mặt trời Sao Mai - An Giang”, hướng đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Công Thương thành lập ngay 3 đoàn kiểm tra các dự án điện mặt trời